Chuyên gia: Nga vẫn than vãn phải "nuôi" Ukraine nhiều năm, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại

Hồng Anh |

Tác giả Oleksandr Okhrimenko đã đưa ra số liệu để chứng minh rằng Ukraine đang đóng góp nhiều cho nền kinh tế Nga.

* Bài viết được đăng tải trên trang 112 Ukraine, thể hiện quan điểm và ý kiến của tác giả Oleksandr Okhrimenko, Tiến sĩ kinh tế học tại Ukraine. Trước đây ông Okhrimenko từng công tác tại Viện Nghiên cứu Xô viết trong thời kỳ đổi mới của Liên Xô.

---

Nga có thực sự "nuôi" Ukraine trong những năm qua?

Ngoài những căng thẳng về quân sự và chủ quyền, thì kinh tế cũng là một trong những chủ đề tranh luận 'nóng' về mối quan hệ giữa hai nước Nga-Ukraine trong những năm qua.

Hiển nhiên là các hãng tin của Nga sẽ nói rằng Moskva đã và đang "nuôi" Kiev suốt 27 năm qua, và các hãng tin của Ukraine sẽ khẳng định điều ngược lại.

Vậy chúng ta nên nghe theo bên nào?

Trước hết, hãy cùng phân tích các số liệu từ Ủy ban Thống kê Quốc gia Ukraine về các hoạt động xuất nhập khẩu của Kiev và Moskva kể từ năm 1996 (đơn vị USD).

Từ năm 1996 đến 2017, Ukraine đã xuất khẩu 253 tỉ USD hàng hóa, và nhập khẩu 378 tỉ USD hàng hóa với Nga. Như vậy Ukraine đã âm 124 tỉ USD để "nuôi" Nga thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu.

Vậy còn câu chuyện Nga cung cấp "khí đốt" rẻ cho Ukraine thì sao? Thực chất, đây chỉ là câu chuyện hoang đường.

Đúng là trước năm 2006 Nga từng cùng cấp khí đốt cho Ukraine với giá khá mềm, tuy nhiên đó là trong bối cảnh giá dầu khí tự nhiên trên thị trường cũng đang ở mức tương đối thấp.

Đến năm 2006, khi giá dầu khí trên thế giới tăng vọt, Nga cũng bắt đầu tăng giá khí đốt bán sang Ukraine. 

Trên thực tế, Moskva chưa từng bán khí đốt cho Ukraine với giá thấp hơn giá thị trường; do đó những lời kêu than trên truyền thông Nga về việc "Nga đã lỗ 200 tỉ USD vì bán khí đốt giá rẻ cho Ukraine" chỉ đơn thuần là tin giả.

Ukraine đã và đang tiếp tục đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế của Nga. Trong nửa đầu năm 2018, Ukraine chỉ xuất khẩu sang Nga 1,8 tỉ USD hàng hóa, nhưng đã nhập khẩu đến 3,8 tỉ USD hàng hóa từ Nga. Như vậy, mặc dù Ukraine được cho là có tư tưởng ghét Nga, nhưng vẫn đóng góp cho nền kinh tế Nga ít nhất 2 tỉ USD trong năm nay.

Nếu Nga và Ukraine vẫn tiếp tục duy trì việc trao đổi kinh tế như năm 2013, thì Kiev sẽ còn xuất khẩu thêm được 38 tỉ USD hàng hóa nữa trong giai đoạn 2014-2017. Tuy nhiên, xung đột trong mối quan hệ giữa Kiev và Ukraine đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh. Cả hai bên đều phải chịu thua thiệt, và tất nhiên là thiệt hại của Nga lớn hơn: 60 tỉ USD trong 4 năm.

Chuyên gia: Nga vẫn than vãn phải nuôi Ukraine nhiều năm, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại - Ảnh 2.

Nhà máy thép của Ukraine. Ảnh: Business Recorder.

Ukraine lấy tiền ở đâu để "nuôi" Nga?

Dĩ nhiên có nhiều người sẽ thắc mắc rằng một nước nhỏ như Ukraine thì lấy đâu ra nhiều tiền để "nuôi" nền kinh tế của Nga như vậy. Một phần số tiền này đến từ việc xuất khẩu gạo và kim loại sang các quốc gia châu Á và châu Phi.

Ukraine luôn đạt được thặng dư trong các thương vụ với Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ả Rập Saudi, Iraq và Ấn Độ. Nhưng số tiền này chỉ chiếm một phần nhỏ, bởi vậy Ukraine còn phải dùng đến các khoản đầu tư, khoản vay nước ngoài và tiền của lao động nước ngoài để mua các mặt hàng xuất khẩu của Nga.

Tuy nhiên, trước đây từng có nhiều lần Ukraine phải vay 'nóng' từ các công ty và tổ chức nước ngoài để có đủ tiền nhập khẩu khí đốt được cho là "rất rẻ" của Nga. Ukraine có rất nhiều khoản vay nước ngoài bởi từ thời cựu Tổng thống Leonid Kuchma (1994 - 2005), nước này đã phải vay tiền để nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Ukraine cần dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm từ dầu mỏ, do đó việc giao thương với Nga là điều không thể tránh khỏi - nếu không phải trực tiếp thì Ukraine vẫn phải mua dầu mỏ của Nga thông qua EU hoặc Belarus.

Dù trong trường hợp nào, thì việc đạt được thặng dư trong thương mại với Nga cũng là điều rất khó khăn đối với Ukraine. Kiev có thể giảm thâm hụt bằng cách tăng xuất khẩu sang Nga, nhưng Moskva lại không muốn điều đó.

Có thể nói rằng thực trạng hiện nay là do chính sách của lãnh đạo hai nước, bởi chính Thủ tướng Volodymyr Groysman đã 'giúp' Nga đóng cửa thị trường với các mặt hàng của Ukraine. Trước mắt, chưa có dấu hiệu nào cho thấy quan hệ thương mại của hai nước này sẽ phục hồi lại trong tương lai gần.

* Bài viết thể hiện những phân tích riêng của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại