FT: Trung Quốc ngấm ngầm cài "bọ" trên Vành đai và Con đường, Malaysia đang bị nhắm đến

Hồng Anh |

Theo FT, Trung Quốc đã và đang nhắm đến các quốc gia như Belarus, Maldives, Campuchia, và Malaysia có thể là đối tượng tiếp theo.

Financial Times (FT) trích dẫn báo cáo của công ty an ninh mạng FireEye (Mỹ) cho biết, Trung Quốc rất có thể đang lợi dụng sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của mình để thực hiện các hoạt động gián điệp theo dõi chính phủ và những công ty lớn của các quốc gia liên quan.

Theo FT, Trung Quốc đã và đang nhắm đến các quốc gia như Belarus, Maldives, Campuchia, các tổ chức chính phủ như bộ ngoại giao của các nước châu Âu, và các tổ chức phi chính phủ.

"Có vẻ [Trung Quốc] dành nhiều sự quan tâm đến các quốc gia đang đối mặt với rủi ro về tài chính, hay những nơi sắp đưa ra các chính sách có khả năng ảnh hưởng tới các dự án sắp được tiến hành trong tương lai", Phó Chủ tịch công ty FireEye cho biết.

FT cũng trích lời bà Samantha Hoffman, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS - Anh), cho hay Trung Quốc đang sử dụng các dịch vụ thương mại điện tử, mạng viễn thông, các công ty và khách sạn trên tuyến BRI để thu thập thông tin nhằm "kiểm soát các cuộc tranh luận và ý kiến có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh và quan hệ ngoại giao".

Công ty FireEye của Mỹ khẳng định họ đã tìm thấy các bằng chứng cho thấy các hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc đã tăng lên trong thời gian gần đây tại khu vực Đông Nam Á, bởi các tập đoàn và công ty Trung Quốc muốn thu thập thông tin liên quan đến các dự án và thỏa thuận của BRI.

Ngoài ra, FireEye cũng cảnh báo rằng giới chức Malaysia rất có thể sẽ bị Trung Quốc theo dõi vì chính phủ nước này đang có ý định hủy bỏ các dự án tỉ USD kí với Trung Quốc.

Sáng kiến Vành đai và Con đường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố lần đầu tiên vào năm 2013. Dự án này được đưa ra với mục tiêu phục hưng con đường tơ lụa cổ xưa của Trung Quốc, tăng cường quan hệ với các quốc gia trên lục địa Á - Phi - Âu và các khu vực lân cận thông qua các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên BRI đã vấp phải sự chỉ trích và phản đối gay gắt của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ sập bẫy nợ của Trung Quốc khi các nước tham gia dự án này, với những bài học nhãn tiền từ Sri Lanka hay Djibouti.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã lên án rằng các thỏa thuận với Trung Quốc trong dự án này quá thiên lệch về lợi ích giữa các bên. Gần đây ông Mahathir đã tuyên bố dự định sẽ hủy hàng loạt dự án tỉ USD với Bắc Kinh (do người tiền nhiệm Najib Razak kí kết) để giúp đất nước thoát nợ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại