Nga muốn 'hất cẳng' Ukraine khỏi Biển Azov?
Trong 3 tháng vừa qua, Ukraine liên tục cáo buộc Nga tăng cường đáng kể các hoạt động gây ảnh hưởng đến nước này trên vùng Biển Azov, ví dụ như việc làm chậm trễ các chuyến tàu chở hàng (đến và đi từ các cảng biển ở Ukraine).
Theo 112 Ukraine, trước năm 2014, việc kiểm tra thủy thủ đoàn và hàng hóa trên các tàu hàng chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Thế nhưng sau khi cây cầu Kerch nối liền bán đảo Crimea và lục địa Nga được xây dựng, thì quá trình kiểm tra này phải mất đến 88 giờ để hoàn thành.
Ngoài ra, Ukraine còn cáo buộc Nga khiến giá thành của các loại hàng hóa và chi phí vận chuyển chúng qua tuyến đường biển này bị đội lên đáng kể.
Ông Yuriy Balan, Giám đốc cảng Mariupol (Ukraine), cho biết mỗi chuyến tàu bị trễ sẽ gây ra khoản thiệt hại lên đến 15.000 USD mỗi ngày. Trong đó, các công ty vận tải hợp tác với các cảng Berdyansk và Mariupol phải chịu thiệt nhiều nhất.
Bên cạnh giá hàng hóa và chi phí dịch vụ tăng cao là sự bất tiện khi các tàu hàng phải dừng lại để kiểm tra giữa chặng.
Ông Ihor Voronchenko, Chỉ huy Hải quân Ukraine cho biết chỉ tính riêng từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 7 năm nay, phía Nga đã yêu cầu dừng kiểm tra 116 tàu chở hàng đến và đi từ các cảng biển của Ukraine trên vùng biển Azov.
Còn theo Cơ quan quản lý cảng biển Ukraine, thì lực lượng FSB của Nga đã cản trở tổng cộng 148 tàu (theo số liệu do ông Yuriy Lavrenyuk, Thứ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng Ukraine, cung cấp ngày 16/7).
Phía Ukraine cho biết việc Nga cản trở các tàu hàng trên biển Azov diễn ra thường xuyên, đồng thời cáo buộc Nga không chỉ cố tình gây thiệt hại, mà còn muốn đẩy Ukraine đến bờ vực phá sản.
Theo đó, việc Moskva ngăn chặn Kiev tiếp cận các cảng biển của chính mình có thể coi là âm mưu 'hất cẳng' Ukraine khỏi vùng Biển Azov, với mục đích cuối cùng là biến khu vực này thành vùng nội thủy của Nga.
Quân đội Ukraine tập trận gần Biển Azov. Ảnh: UNIAN.
Ukraine không thể đạt tương quan lực lượng với Hạm đội Biển Đen của Nga
Theo 112 Ukraine, những động thái của Kremlin không chỉ hạn chế trong phạm vi chính trị hay kinh tế. Báo này cáo buộc trong 3 tháng qua, Nga đã tiến hành một loạt những hành động nhằm thiết lập và tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực.
Phía Ukraine cáo buộc, trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 vừa qua, Nga đã điều 18 tàu chiến từ Biển Caspi tới Biển Azov. Có ít nhất 40 tàu pháo Liên Xô chủng loại Grif 1400 và Shmel 1204 thuộc sở hữu của lực lượng biên phòng và Hải quân Nga được phân bổ tại các cảng thuộc vùng biển Azov.
Tuy nhiên đến nay phía Nga vẫn chưa xác nhận lời cáo buộc trên của chính phủ Ukraine.
112 Ukraine trích dẫn báo cáo của quân đội Ukraine cho hay, lực lượng hải quân Nga trên Biển Azov đã được củng cố thêm sức mạnh bằng 2 tàu pháo lớp Shmel và 1 tàu pháo lớp Grif-M. Các tàu này sau đó đã được chuyển đến eo biển Kerch (bán đảo Crimea). Ngoài ra, Nga cũng điều các tàu tên lửa hiện đại như tàu Project 21621 lớp Buyan-M được trang bị tên lửa Caliber.
Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng các tàu tên lửa Buyan-M cũng là một phần trong Hạm đội Biển Đen, và cùng với những lực lượng khác, các tàu chiến này có thể trở thành một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tình hình trên Biển Azov. Ukraine luôn coi các tàu đổ bộ của Nga là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nước này.
Phía Ukraine cho rằng một nhóm tàu đổ bộ mạnh của Nga hiện đang tập trung tại các cảng Taganrog, Yeysk, và Primorsko-Akhtarsk.
Nhóm tàu này có thể bao gồm tàu đổ bộ Project 11770 lớp Serna với khả năng chở 92 quân nhân, một xe tăng và 2 xe bọc thép; và tàu đổ bộ Project 21820 lớp Dugong, với khả năng chở theo 90 quân nhân, 2 xe tăng và 4 xe bọc thép.
Tình trạng hiện nay vô cùng bất lợi đối với Ukraine. Theo báo Sputnik, trong một tuyên bố đăng tải trên Facebook, Hải quân Ukraine đã thừa nhận "không thể đạt được tương quan về lực lượng so với Hạm đội Biển Đen của Nga".
Tuy nhiên theo tuyên bố trên, Ukraine vẫn cần một hạm đội nhỏ nhưng hiệu quả để sẵn sàng ứng phó với những biến động trên Biển Azov và Biển Đen khi cần thiết.
Các chuyên gia và chính trị gia Ukraine gần đây công khai thừa nhận rằng họ không chỉ lo ngại Nga sẽ gây ảnh hưởng tới cơ hội khai thác tiềm năng kinh tế trên Biển Azov của Ukraine, mà còn lo sợ viễn cảnh Moskva sử dụng khu vực này làm bàn đạp nhằm chiếm các cảng Mariupol và Berdyansk.
Theo 112 Ukraine, Kiev có thể giải quyết vấn đề thiếu tương quan lực lượng bằng cách đặt các tên lửa Neptune tại các bờ biển. Ngoài ra, Kiev còn có thể sử dụng các tàu Island đặt tại các cảng của mình trên Biển Azov sắp được Mỹ chuyển giao, hoặc tàu pháo Project 58155 lớp Gyurza-M.