Rạng sáng ngày 29/8 và ngày 15/9 theo giờ Việt Nam, Triều Tiên thực hiện 2 lần phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản. Lần phóng vào ngày 15/9 được cho là động thái đáp trả lệnh cấm vận chống Triều Tiên mới được Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua ngày 11/9.
Chuyên gia quân sự Alexander Khrolenko của RIA Novosti từng khẳng định, lần thử tên lửa ngày 29/8 của Bình Nhưỡng chứng tỏ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt tại khu vực Đông Á là vô dụng.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản luyện tập với hệ thống PAC-3 ngày 21/6/2016. (Ảnh: AP)
Ông giải thích: "Các chiến hạm Mỹ với hệ thống Aegis, bao gồm tên lửa đánh chặn ngoài khí quyển SM-3. Thêm vào đó, Nhật Bản còn có các hệ thống Patriot-3 (PAC-3) để tiêu diệt tên lửa trong bầu khí quyển”. Tuy nhiên vào ngày 29/8, tên lửa của Triều Tiên vẫn bay qua vùng lãnh thổ Nhật bản và rơi xuống Thái Bình Dương với trần bay 500 km.
Dù Nhật Bản thông báo không có thiệt hại, nhưng Khrolenko lưu ý là tại sao Mỹ và Nhật không có ý định bắn hạ tên lửa, hoặc chí ít cũng diễn tập bắn hạ, nhưng cả Mỹ và Nhật chỉ theo dõi tên lửa này. Động thái tương tự lại diễn ra với vụ phóng tên lửa ngày 15/9 của Triều Tiên.
Theo chuyên gia Khrolenko, trần bay tối đa của tên lửa SM-3 của Mỹ là 250 km và bán kính khóa mục tiêu của hệ thống Aegis là 500 km, trong khi quả tên lửa Triều Tiên phóng vào ngày 29/8 có trần bay 550 km và do đó hệ thống này tỏ ra bất lực. Điều tương tự xảy ra với quả tên lửa Triều Tiên phóng ngày 15/9, khi nó có trần bay ước tính khoảng 770 km.
Do đó, ông Khrolenko cho rằng Nhật Bản hoàn toàn có cơ sở để lo ngại và nghi ngờ về khả năng của những hệ thống vũ khí Mỹ, đặc biệt là các hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Thậm chí tại thời điểm Triều Tiên đe dọa tấn công Guam, Lầu Năm Góc chỉ cho biết sẽ đánh chặn tên lửa Triều Tiên, chứ không nói rõ nơi nào tên lửa Triều Tiên sẽ bị đánh chặn.
Cũng theo chuyên gia này, vào ngày 29/8 khi Triều Tiên thử tên lửa Nhật Bản cũng tập trận phòng không tại căn cứ không quân Yokota, Tokyo với hệ thống Patriot-3. Ông Khrolenko nhận định, vụ thử tên lửa ngày 29/8 không khác gì một lời xúc phạm đối với hệ thống phòng thủ tên lửa này.
Hiệu quả thực sự của các hệ thống phòng thủ tên lửa tốn kém của Mỹ vẫn chưa được chứng tỏ trong điều kiện tham chiến thực tế, Khrolenko nhận định. Vị chuyên gia này cho rằng, mục tiêu của các thử nghiệm mà hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ đã thực hiện quá đơn giản.