Chuyên gia Nga nêu lý do Iran không liên quan đến vụ tai nạn máy bay của Ukraine

Thanh Tuấn |

Người đứng đầu Cục Phân tích Chính trị-Quân sự Alexander Mikhailov chia sẻ với RIA Novosti hôm 10/1 rằng, máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Ukraine rơi ở Tehran không thể bị bắn hạ bởi tên lửa bắn vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq.

Chuyến bay mang ký hiệu PS752 của hãng hàng không quốc tế Ukraine (UIA) bị rơi khi khởi hành từ sân bay quốc tế Imam Khomeini tại Tehran để tới sân bay quốc tế Boryspil của Ukraine vào sáng sớm ngày 8/1 đã bốc cháy từ trước khi va chạm với mặt đất.

Theo số liệu chính thức, 176 người đã thiệt mạng, gồm có, 63 người Canada, 82 người Iran và 11 người Ukraine đã có mặt trên chuyến bay (những người mang quốc tịch Ukraine bao gồm 2 hành khách và 9 thành viên của phi hành đoàn). Ngoài ra còn có 10 người Thụy Điển, 4 người Afghanistan, 3 người Đức và 3 người Anh.

“Sự cường điệu của truyền thông xung quanh các tên lửa của Iran được phóng vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq cũng như thái độ khả dĩ của họ đối với thảm họa rơi máy bay Boeing của Ukraine, tất cả chỉ là phỏng đoán.

Tên lửa Fateh-313 không thể vượt qua tuyến đường bay của máy bay Ukraine bay từ Tehran đến địa điểm bị rơi, nó ngược với hướng của những căn cứ quân sự ở Iraq bị Iran tấn công. Và mọi suy đoán về chủ đề này không liên quan gì đến thực tế đã xảy ra”, ông Mikhailov nhận xét.

Chuyên gia Nga nêu lý do Iran không liên quan đến vụ tai nạn máy bay của Ukraine - Ảnh 1.

Một bộ phận của máy bay Ukraine gặp nạn ở Iran. Ảnh: RIA.

Ông Mikhailov nhắc lại rằng, cuộc tấn công tên lửa vào các căn cứ của Mỹ là biện pháp “trả đũa” cho cái chết của Tướng Qasem Soleimani.

“Vụ “trả đũa” của Iran đã sử dụng tên lửa Fateh-313 là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn. Tên lửa được ra mắt vào năm 2015, là mô hình chuyển tiếp giữa tên lửa chiến thuật Fateh-110 và tên lửa Zolfaghar. Tên lửa Fateh-313 đạt tầm bắn 500 km. Trong khi đó, khoảng cách từ Tehran đến lãnh thổ Iraq, nơi căn cứ quân sự của Mỹ nằm vào khoảng 900 km. Vì vậy, quân đội Iran chỉ có thể phóng các tên lửa này từ những vùng lãnh thổ gần với biên giới với Iraq”, ông Mikhailov nói.

Theo các nguồn tin, tên lửa Fateh 313 được trang bị hệ thống dẫn hướng bằng vệ tinh. Cùng với các cánh trên tên lửa để điều chỉnh đường bay, tên lửa Fateh 313 còn được cải tiến để có thể thay đổi đường bay khi hướng tới mục tiêu và mức độ tấn công chính xác cũng được cải thiện.

Trước đó, kênh CBC đưa tin rằng Washington đã báo cáo lại thông tin tình báo của Ottawa, nhấn mạnh nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Boeing là một “cú vô lê” từ hệ thống tên lửa phòng không Iran.

Chuyên gia Nga nêu lý do Iran không liên quan đến vụ tai nạn máy bay của Ukraine - Ảnh 2.

Tên lửa Fateh-313 của Iran được cho là dùng để tấn công căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq. (Ảnh minh họa).

Thủ tướng Canada Justin Trudeau sau đó khẳng định, Ottawa sở hữu thông tin tình báo từ nhiều nguồn tin cho thấy chiếc máy bay đã bị một tên lửa đất đối không của Iran bắn hạ. Do đó, nhà lãnh đạo Canada yêu cầu cần có một cuộc điều tra “toàn diện và đáng tin cậy”.

Ngay sau đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng, máy bay của Ukraine có thể đã “vô tình” bị bắn rơi bởi một tên lửa của Iran.

Tiếp đó, tờ New York Times đã cho đăng tải video được cho là khoảnh khắc tên lửa đất đối không bắn trúng máy bay Ukraine khi đang bay trên vùng trời Tehran.

Cũng theo New York Times, chiếc máy bay dân sự không rơi ngay lập tức mà vẫn cố quay đầu trở về sân bay Imam Khomeini trước khi phát nổ và rơi xuống khu vực thưa dân cư.

Phía Iran bác bỏ tuyên bố rằng chiếc Boeing của Ukraine bị bắn hạ bởi tên lửa. Người đứng đầu Tổ chức Hàng không dân dụng Iran gọi những cáo buộc đó là “hoàn toàn phi lý” và khẳng định thảm kịch này không phải do hành động quân sự gây nên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại