Sáng nay, tại Hà Nội, nhà phân tích chính trị, quốc phòng hàng đầu Nga, người đạt giải Nhì Giải thưởng về thông tin đối ngoại năm 2018, ông Grigory Trofimchuk đã chia sẻ với phóng viên của chúng tôi về những vấn đề liên quan tới mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 quốc gia nhân dịp năm chéo Việt-Nga đang diễn ra.
PV Bình Nguyên: Ông đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Liên bang Nga và Việt Nam trong thời gian qua?
Ông Grigory Trofimchuk: Vì Việt Nam là một trong những hình mẫu tốt đẹp về hợp tác quốc tế với Liên bang Nga, tôi chỉ xin nói ngắn gọn rằng mối quan hệ mẫu mực về hợp tác quốc phòng và khoa học kỹ thuật quân sự rất tích cực giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga được cả Thế giới đều đánh giá cao.
Mối quan hệ thủy chung, tốt đẹp này không chỉ đảm bảo an ninh quốc phòng của Việt Nam mà còn góp phần ổn định tình hình an ninh quốc phòng của khu vực và lợi ích của Liên bang Nga trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương.
Nhà phân tích chính trị, quốc phòng hàng đầu Nga, người đạt giải Nhì Giải thưởng về thông tin đối ngoại năm 2018, ông Grigory Trofimchuk.
PV Bình Nguyên: Trong bối cảnh Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các vũ khí hiện đại của Nga như tên lửa S-400, tiêm kích tàng hình Su-57 hay tiêm kích đa năng Su-35 do sức ép của phương Tây và Hà Nội có nhu cầu mua sắm nhiều sản phẩm quốc phòng hiện đại từ Moscow, liệu Việt Nam có gặp những hạn chế, hay khó khăn nào không nếu chúng tôi đề nghị Nga cung cấp những vũ khí tương tự?
Ông Grigory Trofimchuk: Theo quan điểm cá nhân của tôi, đúng là có những vướng mắc nhất định trong quá trình thực hiện các hợp đồng giữa Liên bang Nga với các quốc gia như bạn đã đề cập, tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp cá biệt và chỉ mang tính đơn lẻ.
Chúng tôi đã và đang thực hiện nghĩa vụ của mình theo các hợp đồng với những khách hàng kể trên. Đây không phải là lỗi mang tính hệ thống mà thuần túy chỉ là cá biệt, bởi ngoài các đối tác trên, các khách hàng khác vẫn đang quan tâm và liên tiếp ký các hợp đồng mới để mua vũ khí từ Liên bang Nga.
Ngoài các yếu tố về địa chính trị mà Mỹ và phương Tây đang áp đặt, theo tôi để khơi thông dòng chảy vũ khí Nga thì một trong những yêu tố ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu vũ khí Nga là yếu tố con người. Đây là một trong những thế mạnh đặc biệt của Việt Nam.
Các bạn biết đấy, sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, đã có những khoảng trống nhất định, thậm chí là những hụt hẫng trong việc đào tạo con người, những người tham gia vận hành những vũ khí trang bị có từ thời Liên Xô để kế thừa và tiến lên những vũ khí hiện đại hơn do Liên bang Nga chế tạo, ví dụ như tổ hợp tên lửa phòng không S-400 hàng đầu thế giới.
Nga vừa bàn giao tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Với những hệ thống vũ khí tiên tiến như vậy đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu thì mới có thể phát huy được tối đa uy lực của vũ khí.
Nhưng Việt Nam có nhiều lợi thế, các bạn là quốc gia ít gặp lo ngại hay khó khăn bậc nhất khi mua và vận hành vũ khí Nga bởi các bạn sở hữu một điều đặc biết, đó là những thế hệ sĩ quan, thợ kỹ thuật được đào tạo chính quy, bài bản ở Nga (Liên Xô) và hiện đang là nòng cốt ở nhiều đợn vị, theo như tôi biết.
Vì thế, các bạn sẽ không gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển loại và vận hành các vụ khí mới do Liên bang Nga chế tạo. Hơn nữa, những vũ khí mà Nga cung cấp sẽ góp phần đảm bảo ổn định an ninh chính trị ở khu vực Đông Nam Á.
PV Bình Nguyên: Theo ông, nếu Việt Nam đặt mua những loại vũ khí vừa có tính phòng thủ vừa có tính răn đe như tên lửa đạn đạo Iskander, liệu Nga có sẵn sàng bán cho Việt Nam?
Ông Grigory Trofimchuk: Trước tiên, để nói về việc chọn mua vũ khí gì ta phải hiểu mỗi quốc gia có vị trí đía lý và các mối quan hệ địa-chính trị-quân sự-ngoại giao khác nhau, nên trong từng trường hợp cụ thể, không nhất thiết phải mua những vũ khí hiện đại nhất, mới nhất mà vũ khí mới phải phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo của Việt Nam là những người hiểu rõ nhất về điều này, họ đã và đang đưa ra những quyết định đúng đắn.
Ngay như Trung Quốc, đất nước có nền công nghiệp quốc phòng khá phát triển nhưng bản thân họ cũng có nhu cầu mua sắm vũ khí hiện đại từ Nga, tên lửa S-400 hay tiêm kích đa năng Su-35 là những ví dụ điển hình.
Có một điểm đặc biệt đáng lưu ý đó là khi các quốc gia trong khu vực cùng nhập các vũ khí tương tự từ Nga thì ngoài việc đảm bảo khả năng phòng thủ của đất nước họ thì điều đó cũng góp phần tránh những cuộc đụng độ quân sự giữa các quốc gia láng giềng.
Và khi Việt Nam đã nhập khẩu vũ khí hiện đại, ví dụ như tên lửa S-300 hay tàu ngầm Kilo thì các bạn không còn phải lo ngại nhiều về vấn đề an ninh của mình nữa.
Tên lửa S-300 của phòng không Việt Nam.
Đó là những lựa chọn tối ưu, tương tự như vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu tên lửa S-400 từ Nga bất chấp những sức ép quốc tế từ Mỹ và phương Tây bởi Ankara là thành viên quan trọng của NATO là do họ nhận thấy đó là thứ vũ khí quan trọng, và coi đó là lựa chọn tối ưu.
PV Bình Nguyên: Để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, trên biển, ngoài các biện pháp chính trị, ngoại giao, ông có lời khuyên nào đối với Việt Nam trong việc mua sắm các vũ khí trang bị không chỉ từ Nga mà còn từ nhiều quốc gia khác?
Ông Grigory Trofimchuk: Theo tôi, các nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ là những người nắm rõ nhất tình hình để đưa ra những quyết sách phù hợp, và tôi đánh giá cao sự khôn khéo, bình tĩnh và giữ được "cái đầu lạnh" khi xử trí các tranh chấp với những quốc gia trong khu vực.
Dưới góc độ quân sự, như các bạn biết, Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài hay nói cách khác là quốc gia có bờ biển bao quanh do vậy, để phòng thủ các bạn cần ưu tiên những vũ khí gắn với biển.
Dưới góc độ chuyên gia, tôi cho rằng, Việt Nam là quốc gia có tình hình an ninh, chính trị hết sức ổn định, các bạn đã và đang rất khôn khéo hài hòa các lợi ích của mình trong tổng thể bối cảnh địa - chính trị trong khu vực. Các bạn không có ý định đe dọa an ninh khu vực, các vũ khí mà Việt Nam mua sắm chỉ thuần túy mang tính tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia.
Tôi nhấn mạnh răng, chỉ có các quốc gia bất ổn thì mới dùng vũ lực để đe dọa nước khác. Trong khi đó, Việt Nam có điểm mạnh lớn nhất đó là sự điềm đạm, giữ được "trái tim nóng và cái đầu lạnh" xử lý tốt các tranh chấp trên Biển Đông.
Dưới góc độ của Liên bang Nga, chúng tôi luôn mong muốn không có bất cứ cuộc xung đột nào mà Moscow luôn khuyến khích và ủng hộ những nỗ lực để tránh các tình huống như vậy. Bởi lẽ bất cứ cuộc xung đột nào, dù lớn hay nhỏ sẽ gây tổn hại lợi ích cho tất cả các nước, và điều đó chỉ có lợi cho một số quốc gia mà thôi. Nga không muốn điều đó xảy ra.
Nhà phân tích chính trị, quốc phòng hàng đầu Nga, người đạt giải Nhì Giải thưởng về thông tin đối ngoại năm 2018, ông Grigory Trofimchuk cùng PV Bình Nguyên.
Nên nhớ, chúng ta có thể đưa ra kịch bản và dự kiến những diễn biến của một cuộc xung đột, nhưng nếu nó thực sự xảy ra thì có thể diễn biến rất khác, thậm chí khác biệt hoàn toàn với những gì ta thường nghĩ.
Tôi xin nhắc lại và nhấn mạnh thêm một lần nữa, sức mạnh của Việt Nam là sự bình tình, sáng suốt của các nhà lãnh đạo trong việc xử lý các tranh chấp xung đột mà vẫn đảm bảo được lợi ích của mình.
Trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa bất cứ cuộc xung đột nào trong khu vực cũng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, do vậy, trừ trường hợp bất đắc dĩ mới phải nổ súng, còn không thì các quốc gia đều sẽ hướng tới giải pháp hòa bình là ưu tiên hàng đầu.
Là người theo dõi tình hình chính trị - ngoại giao lâu năm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tôi nhận thấy rằng Việt Nam đang có những bước tiến lớn, ghi dấu ấn quan trọng trên trường quốc tế và được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận.
Ví dụ như việc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều được tổ chức tại Việt Nam cho thấy rất rõ điều đó, chỉ khi Mỹ và Triều Tiên đánh giá cao vai trò của Việt Nam thì họ mới lựa chọn đây là điểm đến không thể tuyệt vời hơn cho một hội nghị quan trọng như vậy.
Được chứng kiến đoàn tàu chở chủ tịch Kim Jong Un từ Triều Tiên, vượt hàng nghìn km qua Trung Quốc và tới Việt Nam an toàn rồi quay trở về cho thấy tình hình an ninh chính trị của đất nước các bạn hết sức ổn định, tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của cộng đồng quốc tế.
Tôi tin rằng, sắp tới, khi Việt Nam đảm nhận vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các bạn sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình.
Xin cảm ơn ông!
Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á - Âu”, là một trong những nhà nghiên cứu có tiếng của Nga.
Trong những năm gần đây, ông thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo, được mời tham gia phỏng vấn, phân tích tình hình trong nước và quốc tế trên sóng truyền hình và phát thanh Nga, nhất là về các chủ đề nóng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt, ông đạt giải Nhì Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018 với tác phẩm “Hoạt động nhân chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Sắp tới, ông sẽ cho ra mắt một cuốn sách về Việt Nam.