BRICS đã đồng ý mở rộng thêm với 6 thành viên mới. Ảnh: TASS
Vào ngày 1/1/2024, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Iran, Ethiopia, Ai Cập và Argentina dự kiến sẽ trở thành thành viên chính thức của BRICS, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của tổ chức này ở Johannesburg mới đây. Ông Ramaphosa khẳng định: "BRICS đã bắt tay vào một chương mới trong nỗ lực xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng, hòa nhập và thịnh vượng".
Nhận định về vấn đề trên với tờ Vedomosti (Nga), Viktor Heifetz, Giáo sư tại Đại học St. Petersburg và là nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Mỹ Latinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết lý do cơ bản để đưa các quốc gia mới vào khối, ngoại trừ Ethiopia, là do những gì họ mang lại trên bàn đàm phán về lợi thế kinh tế và hậu cần.
Ví dụ, UAE là một trung tâm tài chính khu vực, trong khi Ai Cập có lợi thế về hậu cần thông qua kênh đào Suez và đóng vai trò là cầu nối giữa thế giới Arập và châu Phi. "Họ có những mối quan tâm khác nhau. Argentina cần các khoản vay, đầu tư, họ quan tâm đến việc chuyển sang thanh toán bằng tiền tệ quốc gia. Phần còn lại mong muốn hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và xây dựng chuỗi hậu cần mới", Giáo sư Heifetz nhận định.
Về phần mình, Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập tạp chí Các vấn đề toàn cầu của Nga, cho rằng việc kết nạp những thành viên mới vào BRICS là kết quả của sự thỏa hiệp trong những cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo. Theo chuyên gia này, trước đây BRICS phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc mở rộng về số lượng hoặc tăng cường về chất lượng. Chuyên gia Lukyanov nêu rõ: “Cuối cùng, những người tham gia hội nghị đã chọn phương án đầu tiên".
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Nezavisimaya Gazeta cũng của Nga, Alexander Lukin, Giám đốc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lưu ý: “Thật sai lầm khi nói về một số khác biệt không thể vượt qua về quan điểm giữa các thành viên BRICS. Các thành viên sẽ hỗ trợ vai trò lớn hơn của các nước không thuộc phương Tây trong hệ thống quản trị toàn cầu. Giữa họ không có sự khác biệt lập trường về vấn đề này.
Đánh giá về việc liệu vấn đề mở rộng khối có lợi thế cho Nga cũng như ảnh hưởng đến Ukraine hay không, chuyên gia Lukin nói: "Nga sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của BRICS [trong năm tới] nhưng đây là vai trò kỹ thuật. Vấn đề trên sẽ không mang lại cho [Moskva] bất kỳ lợi thế nào, càng không liên quan đến Ukraine, quốc gia không thuộc BRICS".
Trong khi đó, Vasily Kashin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện châu Âu và Quốc tế tại Trường Kinh tế Moskva (Đại học HSE), nói với Nezavisimaya Gazeta rằng các quốc gia được mời tham gia BRICS chính xác là những nước mà đa số thành viên muốn họ có mặt trong nhóm này. Ông cũng chỉ ra rằng các sáng kiến hòa bình về Ukraine do Trung Quốc và một nhóm nước châu Phi đưa ra có thể mang lại kết quả trong tương lai nếu tình hình trên chiến trường thay đổi.