Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Các quan chức Ả Rập Saudi quen thuộc với vấn đề tiết lộ cho Wall Street Journal (WSJ) trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng, Ả Rập đang cân nhắc năng lực của Trung Quốc trong việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại vương quốc này.
Tăng áp lực lên Mỹ
Động thái cân nhắc nhà thầu của Trung Quốc được cho là nhằm gây áp lực, buộc chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải thỏa hiệp với các điều kiện của Ả Rập Saudi để được Mỹ giúp đỡ trong vấn đề năng lượng hạt nhân.
Mỹ cho biết, viện trợ hạt nhân của nước này phụ thuộc vào việc Ả Rập Saudi đồng ý không làm giàu uranium của chính họ hoặc khai thác riêng các mỏ uranium ở vương quốc. Phía Trung Quốc không có những yêu cầu như vậy trong bối cảnh nước này đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình ở Trung Đông.
Ả Rập Saudi đã yêu cầu Mỹ giúp nước này phát triển chương trình hạt nhân dân sự. Theo WSJ, Israel lo ngại mục tiêu phát triển chương trình năng lượng hạt nhân của Ả Rập Saudi có thể mở đường cho Riyadh phát triển vũ khí hạt nhân.
Các quan chức cho biết, Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) đã đấu thầu xây dựng một nhà máy hạt nhân ở tỉnh miền Đông của Ả Rập Saudi.
Nguồn tin từ quan chức Ả Rập Saudi thừa nhận với WSJ rằng việc tìm hiểu triển vọng của Trung Quốc là một cách để thúc giục chính quyền ông Biden thỏa hiệp về các yêu cầu không phổ biến vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Các quan chức Saudi cũng cho hay, họ muốn thuê Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (Kepco) để xây dựng các lò phản ứng của nhà máy và sẽ có thêm sự tham gia của chuyên gia vận hành từ Mỹ, nhưng họ không đồng ý với các biện pháp kiểm soát phổ biến hạt nhân mà Washington thường đặt ra với các nước.
Theo các quan chức này, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman sẵn sàng sớm hợp tác với các công ty Trung Quốc nếu các cuộc đàm phán với Mỹ không thành công.
Cờ Trung Quốc tung bay ở Diriyah, Ả Rập Saudi. Ảnh: Bloomberg
Justin Dargin, thành viên không thường trú của Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, chuyên về năng lượng Trung Đông, cho biết Trung Quốc có thể sẽ không áp đặt các yêu cầu không phổ biến vũ khí hạt nhân [như Mỹ] và điều này khiến nước này trở thành đối tác thuận lợi hơn đối với Ả Rập Saudi.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Ả Rập Saudi trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự đồng thời tuân thủ các quy định quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.
"Cuộc hôn nhân 100 năm"
Việc hợp tác với Trung Quốc (nếu xảy ra) sẽ đánh dấu một sự thay đổi về địa chính trị đối với Ả Rập Saudi - một đồng minh của Mỹ. Quá trình xây dựng lò phản ứng hạt nhân cho một quốc gia buộc các nước phải ký những hợp đồng dài hạn và tốn kém.
Sun Qin, cựu chủ tịch CNNC, từng ví những thỏa thuận như vậy giống như “cuộc hôn nhân 100 năm”, xét theo thời gian từ các cuộc thảo luận ban đầu đến ký kết thỏa thuận và sau đó là quá trình xây dựng, bảo trì và dừng hoạt động của nhà máy.
Đồng thời, mới đây, vào ngày 24/8, nhóm BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã chính thức quyết định mời 6 quốc gia trong đó có Ả Rập Saudi gia nhập nhóm.
Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của Ả Rập Saudi. Bắc Kinh năm nay cũng đã làm trung gian hòa giải cho một thỏa thuận để Ả Rập Saudi và Iran bình thường hóa quan hệ.
WSJ đưa tin, Trung Quốc đã giúp Riyadh chế tạo tên lửa đạn đạo của riêng mình và giúp Ả Rập Saudi có cơ sở chiết xuất bánh vàng uranium từ quặng uranium - bước đầu tiên hướng tới làm giàu uranium.
Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, các quan chức Ả Rập Saudi cũng cho biết, nước này là nước mua vũ khí lớn nhất của Mỹ và vẫn tiếp tục muốn nằm trong "chiếc ô" an ninh của Washington. Các quan chức Mỹ bày tỏ ít lo ngại về việc Riyadh tiếp cận Trung Quốc để được giúp đỡ về chương trình hạt nhân của nước này.
Các cuộc thảo luận của Ả Rập Saudi với các nhà thầu đã kéo dài và dự kiến sẽ tới ít nhất là cuối năm nay. Các quan chức cho biết, giá thầu của Trung Quốc rẻ hơn ít nhất 20% so với giá từ 2 đối thủ cạnh tranh là Kepco của Hàn Quốc và EDF của Pháp. Mức giá này khiến đề nghị của Bắc Kinh trở nên hấp dẫn với Riyadh.
Tuy nhiên cũng theo WSJ, các quan chức Saudi bày tỏ quan điểm rằng họ coi các lò phản ứng của Kepco và sự quản lý từ phía Mỹ là ưu tiên hàng đầu.
Ả Rập Saudi cũng đã đàm phán với Pháp và Nga về năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, các quan chức cho biết họ nghi ngờ khả năng thực hiện của Pháp và lo ngại các biện pháp trừng phạt khi hợp tác với Nga.
Ả Rập Saudi muốn phát triển một ngành công nghiệp khai thác lớn vào năm 2030 với trữ lượng uranium đủ lớn để thương mại hóa.