Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa - người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc) lần thứ 15 tại Johannesburg (Nam Phi) - hôm qua 25/8 đã thông báo rằng, sáu quốc gia mới sẽ gia nhập nhóm. “BRICS đã bắt tay vào một chương mới trong nỗ lực xây dựng một thế giới công bằng, hòa nhập và thịnh vượng”, ông Ramaphosa nói.
Các nhà lãnh đạo từ Brazil, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ và Nga chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023. Ảnh: AP
Đây là lần thứ hai BRICS quyết định mở rộng. Nhóm này được thành lập vào năm 2009 và đã kết nạp thêm Nam Phi vào hàng ngũ của mình vào năm 2010.
Điều này có ý nghĩa gì đối với thế giới?
Trang tin Firstpost (Ấn Độ) nhận định rằng, đó vẫn là một câu hỏi mở.
Nhưng một số chuyên gia cho rằng, việc các thành viên BRICS không đạt được một tầm nhìn nhất quán cho nhóm từ lâu đã khiến nhóm này không còn đủ sức ảnh hưởng với tư cách là một chủ thể kinh tế và chính trị toàn cầu.
Nhà kinh tế Jim O'Neill - người đặt ra thuật ngữ BRICS - đã viết trong một bài báo vào năm 2021 rằng: “Ngoài việc thành lập Ngân hàng BRICS… thật khó để biết nhóm đã làm gì ngoài việc gặp nhau hàng năm”.
Nhưng O'Neill cũng đã thừa nhận với Bloomberg hôm 25/8 rằng, việc Ả Rập Saudi gia nhập nhóm là một "vấn đề khá lớn".
O'Neill cho biết, việc Ả Rập Saudi gia nhập BRICS có thể giúp gia tăng sức mạnh thực sự - do nước này có mối liên hệ chặt chẽ truyền thống với Mỹ và đóng vai trò là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
“Họ gặp khó khăn khi cố gắng đạt được sự đồng thuận chỉ giữa năm thành viên. Vì vậy, ngoài biểu tượng cực kỳ mạnh mẽ được thừa nhận, tôi không chắc việc có thêm nhiều quốc gia ở đó sẽ đạt được điều gì”, ông nói.
Theo trang tin Outlook, việc mở rộng BRICS có thể gây tổn hại cho Mỹ, đặc biệt nếu nhóm này quyết định tung ra đồng tiền riêng của mình. Động thái như vậy có thể gây tổn hại cho đồng đô la Mỹ - hiện là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Nhưng O'Neill cũng bác bỏ bất kỳ quan điểm nào về việc đồng tiền chung BRICS sẽ sớm thay thế đồng đô la Mỹ và coi đó là "sự điên rồ".
Theo các chuyên gia, những thành viên mới cũng có thể sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Vịnh Ba Tư.
Yun Sun - Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại tổ chức nghiên cứu Trung tâm Stimson ở Washington (Mỹ) - nói với CNN: “Thành viên càng đông, họ càng có thể khẳng định tiếng nói tập thể mạnh mẽ hơn và Trung Quốc với tư cách là nền kinh tế lớn nhất sẽ càng khẳng định vai trò lãnh đạo và đại diện cho thế giới đang phát triển”.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trao tặng Huân chương Nam Phi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thềm khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS hôm 22/8. Ảnh: Reuters
Gần đây, các câu hỏi đã được đặt ra về việc liệu BRICS có đang chuyển hướng xung đột với phương Tây dưới ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga hay không trong bối cảnh mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Mỹ đang xấu đi và sự căng thẳng của Nga với phương Tây về cuộc chiến ở Ukraine.
Theo trang tin News18, mặc dù Ấn Độ không coi việc mở rộng nhanh chóng là điều thuận lợi nhưng nước này vẫn chưa công khai quan điểm của mình.
“Ấn Độ gợi ý rằng nếu BRICS có ý định mở rộng thì nên xem xét các nền kinh tế và nền dân chủ mới nổi như Argentina và Nigeria, thay vì Ả Rập Saudi... New Delhi cũng hoài nghi về việc kết nạp thêm các thành viên mới vì điều này có thể khiến nhóm này nghiêng về phía Trung Quốc nhiều hơn”, bài viết lập luận.
Thông điệp tới tất cả các tổ chức
Theo Firstpost, cho đến gần đây, việc đưa Iran, Ả Rập Saudi và UAE vào cùng một tổ chức kinh tế hoặc chính trị là điều không thể tưởng tượng được, khi căng thẳng leo thang sau sự sụp đổ của Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và một loạt các cuộc tấn công được cho là do nước này thực hiện kể từ đó.
Nhưng khi đại dịch COVID-19 qua đi, UAE đã trở thành quốc gia đầu tiên tái hợp tác ngoại giao với Iran, sau các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Abu Dhabi do phiến quân Houthi ở Yemen do Iran hậu thuẫn nhận trách nhiệm.
Vào tháng 3, Ả Rập Saudi và Iran tuyên bố họ đã đạt được thỏa thuận hòa giải riêng với vai trò trung gian của Trung Quốc. Trung Quốc đã tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia này, đặc biệt là Iran - nước mà Trung Quốc đã nhập khẩu dầu kể từ khi thỏa thuận hạt nhân sụp đổ.
Cả Ả Rập Saudi và UAE cũng duy trì quan hệ với Nga trong bối cảnh Moscow đang tiến hành cuộc chiến với Ukraine, điều này khiến Washington bất bình, vì Mỹ vốn từ lâu đã phụ trách việc đảm bảo an ninh cho các quốc gia sản xuất dầu lớn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng, việc mở rộng nhóm nên là một ví dụ cho thấy các tổ chức toàn cầu khác được thành lập từ thế kỷ XX đã trở nên lỗi thời.
Tờ Moneycontrol dẫn lời ông Modi cho biết: “Việc mở rộng và hiện đại hóa BRICS là dấu hiệu cho thấy các thể chế trên thế giới phải làm quen với những thay đổi của thời đại. Đây là một sáng kiến có thể là một ví dụ về cải cách trong các thể chế toàn cầu khác được thành lập trong thế kỷ XX”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp BRICS hôm 22/8. Ảnh: AFP
Tổng thống Brazil Lula da Silva cho biết, những lời hứa về toàn cầu hóa đã thất bại, đồng thời nói thêm rằng đã đến lúc khôi phục lại sự hợp tác với các nước đang phát triển vì “có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân”, một sự ám chỉ rõ ràng về căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nga và phương Tây về cuộc xung đột Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không tới dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023 sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông vào tháng 3 vì tội bắt cóc trẻ em từ Ukraine. Ông Putin đã tham gia hội nghị theo hình thức trực tuyến, trong khi Ngoại trưởng Sergey Lavrov đại diện cho Nga tại sự kiện ở Johannesburg.
Theo Firstpost, lãnh đạo của một số quốc gia được mời gia nhập BRICS hoan nghênh lời mời, đồng tình với quan điểm rằng động thái này báo hiệu một bước tiến mới trong hợp tác giữa các nước đang phát triển.