Ngày 3/9, chia sẻ trên trang Pravda.Ru, chuyên gia quân sự Alexei Leonkov cho biết, Nga đang phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa hoàn toàn có khả năng đánh chặn một đòn tấn công ồ ạt bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) do Mỹ phát động.
Nhận định của chuyên gia Alexei Leonkov được đưa ra dựa trên thông tin mà Bộ quốc phòng Nga mới công bố gần đây rằng cơ quan này vừa tiến hành thử nghiệm thành công phiên bản hiện đại hóa của một hệ thống phòng thủ tên lửa tại trường bắn Sary-Shagan ở Kazakhstan.
Khi đó, Đại tá Andrei Prikhodko, Chỉ huy phó Đơn vị phòng thủ tên lửa thuộc Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga đã cho biết, "tất cả các chỉ số kỹ - chiến thuật về tầm bắn, độ chính xác cũng như thời gian hoạt động của tên lửa đánh chặn đều vượt xa tham số của các vũ khí hiện đại".
Radar của hệ thống phòng thủ tên lửa A-135. Ảnh: Sputnik
Trao đổi trong cuộc phóng vấn với Pravda.Ru, chuyên gia quân sự Alexei Leonkov cho rằng đó chính là phiên bản hiện đại hóa của loại tên lửa mà Nga đã có trong kho vũ khí của mình.
"Đó là dòng tên lửa đánh chặn thông thường A-135 làm nhiệm vụ bảo vệ các địa bàn xung quanh Thủ đô Moscow và các khu công nghiệp trung tâm".
"Tên lửa A-135 phiên bản hiện đại hóa sẽ bay nhanh hơn, xa hơn và có khả năng tấn công các mục tiêu với độ chính xác cao hơn, qua đó gia tăng hiệu quả hoạt động thêm 150% ", chuyên gia Alexei Leonkov nhấn mạnh.
"Nếu Bộ Quốc phòng Nga chưa tiết lộ bất cứ chi tiết nào về phiên bản tên lửa mới này thì điều đó có nghĩa rằng họ không muốn để lộ các tham số về học thuyết hạt nhân của Nga cho người Mỹ biết".
Chuyên gia Leonkov cũng chia sẻ, Nga nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia theo hai hướng: Thứ nhất là hiện đại hóa các tên lửa tầm xa A-135 và thứ hai là phát triển tổ hợp tên lửa cơ động mới A-235.
Theo đó, phiên bản hiện đại hóa của A-135 sẽ có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa tấn công cả theo phương thức đơn lẻ hoặc phóng loạt.
Học thuyết chiến tranh của Mỹ đặt ưu tiên hàng đầu cho các đòn tấn công ồ ạt với việc đồng loạt sử dụng một số lượng lớn tên lửa đạn đạo phi hạt nhân tấn công để Nga không thể đánh chặn.
Nga phóng thử tên lửa đánh chặn PRS-1M (53T6M) tại trường bắn Sary-Shagan ngày 12/02/2018. Ảnh: BQP Nga
Tuy nhiên, theo chuyên gia Leonkov, kết quả vụ thử gần đây cho thấy Nga đã làm chủ được phương thức đánh chặn các đợt tấn công tên lửa ồ ạt đó của Mỹ.
"Trước đây, thông thường cơ chế sẽ diễn ra như sau: đối thủ tấn công, chúng tôi phát hiện và ra đòn đáp trả. Thế nhưng, ngày nay mọi việc diễn ra nhanh hơn. Chúng tôi đã có hệ thống cảnh báo sớm trên vũ trụ", chuyên gia Leonkov lý giải.
"Trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công tên lửa ồ ạt, các vệ tinh trên quỹ đạo sẽ phát hiện được cả vị trí của bệ phóng và khu vực bị tấn công. Các dữ liệu sẽ được phân tích rồi chuyển thông tin về cho trung tâm chỉ huy để tiến hành đòn tấn công đáp trả".
Chuyên gia Alexei Leonkov kết luận: "Kẻ thù cho rằng họ có thể bắt Nga phải quỳ gối chỉ bằng một đòn tấn công duy nhất nhưng họ đã nhầm, sự hả hê này của họ sẽ chẳng kéo dài được bao lâu".
Khám phá sức mạnh tổ hợp tên lửa Kinzhal mới của Nga