Chuyên gia: Liều lĩnh chọc giận gấu Nga, Thổ nhận cái kết "đắng ngắt" ở tây bắc Syria

Hoài Giang |

Trận Saraqeb ở tây bắc Syria là một cuộc thử thách ý chí chính trị cũng như sức mạnh quân sự giữa Thổ và Nga. Thực tế đã chứng minh rằng Ankara đã thua trên cả hai mặt trận.

Ngày 16/3, trang Oped News xuất bản bài phân tích "How Turkey Lost a Battle of Wills and Force to Russia" (tạm dịch: Thổ Nhĩ Kỳ đã thua trong cuộc chiến ý chí và sức mạnh quân sự với Nga) của tác giả Scott Ritter.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại khi Quân đội Nga tuyên bố phiến quân Syria đang không tuân thủ lệnh ngừng bắn ở tỉnh Idlib, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Cuộc chiến ý chí và sức mạnh quân sự giữa Thổ và Nga ở Idlib?

Những gì đã diễn ra trước lệnh ngưng bắn ngày 6/3 tại thị trấn chiến lược Saraqeb thuộc tỉnh Idlib phản ánh gần như toàn bộ các cuộc đụng độ giữa Quân đội Arab Syria (SAA) và Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) ở tây bắc Syria.

Trận Saraqeb cũng là một cuộc thử thách ý chí chính trị giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Thực tế đã chứng minh rằng Ankara đã thua trên cả hai mặt trận.

Giao tranh tại Saraqib bắt đầu từ tháng 12/2019 sau các đợt tấn công của SAA (với yểm trợ của Không quân Vũ trụ Nga-VKS) trong và xung quanh tỉnh Idlib nhằm vào các vị trí do các nhóm vũ trang được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kiểm soát.

Chiến dịch quân sự của Syria và Nga (còn có tên là chiến dịch "Bình minh Idlib") thể hiện sự sụp đổ của Thỏa thuận Sochi được ký vào ngày 17/9/2018, nơi thiết lập cái gọi là "khu vực giảm căng thẳng" ngăn cách SAA với phiến quân ở Idlib.

Là một phần của Thỏa thuận Sochi, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập 12 "điểm giám sát ngưng bắn" mà thực tế là một hệ thống công sự chứa hàng trăm binh lính TAF và trang thiết bị quân sự.

Để đổi lấy việc hợp pháp hóa sự tồn tại của các cứ điểm nói trên, thỏa thuận bắt buộc Ankara phải có hành động cụ thể bao gồm giám sát việc thành lập Khu phi quân sự (DMZ) trong khu vực (rút vũ khí hạng nặng và trung cũng như các nhóm khủng bố) trước ngày 15/10/2018.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải chịu trách nhiệm khôi phục việc giao thông bình thường thông qua hai tuyến đường cao tốc chiến lược nối thành phố Aleppo với Latakia (M4) và Damascus (M5).

Trong khi TAF nhanh chóng thiết lập các cứ điểm ở tỉnh Idlib, thì ở chiều ngược lại, họ đã không thực hiện được bất kỳ cam kết nào theo Thỏa thuận Sochi.

Điều này đồng nghĩa với việc vũ khí hạng nặng và trung cùng các nhóm khủng bố vẫn uy hiếp vùng chính phủ kiểm soát ở tây bắc Syria.

Đây được đánh giá là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng do nhóm khủng bố thống trị Idlib, Hayyat Tahrir al-Sham (HTS) là nhóm lớn nhất và nguy hiểm nhất hoạt động trên chiến trường Syria.

Điều tất yếu đã xảy ra, vào tháng 12/2019, SAA đã triển khai giai đoạn tiếp theo của chiến dịch "Bình minh Idlib" với mục tiêu khôi phục giao thông trên các tuyến cao tốc M4 và M5 và đồng thời đẩy lui HTS và các nhóm chống chính phủ khác ra khỏi DMZ ở Idlib.

Chuyên gia: Liều lĩnh chọc giận gấu Nga, Thổ nhận cái kết đắng ngắt ở tây bắc Syria - Ảnh 1.

Lãnh thổ "Idlib lớn" (khu vực do phiến quân kiểm soát ở tây bắc Syria) sau Thỏa thuận Moscow năm 2020 sẽ chỉ còn khoảng 40% nếu so với thời điểm Thỏa thuận Sochi năm 2018 được ký kết.

Mọi con đường đều dẫn tới Saraqeb?

Đến đầu tháng 2/2020, các mũi tấn công của SAA ở Idlib đã bao vây một số cứ điểm chính thức và không chính thức của TAF , khiến Ankara rơi vào tình trạng "khó ăn khó nói" về chính trị khi phải ngồi yên quan sát các lực lượng mà họ "chống lưng" bị Nga-Syria tàn sát trên chiến trường.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng tìm cách ngăn chặn các cuộc tấn công của SAA vào ngày 3/2, bằng cách củng cố các cứ điểm xung quanh thị trấn Saraqeb vì kiểm soát thị trấn cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát giao thông trên cả hai tuyến cao tốc (thị trấn nằm ở "ngã tư" giao cắt M4 và M5).

Khi một đoàn xe quân sự bao gồm xe tăng của TAF tiến về Saraqeb bị hỏa lực pháo binh Syria tấn công khiến 5 lính Thổ và 3 nhà thầu dân sự thiệt mạng, Ankara đã đáp trả bằng cách bắn phá các vị trí của SAA và gây thương vong cho binh sĩ Syria.

Sự kiện nói trên mở màn của Trận Saraqib và là cuộc đụng độ quy mô lớn đầu tiên giữa SAA và TAF kể từ khi chiến tranh Syria bắt đầu vào năm 2011.

Vào ngày 6/2, các mũi tấn công của SAA đã "tránh" các cứ điểm của TAF xung quanh Saraqeb và giải phóng thị trấn sau một giai đoạn vây hãm ngắn.

4 ngày sau, các tay súng phiến quân và khủng bố được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn với yểm trợ pháo binh của TAF đã phát động một cuộc phản công nhưng đã bị đánh bật bởi hỏa lực pháo binh hạng nặng của SAA.

Trong giao tranh, một cứ điểm của TAF gần ngôi làng Taftanaz đã bị trúng đạn pháo khiến 5 lính Thổ thiệt mạng và 5 người khác bị thương.

Người Thổ đáp trả bằng cách thực hiện một chuỗi các cuộc tập kích bằng hỏa lực pháo binh và tên lửa vào các vị trí của SAA trên khắp các mặt trận ở Idlib.

Phát biểu trước các nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sau sự cố ở Taftanaz, ông Erdogan tuyên bố rằng "chúng tôi sẽ tấn công các lực lượng của chế độ (chính phủ Syria) ở mọi nơi nếu có bất kỳ tổn hại nhỏ nào xảy ra với các binh sĩ của chúng tôi tại các điểm giám sát ngưng bắn hoặc ở nơi khác".

Ông Erdogan cũng khẳng định quyết tâm đẩy lùi (quân chính phủ Syria) ra khỏi "khu vực giảm căng thẳng" được miêu tả trong Thỏa thuận Sochi vào cuối tháng 2/2020.

Quân đội Arab Syria (SAA) và các lực lượng đồng minh tổ chức tấn công đêm tại Saraqeb, Idlib. Việc đẩy lui các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân tại thị trấn chiến lược sau hoạt động này đã dẫn đến Thỏa thuận Moscow.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ "lún sâu" vào xung đột ở tây bắc Syria

Việc giữ vững Saraqeb đã cho phép SAA kiểm soát toàn bộ đường cao tốc M5 và sau đó đã tiến về phía tây, với mũi tiến công xa nhất cách thủ phủ cùng tên của tỉnh Idlib (do nhóm khủng bố HTS kiểm soát) khoảng 8 dặm (khoảng 13 km).

Trước nguy cơ thành phố Idlib bị SAA tấn công, TAF đã triển khai hàng trăm binh lính đặc nhiệm "kề vai sát cánh" với các nhóm vũ trang chống chính phủ trong các đợt phản công ở mặt trận Saraqeb và đồng thời tăng cường yểm trợ bằng pháo binh và tên lửa.

Kể từ ngày 16/2, các đợt tấn công không ngừng nghỉ của phiến quân, khủng bố và đặc nhiệm Thổ đã được tiến hành nhằm vào các vị trí của SAA trong và xung quanh ngôi làng Nayrab, nằm giữa Idlib và Saraqib.

Nayrab đã thất thủ vào đêm ngày 24/2 khi các lực lượng chính phủ phải rút về Saraqeb, tuy nhiên, cái giá phải trả là hàng trăm tay súng phiến quân và khủng bố cùng với 2 lính Thổ thiệt mạng.

Sau khi giành được "bàn đạp" Nayrab, TAF và các đồng minh đã có cơ hội tiến tới Saraqeb trong bối cảnh SAA đã chuyển phần lớn các đơn vị tinh nhuệ (Sư đoàn 4 Vệ binh Cộng Hòa và Sư đoàn 25 đặc nhiệm) sang mặt trận nam Idlib, nơi họ đang tiến về phía đường cao tốc M4.

Thiếu chủ lực, SAA phải cơ động các đơn vị mới được huấn luyện trên khắp các vùng chính phủ kiểm soát và kêu gọi các tay súng Hezbollah, Lebanon và dân quân thân Iran giúp "trám" lỗ hổng phòng thủ tại mặt trận Saraqeb.

Chuyên gia: Liều lĩnh chọc giận gấu Nga, Thổ nhận cái kết đắng ngắt ở tây bắc Syria - Ảnh 3.

Trong Trận Saraqeb đêm ngày 29/2, lính Thổ đã phải đối đầu trực tiếp với các nhóm tấn công đặc biệt của lực lượng Hezbollah.

MANPADS Thổ tham chiến, thổi bùng cơn giận của "gấu Nga"?

Trong nỗ lực ngăn các cuộc không kích của Nga và Syria nhằm vào lính đặc nhiệm Thổ và các đồng minh ở Idlib, TAF đã bắt đầu sử dụng các tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) với ít nhất 15 vụ khai hỏa được ghi nhận.

Mặc dù MANPADS của TAF không có khả năng bắn hạ các máy bay cánh cố định của Nga và Syria, các hoạt động không kích rõ ràng đã bị hạn chế.

Và người Nga đã hành động, máy bay cường kích chưa rõ của Nga hay Syria đã không kích một tiểu đoàn cơ giới TAF hoạt động ở miền nam Idlib vào ngày 27/2, khiến 33 lính Thổ thiệt mạng và 60 người khác bị thương.

Cuộc không kích này đã gây ra chấn động khắp Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đe dọa sẽ trừng phạt tất cả các bên chịu trách nhiệm, bao gồm cả người Nga (Moscow phủ nhận trách nhiệm trong vụ tấn công, mặc dù nhiều bằng chứng chứng minh điều ngược lại).

Chuyên gia: Liều lĩnh chọc giận gấu Nga, Thổ nhận cái kết đắng ngắt ở tây bắc Syria - Ảnh 4.

Việc lính Thổ khai hỏa MANPADS vào máy bay chiến đấu Nga được coi là hành động "giọt nước làm tràn ly" và kích hoạt phản ứng của Moscow.

Chiến dịch quân sự "vắn số" của Thổ ở Idlib?

Vào ngày 1/3, Tổng thống Erdogan đã ra lệnh cho TAF thực hiện một cuộc hoạt động quân sự ở Idlib, được đặt tên là chiến dịch "Lá chắn Mùa xuân" nhằm đẩy lùi SAA và các đồng minh trở lại các vị trí tại thời điểm Hiệp định Sochi được ký kết năm 2018.

Tuy nhiên nỗ lực của TAF và đồng minh ngay lập tức bị đình trệ trước sự kháng cự kiên cường của các lực lượng trung thành với chính phủ Syria và không kích của Nga.

Cùng ngày 1/3, SAA đã tái chiếm Saraqeb đồng thời tái kiểm soát toàn bộ đường cao tốc M5, đảo ngược lợi thế quân sự trước đó của TAF và các đồng minh địa phương.

Đến ngày 4/3, tình hình của các nhóm phiến quân và khủng bố được Ankara hậu thuẫn ở Idlib nghiêm trọng tới mức các tay súng này phải lẩn trốn vào các cứ điểm của TAF nhằm tránh né các cuộc không kích của máy bay Nga.

Người Thổ đã nhận ra rằng họ đã "Game Over" ở tây bắc Syria, Tổng thống Erdogan đã nhanh chóng liên lạc và tới Moscow vào ngày 5/3 để đàm phán một thỏa thuận mới với người đồng cấp Nga Putin.

Chuyên gia: Liều lĩnh chọc giận gấu Nga, Thổ nhận cái kết đắng ngắt ở tây bắc Syria - Ảnh 6.

Với Thỏa thuận Moscow, Ankara được cho là đã "bán đứng" các đồng minh địa phương ở tây bắc Syria mặc dù việc thực thi thỏa thuận ở thời điểm hiện tại khó có khả năng xảy ra.

Kết luận

Các hoạt động quân sự gây thiệt hại cho TAF ở Idlib được đánh giá là một "lằn ranh đỏ" của cá nhân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan còn việc phải ký Thỏa thuận Moscow được đánh giá là "viên thuốc đắng" mà nhà nhà lãnh đạo ở Ankara phải nuốt.

Mặc dù có nội dung tương tự như một phần "mở rộng" cho Thỏa thuận Sochi năm 2018, Thỏa thuận Moscow giống như một tài liệu về việc đầu hàng người Nga đối với người Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã chóng quên các ngôn từ đe dọa đẩy lui SAA khỏi Idlib và buộc phải chấp nhận một khu vực "giảm căng thẳng" mới được xác định bởi chiến tuyến ở thời điểm ngày 6/3.

Các cứ điểm của TAF vẫn được duy trì, nhưng trong "vòng vây" của SAA. Hơn nữa, người Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải chia sẻ việc giám sát một DMZ rộng12 km nằm trên cao tốc M4 với quân cảnh Nga.

Máy bay chiến đấu của TAF cũng không được phép hoạt động trong vùng cấm bay mà Nga và Syria đã thiết lập ở Idlib, trong khi đó Ankara phải cam kết giải giáp các nhóm khủng bố (mục tiêu là HTS, nhóm vũ trang có quân số lớn nhất và nguy hiểm nhất đối với SAA).

Nói tóm lại, Nga bảo đảm cho đồng minh Syria giữ vững kết quả của "chiến thắng vất vả" của họ, còn ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ không thu thập bất cứ lợi thế nào cho phiến quân mà họ hậu thuẫn sau lệnh ngừng bắn.

Đối với chính phủ Syria và Nga, Trận Saraqeb có ý nghĩa lớn trong việc khôi phục chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ Syria còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ đó là thất bại trong kế hoạch kiểm soát và gây ảnh hưởng lâu dài với tây bắc Syria.

Hơn nữa, màn "trình diễn" tệ hại của TAF và phiến quân do họ hậu thuẫn chống lại SAA và các đồng minh Nga-Iran trong toàn bộ chiến sự Idlib và đặc biệt là Trận Saraqeb, đã khiến mọi ý tưởng cho rằng Ankara có thể tác động với Damascus hoặc Moscow trở thành trò hề.

Người Thổ có thể đã hiểu rõ rằng sẽ không có một giải pháp quân sự nào cho vấn đề của Idlib nói riêng và Syria nói chung.

Cảnh quay đoàn xe quân sự Thổ phải rút khỏi M4 trước hành động của người biểu tình và xe bọc thép chở các phóng viên đi cùng đoàn tuần tra Nga-Thổ phải trở về khi đang tiến hành tuần tra (Nguồn: RT).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại