South Front dẫn các nguồn tin địa phương cho biết, Quân đội Mỹ đã bắt đầu cho rút quân khỏi nhiều căn cứ tiền phương trên khắp Iraq sau các vụ tấn công bằng rocket nhằm vào liên quân chống IS do nước này đứng đầu.
Để đảm bảo an toàn cho các binh sĩ Mỹ cũng như đồng minh, có vẻ như Lầu Năm Góc quyết định cho ngừng hoạt động hoặc chuyển giao cho các căn cứ tiền phương cho Quân đội Iraq, và rút hết quân về các căn cứ liên hợp.
Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Mỹ không thích nói thẳng ra là họ sợ các cuộc tấn công bằng rocket từ lực lượng dân quân Iraq (PMU) mà mô tả hoạt động rút quân trên là kế hoạch có từ trước sau khi kết thúc sứ mệnh tiêu diệt phiến quân IS ở Iraq.
Trong hai cuộc tấn công rocket gần đây vào căn cứ liên hợp Taji ở phía Bắc Baghdad, đã có hai binh sĩ Mỹ và một quân nhân Anh thiệt mạng, ngoài ra còn có hàng chục người khác bị thương. Đối với Quân đội Mỹ và đồng minh mà nói tổn thất trên thực sự khó chấp nhận được.
Theo báo cáo từ Al-Anbar, quân Mỹ đã bắt đầu rút khỏi một số căn cứ tiền phương gần thành phố Al-Qa'im nằm sát biên giới Iraq - Syria. Các căn cứ này sẽ sớm được chuyển giao cho Biên phòng Iraq hoặc lực lượng dân quân Hashd Al-Sha'abi.
Binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Ain Assad sau các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran trong tháng 1 năm nay. Ảnh: The Times of Israel.
Ngoài ra cũng có thông tin cho thấy, Quân đội Mỹ còn rút khỏi các căn cứ ở tỉnh Nineveh (gần Mosul) và Kirkuk (Căn cứ không quân K-1). K-1 là một trong những căn cứ Mỹ ở Iraq bị tấn công nhiều nhất trong thời gian qua.
Nhiều khả năng Quân đội Mỹ sẽ tái cơ cấu quân từ các căn cứ trên vào căn cứ không quân Ain Assad hoặc các căn cứ liên hợp, vốn có hệ thống phòng thủ tốt hơn các căn cứ tiền phương.
Hiện tại, Quân đội Mỹ đang duy trì khoảng 5.300 binh sĩ ở Iraq nhưng phải chia quân ra hàng chục căn cứ lớn nhỏ, điều này một phần nào đó khiến việc bảo vệ an toàn cho số binh sĩ này trở nên khó khăn hơn.
Do đó việc rút quân về các căn cứ lớn có hệ thống phòng thủ tốt hơn sẽ giúp Lầu Năm Góc một phần nào đó tháo gỡ được khó khăn hiện tại. Mặt khác việc này về cơ bản không làm ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự của họ hay liên quân chống IS ở Iraq.
Nhìn chung mà nói căng thẳng giữa liên quân do Mỹ đứng đầu và các nhóm dân quân thân Iran ở Iraq còn sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới, và Lầu Năm Góc đang muốn tái cơ cấu lại lực lượng nhằm chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn đánh thẳng vào PMU cũng như loại bỏ vai trò của lực lượng này bên trong hàng ngũ các lực lượng vũ trang Iraq.
Bên trong sân bay lớn nhất của Iraq ở Karbala sau cuộc không kích của Mỹ hôm 12/3.