Bệnh tim mạch để lại những hệ luỵ khôn lường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Để tránh xa căn bệnh này, trước hết hãy thay đổi những thói quen nhỏ sau đây:
Tập thể dục thường xuyên
Theo các chuyên gia đầu ngành về tim mạch, người trẻ cần dành thời gian hoạt động thể lực từ 30 - 60 phút/ngày, ít nhất 4 ngày/tuần đều đặn là việc tốt nhất để làm tăng lipoprotein mật độ cao (thường được gọi là cholesterol "tốt"), và giảm lipoprotein mật độ thấp (cholesterol "xấu", mang lại sức khỏe tốt cho tim mạch).
Bạn không nhất thiết phải tập thể dục ở một cường độ cao, mà chỉ cần những bài tập thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi, yoga… những bài tập này giúp điều hòa hệ tim mạch, tăng cường nhịp tim, giảm những nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ.
Ngủ sớm và ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày
Thức khuya, ngủ không đủ giấc không những làm hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu dần mà còn tăng tỉ lệ mắc bệnh tim mạch. Khi thiếu ngủ, các mạch máu co lại, huyết áp tăng, tạo áp lực lên tim nhiều hơn. Đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lí tim mạch như: bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, cao huyết áp...
Để đảm bảo giấc ngủ từ 7 - 8 tiếng/ngày duy trì nhịp sinh học của cơ thể một cách cân bằng, bạn nên đi ngủ đúng giờ, không thức quá khuya, tránh ăn no hoặc uống nhiều nước trước khi đi ngủ.
Vệ sinh răng miệng
Nghe có vẻ không liên quan, nhưng quả thực vệ sinh răng miệng có quan hệ mật thiết đến sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu cho thấy giữ răng miệng luôn sạch sẽ có thể làm giảm vi khuẩn gây viêm nhiễm ở miệng.
Sự viêm nhiễm này đưa một dạng mảng bám trên răng vào mạch máu và làm cứng các động mạch dẫn đến bệnh tim và đột quỵ. Vì vậy, vệ sinh răng miệng là rất quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh về tim mạch.
Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia
Khói thuốc có rất nhiều chất độc làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim... Trong số đó bệnh mạch vành là quan trọng nhất, ước tính chiếm khoảng hơn một nửa trường hợp tử vong vì bệnh tim do hút thuốc.
Ngoài ra, những người bị đột quỵ do nhồi máu não, xuất huyết não, biến chứng của tăng huyết áp, tăng đường máu, là hậu quả của việc lạm dụng rượu bia. Người thường xuyên uống nhiều rượu bia sẽ có nguy cơ bị cao huyết áp cao gấp 1,5 - 2 lần so với người không uống. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các bệnh về tim mạch.
Thói quen ăn uống không hợp lý
Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, một trong những nguyên nhân khiến bệnh tim mạch gia tăng là do thói quen ăn uống không hợp lý, nhiều cholesterol.
Khi lượng cholesterol trong máu lên quá cao sẽ gây hiện tượng vữa xơ động mạch, cản trở máu lưu thông, dẫn đến thiếu máu cơ tim. Để cải thiện sức khỏe tim mạch cần đặt ra chế độ ăn chứa ít chất béo bão hòa và ít cholesterol, nhiều chất xơ, duy trì cân nặng ở mức trung bình kết hợp tập thể dục.
Dấu hiệu người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Theo các chuyên gia, nếu cùng lúc xuất hiện ít nhất 2 triệu chứng trong các triệu chứng dưới đây người bệnh cần đi khám bác sĩ:
Người mắc bệnh tim mạch có thể bị phù
Cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức
Nếu thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức nhiều lần trong ngày, thậm chí mệt mỏi cả sau khi ngủ dậy. Nếu hiện tượng này xảy ra một cách thường xuyên, nó báo hiệu bạn đang gặp vấn đề về tim mạch. Mệt mỏi không rõ nguyên nhân thường xuất hiện do các bộ phận trong cơ thể của bạn không nhận được đủ oxy cần thiết do tim bị suy giảm chức năng co bóp.
Khó thở, đau tức ngực
Nếu bạn cảm thấy khó thở như có vật gì đó đè nén ngực hoặc gặp khó khăn khi hít thở sâu, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để nhận được tư vấn và tìm nguyên nhân…
Ngoài ra, Người bệnh có cảm giác đau thắt ngực ở khu vực dưới xương ức, phía trước, cơn đau thường kéo dài 10 phút và hay lặp lại. Khi bị đau ngực kéo dài, người bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối và khẩn trương đi khám vì đây có thể là dấu hiệu của một cơn nhồi máu cơ tim.
Nhịp tim có vấn đề
Trong suy tim, trái tim người bệnh thường đập với tốc độ nhanh hơn, hay cảm giác như đang chạy hoặc đập dồn dập. Nguyên nhân khiến tim đập nhanh là để bù đắp cho khả năng suy giảm chức năng bơm máu. Các biểu hiện như hồi hộp bất thường, nghe rõ tim đập như đánh trống ngực đều cần được người bệnh lưu tâm.
Đi tiểu ban đêm
Đi tiểu thường xuyên vào ban đêm là một dấu hiệu quan trọng của suy tim. Điều này xảy ra do sự chuyển dịch lượng nước tích tụ trong cơ thể gây phù ở nhiều bộ phận đến thận thông qua các mạch máu. Để tránh hiện tượng này, người bệnh cần kiểm soát lượng nước đưa vào cơ thể vào buổi tối hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu vào buổi sáng.
Hiện tượng phù
Hiện tượng suy tim xuất hiện cùng lúc với hiện tượng phù, cơ thể có dấu hiệu tích nước. Nếu thấy khi ngủ dậy mặt bị căng phù, mí mắt nặng, hoặc điển hình phù bàn chân vào thời điểm nhất định trong ngày cảm thấy đi dép chật...., tất cả đều cho thấy bạn đang có những triệu chứng của suy tim.