Chuyên gia cảnh báo những dấu hiệu mắc sốt xuất huyết cần đưa ngay đến viện

Minh Trang |

Sốt xuất huyết có những triệu chứng tương tự như các loại sốt thông thường khác nên rất dễ nhầm lẫn, gây biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Tạp chí điện tử Khám phá phối hợp cùng trang tin Eva.vn đã tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Cha mẹ phải làm gì để đối phó với dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp" vào 20h, ngày 1/8/2017.

Tại buổi giao lưu 2 vị khách mời gồm Ths. BS Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; BS Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã chia sẻ những vấn đề liên quan tới dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp.

Chuyên gia cảnh báo những dấu hiệu mắc sốt xuất huyết cần đưa ngay đến viện - Ảnh 1.

Hai chuyên gia chia sẻ các vấn đề liên quan đến dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội.

Dấu hiệu nào người mắc sốt xuất huyết cần đến bệnh viện ngay?

Theo các chuyên gia, người bị mắc sốt xuất huyết phải trải qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất là trong 3 ngày đầu tiên mắc bệnh, người bệnh thường có biểu hiện sốt giống như triệu chứng khi bị loại sốt virus khác như đau đầu, sốt cao liên tục, mỏi người, đau nhức khắp các cơ bắp, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng… nên rất khó phân định.

Chỉ có thể xác định chính xác rằng có bị mắc sốt xuất huyết hay không thì cách duy nhất là thông qua xét nghiệm đặc hiệu.

Chuyên gia cảnh báo những dấu hiệu mắc sốt xuất huyết cần đưa ngay đến viện - Ảnh 2.

Ths. BS Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Giai đoạn thứ 2 của bệnh, bắt đầu từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, trong những ngày này, bệnh nhân đã lui sốt, nhưng nếu bệnh nhân bị tụt huyết áp, thậm chí sốc, khó thở, chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí với phụ nữ có thể sẽ bị rong kinh bất thường, hoặc chảy máu nội tạng… thì cần đến bệnh viện ngay.

Giai đoạn thứ 3 của bệnh sốt xuất huyết được gọi là giai đoạn hồi phục thì với những bệnh nhân trước có biến chứng thoát dịch nhiều thì giờ lại tái hấp thu dịch, nên lúc này không nên truyền thêm dịch để tránh trường hợp bệnh nhân lại thừa dịch gây nên khó thở, gây nguy hiểm.

Phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết cần lưu ý những gì?

Theo Ths. BS Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết không gây tổn thương trực tiếp đối với thai nhi mà gây tác động tới thai nhi qua các vấn đề như: Trong 3 ngày đầu nếu người mẹ bị sốt quá cao, ăn uống quá kém thì dẫn đến tình trạng tim thai tăng nhanh, thai sốt cao, có thể bị ảnh hưởng chút ít nên cần ăn mặc thoáng mát, ở phòng thoáng mát, ăn uống tốt để bù dịch và sử dụngthuốc hạ sốt hợp lý sẽ giảm được nguy cơ này.

Trong 3 ngày đầu tiên mắc sốt xuất huyết, chỉ có thể xác định chính xác thông qua xét nghiệm đặc hiệu.

Trường hợp, người mang thai mà sốt xuất huyết nặng gây hạ tiểu cầu thì khi xảy ra biến chứng như chảy máu nghiêm trọng sẽ gây sảy thai.

Hoặc người mẹ không may chuyển dạ khi đang mắc sốt xuất huyết thì việc sinh thường hay sinh mổ cũng sẽ cực kỳ khó khăn.

Vì lúc này người mẹ sẽ mất nhiều máu, rất khó cầm máu. Trường hợp này cần được ưu tiên đặc biệt, truyền đủ khối tiểu cầu, yếu tố đông máu để đảm bảo quá trình đẻ được an toàn.

Còn đối với trẻ em, khi mắc sốt xuất huyết có một số biểu hiện bệnh như sau: 3 ngày đầu sốt cao, trẻ mệt lả đi, hay quấy khóc, nằm ly bì hoặc tỉnh táo chơi đùa như bình thường.

Nhiều phụ huynh chủ quan, cho rằng con mình đã khoẻ hơn nhưng không phải như vậy.

Lúc này, phụ huynh cần để ý xem trẻ có những biểu hiện sau đây hay không như: đi tiểu ít, khó thở, ấn vào vùng gan thấy đau, nôn nhiều hoặc buồn nôn nhiều, xuất hiện các biểu hiện chảy máu bất thường như chảy máu chân răng, chảy máu cam… thì lúc này gia đình cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

Những lưu ý về sốt xuất huyết không thể bỏ qua

Chuyên gia cảnh báo những dấu hiệu mắc sốt xuất huyết cần đưa ngay đến viện - Ảnh 3.

BS Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Khi đã xác định được sốt do sốt xuất huyết thì trong giai đoạn đầu tiên là giai đoạn sốt cao cần tránh hai loại thuốc hạ sốt là Aspirin và Ibuprofen.

Nếu bệnh nhân không thể ăn uống được trong thời gian này thì có thể truyền để bù dịch.

Thuốc kháng sinh không có hiệu quả điều trị gì đối với sốt xuất huyết, nên bị sốt xuất huyết không chỉ định dùng kháng sinh.

Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân được xác định là bội nhiễm vi khuẩn thì bác sĩ mới chỉ định dùng thuốc kháng sinh.

Theo Bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Sốt xuất huyết hiện gồm có 4 tuýp virut.

Với những người đã mắc bệnh 1 trong 4 tuýp trên thì sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời đối với tuýp đó nhưng nó lại không có miễn dịch chéo với những tuýp còn lại.

Do đó, trường hợp đã nhiễm 1 tuýp virut rồi mà sau đó nhiễm tuýp khác thì tỉ lệ bệnh nặng sẽ cao hơn so với những người nhiễm lần đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại