Chuyện cổ tích về một phụ nữ mang thai hộ

Tử Trực |

Thấy vợ chồng chị gái hơn chục năm chạy ngược chạy xuôi, đổ bao nhiêu tiền của nhưng vẫn không có được đứa con, chị nảy ý định cấy phôi mang thai hộ giúp chị, bất chấp rủi ro... Ngày đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, chị như trút được gánh nặng ngàn cân.

Câu chuyện tưởng chừng chỉ có trong cổ tích ấy của chị Huỳnh Thị Sang (31 tuổi, ngụ xã Ba Động, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) khiến ai nghe thấy đều cảm động, khâm phục bởi tình yêu thương và sự hy sinh quá lớn lao.

Hơn 1 năm sau ngày đứa bé chào đời, gia đình chị Sang có một cái Tết ấm cúng, rộn rã niềm vui tiếng cười.

Quyết định làm thay đổi cuộc đời

Chị Sang vốn xuất thân trong một gia đình nông dân ở huyện miền núi xã Ba Động, huyện Ba Tơ. Cũng như bao người cùng trang lứa khác, sau khi có được công việc ổn định, chị Sang lập gia đình và sinh được 2 con. Đến năm 2013, chị Sang cùng chồng ly hôn.

Dù có được quyền nuôi 2 con khôn lớn, thế nhưng chứng kiến vợ chồng chị gái của mình (chị Huỳnh Thị Nhung Lụa, 35 tuổi) đã cưới nhau 13 năm ròng rã, chạy ngược chạy xuôi để tìm một "thiên thần bé nhỏ" trong ngôi nhà trống vắng, chị Sang không khỏi chạnh lòng.

"Bao nhiêu tiền làm ra, vợ chồng chị ấy đều để dành đi viện để chữa căn bệnh rong kinh, chỉ mong được một phép mầu. Thế nhưng dù đã 7 lần thực hiện chu trình tiêm thuốc, chọc trứng, ghép phôi, rồi cấy phôi vẫn không thể đậu thai", chị Sang nhớ lại.

Rồi cái ngày câu nói đùa của chị Sang thành sự thật. "Hôm đó chị em từ bệnh viện ở Sài Gòn nhắn tin về nói lần này chị chọc trứng 2 lần, ghép được 9 phôi luôn. Mừng quá. Nghe thế em buột miệng nói:

Vậy thì chuyển bớt cho em mấy phôi xem thử có đậu thai không, em mang hộ cho", chị Sang kể.

Chị Huỳnh Thị Sang (bên phải) cùng chị gái Huỳnh Thị Nhung Lụa hạnh phúc bên bé trai chị Sang đã mang thai hộ cho vợ chồng chị gái mình. Ảnh nhân vật cung cấp

Câu nói tưởng chừng đùa đó của chị Sang lại lóe lên một tia hy vọng của chị Lụa. Thế là họ nói chuyện nghiêm túc và đi đến quyết định chị Sang sẽ mang thai hộ cho chị Lụa. Họ cùng đem ý định của mình nói cho mọi người xung quanh.

"Thật sự lúc đầu để nói ra quyết định, ai cũng phản đối. Đặc biệt là bà ngoại các con em. Không phải mẹ em không thương chị mà là lo cho em, lo cho 2 con em. Bởi em đã một lần đổ vỡ hôn nhân, một mình nuôi 2 con, lại đã hai lần phẫu thuật sinh mổ.

Nếu lần này sinh thêm, chắc sẽ không còn sinh được nữa. Sau này lỡ có "đi bước nữa", làm sao ở với người ta… Rồi còn bà con hàng xóm xung quanh đàm tiếu, thậm chí có người còn nghĩ mang thai hộ là em và anh rể cùng nhau vào Sài Gòn ăn ngủ mới được", chị Sang nhớ lại.

Thế nhưng, bỏ qua tất cả mọi lời đàm tiếu và sự lo lắng của người thân, chị Sang quả quyết với mẹ: "Con đã đổ vỡ rồi, giờ sẽ sống thế này để nuôi bọn nhỏ nên người. Nếu phải sinh con thêm cho một người đàn ông nào đó, con lựa chọn hy sinh cho chị gái mình".

Gian nan hành trình cấy phôi

Cuối cùng sự quyết đoán của chị Sang cũng không ai ngăn cản được. Đến giữa tháng 5-2015, hai chị em chị Sang mang theo niềm tin và hy vọng cùng dắt nhau vào Bệnh viện Từ Dũ.

Thế nhưng, ngay vòng "thẩm vấn" đầu tiên, hy vọng của hai chị em lập tức bị dập tắt khi bệnh viện trả hồ sơ vì lý do chị Sang đã 2 lần sinh mổ, nếu sinh thêm lần nữa rủi ro rất cao.

Họ khuyên người nhà nên tìm người khác thích hợp hơn. Quyết tâm đến cùng, chị Sang cầm hồ sơ quay lại phòng hành chính xin trình bày với bác sĩ và hứa chỉ cần bác sĩ đồng ý, sẽ chấp nhận mọi rủi ro. "Lúc đó, em chỉ sợ nhất câu hỏi của bác sĩ: "Chị đã nghĩ kỹ chưa?

Nếu có chuyện gì xảy ra, ai sẽ là người nuôi 2 con của chị?". Em chỉ biết giấu nước mắt, tìm mọi lẽ thuyết phục bác sĩ… Cuối cùng, bác sĩ cũng chấp nhận", chị Sang nhớ lại.

Chuyện cổ tích về một phụ nữ mang thai hộ - Ảnh 1.

Chị Huỳnh Thị Sang cùng bé trai mà chị Sang đã mang thai hộ cho vợ chồng chị gái mình. Ảnh nhân vật cung cấp

Thế là từ đó cho đến hơn 3 tháng chạy ngược chạy xuôi, làm các giấy tờ hồ sơ mang thai hộ, chị Sang chính thức xin nghỉ dạy không lương trong 1 năm để vào Sài Gòn.

Sau khi vượt qua vòng "thẩm vấn" bởi những câu hỏi "nặng trĩu" bước đầu, các y bác sĩ bắt đầu thực hiện các bước siêu âm, đặt thuốc cải thiện niêm mạc tử cung…

Hơn 2 tuần trôi qua, kết quả nhận được niêm mạc bị thái hóa, không thể cấy phôi được. Cả hai chị em lặng lẽ ra về, đợi chu kỳ kinh tháng sau thực hiện lại. Cứ như thế, hết lần thứ 2, 3, 4 rồi lần thứ 5 bác sĩ đều lắc đầu và khuyên không nên thử nữa, tìm người khác thích hợp hơn.

"Lúc đó em như người mất hồn. Bỏ bao nhiêu công sức và gần 1 năm đi lại, giờ chẳng lẽ bỏ cuộc. Em nhắn tin về cho anh chị nói dối bác sĩ hẹn lại lần sau vào kiểm tra tiếp.

Và rồi tháng sau cũng đến, em lại khăn gói vào bệnh viện, các y bác sĩ ai cũng ngỡ ngàng nhưng họ cũng bị thuyết phục bởi quyết tâm "thực hiện lần cuối", không được nữa sẽ ngưng.

Thế là họ cho uống thuốc, siêu âm... Sau hơn một tuần đến kiểm tra, bác sĩ bảo niêm mạc lần này tốt hơn rồi, có thể cấy phôi được và kê thêm 1 tuần thuốc nữa, hẹn khoảng 15 ngày đến bệnh viện chuyển phôi. Nghe thế em mừng rơi nước mắt", chị Sang kể.

Đúng ngày hẹn, chị Sang quay lại bệnh viện làm thủ tục cấy phôi. Sau khi kiểm tra lần cuối, bác sĩ thông báo, niêm mạc bị hủy nữa rồi. Giờ cấy thì phôi cũng bị hỏng, khả năng đậu thai rất thấp. Nghe thế chị Sang như sét đánh ngang tai.

Chị Sang nài nỉ bác sĩ cho cấy một lần cho thỏa mãn 6 lần đi, nếu không được coi như chấp nhận. Thế là cuộc cấy phôi được thực hiện.

Niềm vui bất ngờ

Trở về sau khi được cấy phôi "bất đắc dĩ", chị Sang chỉ biết nằm một chỗ, cầu nguyện mong một phép mầu. Rồi ngày thứ 11 cũng đến. "Sáng đó em dậy thiệt sớm, vào phòng vệ sinh lấy nước tiểu thử thai.

Nhìn cây que thử hiện lên 1 vạch đậm dần nhưng không thấy vạch thứ 2 đâu cả, lúc đó em nghĩ mình đã thất bại hoàn toàn. Em vứt que vào sọt rác, nằm nghĩ mông lung. Khoảng 30 phút sau chợt nghĩ, hay là vào xem lại cái que thế nào.

Lục lại sọt rác, nhìn kỹ cái que hình như có 2 vạch. Em vẫn không tin, đem ra hỏi chị giúp việc, chị ấy cũng nói có 2 vạch. Nghe chị giúp việc nói thế, trong lòng thấy vui bất tận nhưng không dám nói với ai vì chưa chắc chắn kết quả.

Thế là ngay ngày hôm sau, 2 chị em chị Sang cùng nhau vào bệnh viện thật sớm để siêu âm. Kết quả siêu âm khiến 2 chị em vỡ òa sung sướng khi bác sĩ thông báo đã đậu thai.

Lúc đó 2 chị em chỉ biết ôm nhau khóc vì quá vui. Điện thoại về thông báo cho ông bà ngoại, anh rể, ai cũng vỡ òa", chị Sang nhớ lại.

Chuyện cổ tích về một phụ nữ mang thai hộ - Ảnh 2.

Chị Huỳnh Thị Sang cùng 2 con gái và bé trai đã mang thai hộ cho vợ chồng chị gái mình. Ảnh nhân vật cung cấp

Gác lại niềm vui, nỗi lo lắng tiếp tục ập tới. Chị của Sang rời Sài Gòn về quê lo công việc, còn Sang ở lại dưỡng thai. Sau 12 tuần đầu tiên, vì nhớ 2 đứa con ở ngoài quê nên Sang rời Sài Gòn về Quảng Ngãi thăm con.

Khi đến ngày hẹn tái khám, Sang lại lên máy bay vào Sài Gòn. Lần khám cuối, bác sĩ thông báo tuần 37 phải nhập viện để mổ.

"Em vẫn còn nhớ rõ, lúc đó thời điểm cận Tết. Sau khi vào viện siêu âm để sáng mai nhập viện. Bất ngờ các bác sĩ thông báo phải nhập viện gấp vì em bé đang bị suy, chờ sáng mai sẽ mất tim thai, cả nhà ai cũng cuống cuồng.

Mọi thủ tục nhanh gọn. Em được đẩy vào phòng mổ. Lúc đó, em rất sợ, cứ suy nghĩ nếu trong lúc mổ có rủi ro xảy ra sẽ phải làm sao, ai nuôi 2 con em nên người. Rồi chỉ biết nằm im cầu nguyện, miên man…

Bất chợt một tiếng khóc òa lên, lúc này em như trút được gánh nặng ngàn cân, nước mắt chỉ biết tuôn trào", chị Sang nhớ lại.

Sau khi sinh xong, 10 ngày sau, chị Sang cùng chị và anh rể bế cháu lên tàu về Quảng Ngãi. Về đến nhà đúng trưa mùng 1 Tết Nguyên đán.

"Bây giờ cháu đã được 1 tuổi, ở cùng ba mẹ cháu. Thực sự sinh cháu ra là một kỳ tích với gia đình. Cháu là món quà vô giá của tất cả mọi người trong gia đình em", chị Sang chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại