Chương trình tàu ngầm PROSUB đầy tham vọng của Brazil

Lê Ngọc |

Chương trình hạt nhân hải quân và Chương trình phát triển tàu ngầm sẽ nâng cao năng lực của Hải quân để đối phó hiệu quả với thách thức to lớn trong việc kiểm soát và bảo vệ "Amazon xanh" tiếp giáp với một phần ba biên giới lãnh thổ Brazil.

Nằm ở châu Mỹ, Cộng hòa Liên bang Brazil là quốc gia lớn thứ năm thế giới về diện tích lẫn dân số, với hơn 190 triệu người. Quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha duy nhất ở châu Mỹ và lớn nhất thế giới này có hơn 7.000km bờ biển và vùng biển sâu ngoài khơi rộng 3,5 triệu km2, chứa trữ lượng dầu và khí đốt dồi dào tại khu vực được gọi là tiền muối (các thành tạo địa chất gián đoạn trên các thềm lục địa của các bồn trũng mở rộng, được đặc trưng bởi sự lắng đọng của các lớp bốc hơi dày, chủ yếu là muối và dầu mỏ được tạo ra từ trầm tích trong lớp tiền muối; phổ biến ở ngoài khơi Brazil và Châu Phi - ND).

Để bảo vệ vùng biển và thềm lục địa giàu tài nguyên khoáng sản, năm 2009, Brazil đã quyết định đóng 4 tàu ngầm chạy bằng động cơ thường lớp Scorpène (Pháp) với giá 9,9 tỷ USD cùng thỏa thuận chuyển giao công nghệ. 

Chương trình Phát triển Tàu ngầm (Programa de Desenvolvimento de Submarinos - Submarine Development Program - PROSUB) Brazil là phần mở rộng chính của một thỏa thuận hợp tác quốc phòng chiến lược được ký vào tháng 12/2008 tại Rio de Janeiro, được khởi xướng vào năm 2012, với căn cứ Itaguaí ở Rio de Janeiro là điểm phát triển và chế tạo tàu ngầm.

Từ năm 2010-2012, một nhóm gồm 31 kỹ sư, 25 sĩ quan và 6 nhân viên dân sự đã được đào tạo lý thuyết bởi DCNS (nay là Tập đoàn Naval Group) tại Pháp. Năm 2018, hơn 400 kỹ sư Brazil làm việc trong biên chế dự án tàu ngầm hạt nhân được thành lập từ nhóm chuyên gia được đào tạo tại Pháp. 

Tàu ngầm lớp Scorpène đầu tiên của Brazil - S40 “Riachuelo” - thuộc Chương trình PROSUB, dựa trên tàu ngầm lớp Scorpene do Naval Group thiết kế, hạ thủy vào ngày 14/12/2018, được trang bị hệ thống động cơ diesel-điện thông thường bao gồm bốn động cơ diesel và một động cơ điện.

Chương trình tàu ngầm PROSUB đầy tham vọng của Brazil - Ảnh 2.

Chiếc Scorpène S40 “Riachuelo” đầu tiên của Brazil; Nguồn: navyrecognition.com

Chiếc Scorpene của Brazil có lượng choán nước 1.870 tấn, chiều dài tổng thể 72m, có thể lặn với tốc độ tối đa 20 hải lý/giờ, độ sâu hoạt động hơn 300m và có khả năng lặn trong 21 ngày, thời gian hoạt động tự chủ 35-45 ngày, thủy thủ đoàn 31 thành viên, gồm 6 sĩ quan và 25 thủy thủ. 

Tích hợp những cải tiến từ tàu ngầm tấn công nhanh lớp Barracuda của Pháp, Scorpène có những khả năng vượt trội. Vũ khí của tàu ngầm lớp Scorpene bao gồm 6 ống phóng ngư lôi 533mm cho 18 ngư lôi hạng nặng Whitehead Alenia Sistemi Subacquei Black Shark và tên lửa chống hạm SM-39 Exocet và 30 mìn thủy thay cho ngư lôi.

Là tàu ngầm đa năng, Scorpène có thể đảm trách nhiều nhiệm vụ như tác chiến chống tàu mặt nước và tàu ngầm, hoạt động đặc biệt, rà phá mìn, tấn công và thu thập thông tin tình báo. Mạnh mẽ và bền bỉ, Scorpène là một tàu ngầm được thiết kế cho cả các hoạt động ở vùng nước nông. 

Hiện nay, có 14 tàu ngầm Scorpène đang hoạt động hoặc đang được đóng cho Hải quân Chile (2 chiếc), Hải quân Malaysia (2 chiếc), Hải quân Ấn Độ (6 chiếc) và Hải quân Brazil (4 chiếc). 

Thiết kế Scorpène được điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu cụ thể của hải quân mỗi nước. Chiếc Scorpène của Brazil dài hơn một chút để chở một thủy thủ đoàn lớn hơn, gần như gấp đôi phạm vi tuần tra và có thể bao quát những vùng rộng lớn hơn.

Việc hạ thủy chiếc Scorpène Riachuelo trước sự chứng kiến của nguyên thủ đất nước chứng tỏ sự thành công của chương trình PROSUB - hoàn thành chiếc tàu ngầm đầu tiên và cơ sở hạ tầng của nhà máy đóng tàu Brazil, mang lại cho nước này kiến thức về thiết kế và kinh nghiệm chế tạo vỏ tàu ngầm, đồng thời, thể hiện cả khả năng của đối tác Pháp - Tập đoàn Naval - trong việc cung cấp các tàu ngầm tốt nhất cùng loại và tiến hành chuyển giao công nghệ tàu ngầm tiên tiến.

Chương trình tàu ngầm PROSUB đầy tham vọng của Brazil - Ảnh 3.

Chiếc Scorpène S40 “Riachuelo” trong một buổi thử nghiệm trên biển; Nguồn: militaryleak.com

Theo thông tin Hải quân Brazil, từ ngày 16-18/10/2020, hải quân Brazil đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm sức đẩy của tàu ngầm diesel-điện S40 Riachuelo tại Vịnh Sepetiba, trên bờ biển phía nam của Rio de Janeiro. 

Các cuộc thử nghiệm - nghiệm thu trên biển sẽ tiếp tục đến tháng 12/2020. Sau giai đoạn này, hệ thống vũ khí sẽ được thử nghiệm với việc phóng ngư lôi F-21 và tên lửa chống hạm SM39 Exocet từ tàu ngầm. Giữa năm 2021, S40 Riachuelo sẽ được chuyển giao cho Hải quân Brazil để triển khai khai thác sử dụng.

Tiến độ hiện tại của chương trình PROSUB: chiếc S40 Riachuelo đã hạ thủy; dự kiến hạ thủy Humaitá (S41) vào tháng 12/2020, Tonelero (S42) vào năm 2021 và Angostura (S43) vào năm 2022. 

Chiếc thứ hai đang được chế tạo bởi công ty Brazil Construtora Norberto Odebrecht (CNO) dựa trên các thông số kỹ thuật và trên kinh nghiệm và hỗ trợ của Tập đoàn Naval trong thiết kế, kỹ thuật và sản xuất tàu ngầm. 

Quá trình lắp ráp Tonelero (S42) đang tiến triển theo đúng tiến độ, khởi đầu của quá trình lắp ráp cuối cùng với việc ghép thân tàu lần cuối vào tháng 12/2020; thử nghiệm trên biển được lên kế hoạch vào nửa cuối năm 2021.

Đặc biệt, “Álvaro Alberto” - tàu ngầm Brazil đầu tiên sử dụng động cơ đẩy hạt nhân (SN-BR) là một phần của Chương trình Hạt nhân Hải quân (Navy Nuclear Program - PNM) Brazil, chính thức khởi đóng từ năm 2018, dự kiến được hạ thủy vào năm 2031. 

Công tác lắp ráp Álvaro Alberto do Trung tâm Thí nghiệm Aramar của Brazil (Centro Experimental de Aramar) thực hiện. Kỷ niệm thời điểm bắt đầu lắp ráp Lò phản ứng hạt nhân nguyên mẫu của Chương trình PNM đã được tổ chức ngày 21/10/2020, tại tổ hợp Phòng thí nghiệm Năng lượng Hạt nhân (Nuclearelectric Generation Laboratory - LABGENE) ở Iperó, São Paulo.

Chương trình tàu ngầm PROSUB đầy tham vọng của Brazil - Ảnh 4.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân SN-BR “Álvaro Alberto” của Brazil; Nguồn: freerepublic.com

Theo Bộ Quốc phòng Brazil, việc tích hợp lò phản ứng và tất cả các bộ phận liên quan, động cơ điện đẩy, đã được thực hiện trong một thân tàu mô phỏng khoang lò phản ứng của chiếc tàu ngầm tương lai Álvaro Alberto. 

Lượng choán nước của tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân này của Hải quân Brazil sẽ là 6.000 tấn với chiều dài 100m, và chiều rộng 9,8m. Álvaro Alberto có thể đạt tốc độ tối đa 25 hải lý/giờ và lặn ở độ sâu 350m, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, cũng như tên lửa hành trình chống hạm và tấn công mặt đất. 

Việc hạ thủy tàu ngầm hạt nhân "Alvaro Alberto" ban đầu được lên kế hoạch diễn ra vào năm 2023, nhưng sau đó bị hoãn lại đến năm 2025 và mốc thời gian gần nhất là năm 2031. Theo kế hoạch hiện tại, con tàu sẽ được bàn giao cho Hải quân Brazil vào năm 2032.

PNM và PROSUB là một phần của Chương trình Quốc phòng Brazil nhằm nâng cao năng lực thiết kế, đóng, vận hành và bảo dưỡng tàu ngầm và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của đất nước. 

Thực hiện thành công chương trình, Brazil sẽ lọt vào danh sách số ít các quốc gia có năng lực này gồm Mỹ, Nga, Vương quốc Anh, Pháp và Trung Quốc. SN-BR kết hợp của 4 tàu ngầm lớp Riachuelo sẽ nâng cao năng lực của Hải quân để đối phó hiệu quả với thách thức to lớn trong việc kiểm soát và bảo vệ “Amazon xanh” tiếp giáp với một phần ba biên giới lãnh thổ Brazil./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại