Trong bài bình luận có tựa đề "The unwritten rules governing Russia-Turkey brinkmanship" tạm dịch "Các quy tắc bất thành văn chi phối mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ", kênh tin tức TRT World của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng mặc dù Moscow và Ankara thường xuyên xảy ra mâu thuẫn về nhiều vấn đề nhưng có một nghịch lý là những căng thẳng này không dẫn đến đối đầu hay thù địch giữa hai nước.
Cũng theo bài viết của TRT World, Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành thách thức lớn nhất đối với ảnh hưởng của Nga trên thế giới chỉ sau một năm. Cả hai nước đều trong tình trạng đối đầu ở những điểm nóng như Syria, Libya và mới đây là Nagorno-Karabakh.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào cuộc xung đột Nagorno-Karabakh đang khiến Nga cảm thấy ảnh hưởng của họ ở khu vực Caucasus bị đe dọa. Ảnh: The Moscow Times.
TRT World cho rằng, dưới cách nhìn của Moscow, Ankara là đối thủ cạnh tranh lớn nhất trên con đường mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông và khu vực Biển Đen.
Ở chiều hướng ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tỏ ra ngại khi Nga tăng cường quan hệ với cộng người người Kurd ở Trung Đông. Ankara phản ứng lại bằng cách không công nhận bán đảo Crimea là của Moscow.
Quay lại với cuộc chiến ở Syria, để có được sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga buộc phải làm ngơ cho các nhóm phiến quân thánh chiến được Ankara hậu thuẫn ở Idlib, bất chấp điều này gây ảnh hưởng đến cuộc chiến chống khủng bố của Moscow cũng như đồng minh Syria.
Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh khiến Nga cảm thấy không hài lòng. Moscow đã có phản ứng ngay lập tức bằng các cuộc không kích nhằm vào một cơ sở dầu mỏ của phe đối lập Syria ở gần Jerablus, tỉnh Aleppo và một cuộc duyệt binh của Quân đội Quốc gia Syria (SNA) ở Idlib, gây ra thiệt hại nặng cho lực lượng thân Ankara trong khu vực.
Qua cuộc không kích trên Nga muốn nói rõ với Thổ Nhĩ Kỳ về lập trường của họ đối với tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan, cũng như lợi ích của Nga ở khu vực Caucasus.
Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều hiểu rằng đối thoại là cần thiết và đối đầu sẽ không dẫn đến bất cứ điều gì tốt đẹp. Vì vậy, những mâu thuẫn nảy sinh giữa hai nước có thể được coi một cuộc đấu trí dài hơi, nơi mỗi bên đều cố gắng giành chiến thắng cũng như muốn duy trì mối quan hệ với bên kia.
Bài viết của TRT World cũng nhận định sự khác biệt về chính trị không ngăn cản Moscow và Ankara xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh tế. Các dự án năng lượng chung như Blue Stream, Turkish Stream và Akkuyu NPP đã trở thành "lá chắn" bảo vệ quan hệ giữa hai nước.
Xa hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn mua hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumph của Nga, giúp cả hai mở rộng hợp tác quân sự-kỹ thuật điều tưởng chừng như không thể xảy ra.