Chúng ta vẫn còn rất may mắn với Covid-19: Nhận định khó tin nhưng thuyết phục khi biết lý do đằng sau

J.D |

Đây là nhận định của các chuyên gia từ Mỹ, dựa trên đặc tính của chính loại virus này.

*Bài viết thể hiện quan điểm theo nghiên cứu đăng tải trên trang Nature

Đại dịch Covid-19 đã gây ra cơn khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu với hơn 107 triệu ca nhiễm, và cùng với đó là vô số những nỗi đau. Nhưng chúng ta vẫn còn gặp may, vì đó "chỉ" là Covid-19 mà thôi.

Thật khó có thể tưởng tượng rằng sẽ có một dịch bệnh còn kinh khủng hơn Covid-19 đang chờ đợi chúng ta ở tương lai, nhưng với các nhà khoa học, đó là một tương lai nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Chúng ta vẫn còn rất may mắn với Covid-19: Nhận định khó tin nhưng thuyết phục khi biết lý do đằng sau - Ảnh 1.

Rất lâu trước khi ca Covid-19 đầu tiên được xác nhận và con người biết đến sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, giới khoa học đã ý thức được rằng sẽ có một mầm bệnh chết người đang lẩn khuất đâu đó mà loài người chưa biết tới. Mà nếu thất bại trong việc chuẩn bị, chúng ta có thể phải đối mặt với cái chết của hàng triệu người.

Tương lai ấy nghe thật ảm đạm, nhưng nó lại đến với một bức tranh khá rõ ràng, với Covid-19. Đại dịch ấy gần như ứng với mọi thứ mà khoa học nhận định. Sau một thời gian con người liều lĩnh can thiệp vào tự nhiên, tự đưa mình vào vị thế tiếp xúc với nhiều mầm bệnh vốn tồn tại trong động vật hoang dã, một đại dịch như vậy là khó tránh khỏi (ngay cả khi nguồn gốc của Covid-19 vẫn chưa được làm rõ).

Điều đáng nói hơn cả là sau tất cả những gì đã xảy ra, tình thế vẫn chẳng có gì thay đổi. Dù Covid-19 đã xuất hiện, chúng ta vẫn dễ bị tấn công bởi các biến chủng của nó - chưa tính đến những đại dịch trong tương lai. Điều này bắt buộc nhân loại phải tiến hành nghiên cứu và chuẩn bị vaccine để ngăn ngừa những thảm họa có thể xảy tới.

Chúng ta vẫn còn rất may mắn với Covid-19: Nhận định khó tin nhưng thuyết phục khi biết lý do đằng sau - Ảnh 2.

Nghĩa trang tập thể tại Brazil

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature, các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Scripps (San Diego, California) biện luận rằng chính phủ và các tổ chức tư nhân cần sớm đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển một loại kháng thể diện rộng. Nghĩa là, cần một loại protein có khả năng chống lại nhiều chủng virus khác nhau.

"Kháng thể ấy sẽ được dùng làm loại thuốc đầu tiên để ngăn cản hoặc chữa trị khi dịch bệnh xảy ra, ngay cả khi các chủng bệnh mới chưa xuất hiện," - Dennis Burton, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

"Quan trọng hơn, chúng còn được dùng để tạo ra vaccine, phòng được nhiều chủng virus khác nhau nữa."

Đặc biệt, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng chúng ta đã khá may mắn với Covid-19. Nguyên nhân là vì SARS-CoV-2 sở hữu các gai protein để gắn vào tế bào - một cơ chế giúp cho việc tạo vaccine trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên trong tương lai, chúng ta có thể không gặp may như vậy nữa.

"Dịch bệnh kế tiếp có thể sẽ rất khó để ngăn chặn," - các nhà nghiên cứu nhận định. "Vaccine sẽ tốn nhiều thời gian hơn để hoàn thành. Ngay cả Covid-19 cũng gây trở ngại, do sự xuất hiện của các biến chủng mới."

Một cách để ngăn chặn tình trạng này là tạo ra một loại vaccine có kháng thể trung hòa, cho phép tấn công các chủng virus phổ biến - bao gồm cả SARS-CoV-2, HIV, Ebola, MERS...

Việc tạo ra kháng thể như vậy không phải điều dễ dàng, đòi hỏi đầu tư rất nhiều thời gian lẫn tiền bạc. Tuy nhiên nếu thành công, kết quả sẽ vượt trội hoàn toàn so với những gì phải bỏ ra. Các chuyên gia ước tính để đến được giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, mỗi loại virus phải ngốn khoảng 100 đến 200 triệu USD trong suốt nhiều năm. Và như với Covid-19, thiệt hại trước khi tạo ra vaccine đã lên tới hàng nghìn tỉ đô.

"Không giống như việc phản ứng khi mầm bệnh mới xuất hiện, đề xuất của chúng tôi là thực hiện các dự án với quy mô lớn ngay từ thời điểm này," - nhóm chuyên gia giải thích.

"Sẽ có những mầm bệnh trong tương lai, và có thể trở thành dịch bệnh. Chúng ta phải ngăn cản trước khi chúng trở thành đại dịch."

Nguồn: Science Alert


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại