Theo trang Zee News (Ấn Độ) ngày 18/7 đưa tin, Chuẩn đô đốc SV Bhokare - chỉ huy hạm đội Phương Đông của Hải quân Ấn Độ - khẳng định mặc dù New Delhi chủ trương hòa bình, song nước này sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia khác nếu "gặp rắc rối".
Ông Bhokare phát biểu ở cảng Klang, Malaysia: "Nếu bất kỳ quốc gia nào cần sự hỗ trợ của chúng tôi trong vấn đề an ninh hàng hải và cứu trợ nhân đạo thì chúng tôi rất sẵn lòng."
Ba tàu hải quân Ấn Độ, gồm Sahyadri, Shakti và Kirch, đang có mặt ở Malaysia để tham gia cuộc tập trận chung với Hải quân Hoàng gia Malaysia.
Đề cập diễn biến tình hình biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) The Hague hôm 12/7, Đô đốc Bhokare cho biết Ấn Độ đã sẵn sàng cho những tình huống khó lường phát sinh.
"Khi chiến hạm của chúng tôi ra biển, điều đó có nghĩa chúng tôi sẵn sàng tấn công bất cứ ai tấn công chúng tôi trước," ông nói.
Zee News cho hay, tuyên bố của ông Bhokare được cho là lời cảnh báo nhằm vào Trung Quốc.
Bắc Kinh đã tỏ thái độ bất mãn sau phán quyết của PCA và tuyên bố "dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông", đồng thời trắng trợn đe dọa "Trung Quốc có quyền lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông".
Phán quyết của PCA đã bác hỏ hoàn toàn cái mà Trung Quốc gọi là "quyền lịch sử" đối với biển Đông, cũng như căn cứ pháp lý của yêu sách chủ quyền "Đường 9 đoạn".
Truyền thông Trung Quốc quay sang đổ lỗi cho Mỹ "gây căng thẳng" ở biển Đông, và khẳng định với người dân nước này rằng Ấn Độ nằm trong số quốc gia "ủng hộ lập trường của Bắc Kinh sau phán quyết PCA".
Trong khi đó, theo Zee News, chính phủ Ấn Độ đã nêu rõ quan điểm thừa nhận phán quyết của PCA được đưa ra nằm trong quy định thẩm quyền của Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), và "phải được tôn trọng".
"Đối với chúng tôi, đây không phải là vấn đề ủng hộ hay chống lại một quốc gia nào đó," người phát ngôn Bộ ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup nói.
Trước đó, theo tờ Indian Express, phán quyết PCA cho phép tàu chiến của Hải quân Ấn Độ đi qua khu vực biển Đông theo quy định trong UNCLOS mà không cần thông báo cho phía Trung Quốc.
Trước khi có phán quyết, Trung Quốc đã lợi dụng yêu sách vô giá trị "Đường 9 đoạn" để buộc Ấn Độ phải thông báo cho Bắc Kinh mọi động thái của các chiến hạm nước này khi đi qua tuyến hàng hải biển Đông.