El País hôm 16/7 đưa tin, tuyên bố của hội nghị đề cập cam kết thúc đẩy an ninh trên biển và tự do hàng hải, đồng thời xây dựng cơ chế tin cậy lẫn nhau, duy trì sự kiềm chế, không đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp căn cứ theo luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Trước khi ASEM diễn ra, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố "không chấp nhận thảo luận tranh chấp chủ quyền ở diễn đàn đa phương", nhằm ngăn chặn vấn đề biển Đông được nêu ra ở hội nghị tại Ulanbator, Mông Cổ này.
Đoàn đại biểu Trung Quốc do Thủ tướng Lý Khắc Cường dẫn đầu chỉ thảo luận tình hình biển Đông trong hội đàm kín với Nga, Nhật và các quốc gia khác.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk thừa nhận "đạt được quan điểm nhất trí với đối tác Trung Quốc của chúng tôi trong vấn đề này (biển Đông) là điều không dễ".
Theo Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo, Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã quyết định hành động "thận trọng" để tránh "chọc giận" Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, theo EFE - hãng thông tấn lớn nhất thế giới sử dụng tiếng Tây Ban Nha, Trung Quốc còn "thoát" việc vấn đề biển Đông được nêu ra ở diễn đàn chung bởi hai sự kiện lớn xảy ra ở châu Âu đúng vào thời gian hội nghị ASEM.
Vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở thành phố Nice, nước Pháp tối 14/7 (giờ địa phương) đã trở thành đề tài tâm điểm ở lễ khai mạc hội nghị ngày 15/7, trong khi vụ âm mưu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ tối 15/7 (giờ địa phương) đã làm nóng ngày bế mạc hội nghị hôm thứ Bảy, 16/7.
Vụ âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ tối 15, rạng sáng 16/7 đã trở thành chủ đề thảo luận nóng nhất tại ASEM. (Ảnh: EPA)
EFE đưa tin, vụ đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành vấn đề thảo luận trọng điểm trước khi ASEM kết thúc, làm thay đổi hoàn toàn những kế hoạch trước đó về thảo luận các vấn đề quốc tế, trong đó có tình hình biển Đông.
Các lãnh đạo và ngoại trưởng các nước thành viên EU tham dự ASEM đã tổ chức riêng một hội nghị về Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời ra tuyên bố chung chỉ trích âm mưu đảo chính.
EFE bình luận, vụ đảo chính đã phân tán tâm điểm ban đầu của xã hội quốc tế, bao gồm tranh chấp trên biển Đông giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, hay vấn đề bán đảo Triều Tiên...
Theo hãng tin này, mặc dù tuyên bố của hội nghị có đề cập các nội dung về giải quyết tranh chấp trên biển, nhưng không nêu cụ thể biển Đông và Trung Quốc. Đây được xem là kết quả Bắc Kinh mong muốn.
Tại ASEM, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng mạnh mẽ về phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Ông Abe "mạnh mẽ kêu gọi các bên tranh chấp ở biển Đông tuân thủ kết quả phán quyết của PCA, nhằm giải quyết vấn đề biển Đông một cách hòa bình".
Phát biểu tại hội nghị, ông Abe chỉ trích gián tiếp Trung Quốc "thách thức trật tự quốc tế" khi tuyên bố không tuân thủ phán quyết của PCA.
Cuộc hội đàm kín giữa ông Abe với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường diễn ra khoảng 35 phút, với chủ đề nổi bật là các tranh chấp hàng hải.
Đáp trả lập trường của Nhật, ông Lý khăng khăng nói rằng quan điểm của Bắc Kinh về biển Đông "hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế".
Thủ tướng Trung Quốc cảnh cáo Nhật Bản "không can dự, thận trọng trong và phát ngôn và hành động về vấn đề biển Đông".