Chưa từng chiến bại, Anh vẫn sốt sắng nâng cấp xe tăng Challenger 2 đối phó T-14 Armata

Lê Ngọc |

Biến thể Challenger 2 LEP có thể coi là sự kết hợp giữa tư duy thiết kế xe tăng truyền thống của Anh và trang bị hỏa lực, điện tử hiện đại đương thời.

Chưa từng chiến bại, Anh vẫn sốt sắng nâng cấp xe tăng Challenger 2  đối phó T-14 Armata - Ảnh 1.

Challenger - dòng tăng đã trở thành huyền thoại

FV4034 Challenger 2 (còn có mật danh "CR2") là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ ba của Anh, được công ty Vickers Defense Systems (nay là BAE Systems Land & Armaments) phát triển vào năm 1986, dựa trên nguyên mẫu Challenger 1 bằng thiết kế đột phá với phần lớn các bộ phận được cải tiến, chỉ khoảng 3% linh kiện có thể hoán đổi cho nhau.

Được sản xuất hàng loạt từ năm 1993, chính thức có trong biên chế quân đội Anh từ năm 1998 (hơn 400 chiếc), và Oman (38 chiếc - biến thể xuất khẩu Challenger 2E được sa mạc hóa), CR2 từng tham chiến tại Bosnia, Kosovo, Iraq và Afghanistan.

Chưa từng chiến bại, Anh vẫn sốt sắng nâng cấp xe tăng Challenger 2  đối phó T-14 Armata - Ảnh 2.

CR2 từng tham chiến tại nhiều chiến trường. Nguồn: hmsolicitors.co.uk

CR2 dùng pháo 120mm L30A1 rãnh xoắn, tuy có ưu điểm cho sơ tốc đầu nòng cao, bắn chính xác nhưng dễ bị mài mòn, khó chế tạo hơn pháo nòng trơn. Tháp pháo có khả năng quay 360 độ trong 9 giây; pháo chính L30A1 được trang bị nhiều loại đạn.

Một số có thể kể đến như đạn xuyên ổn định bằng cánh đuôi có ốp giữ tự hủy (APFSDS L23); đạn dùng thanh xuyên uranium nghèo (APFSDS L26); và đạn nổ nén (HESH) để tấn công công sự và các xe thiết giáp, tầm bắn đến 8km, đã chứng minh hiệu quả trong các nhiệm vụ chống xung đột, chống khủng bố và gìn giữ hòa bình.

Hỏa lực phụ gồm súng máy đồng trục L94A1 cỡ 7,62mm bên trái tháp pháo với tốc độ bắn 520-550 viên/phút, súng máy L37A2 7.62mm (hoặc cỡ 12,7mm) xe bên trên tháp pháo, có thể điều khiển từ bên trong xe.

Ngoài việc được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến được số hóa trong gói Ứng dụng hệ thống thông tin chiến trường (PBISA) do Công ty Computing Devices của Canada cung cấp, gồm màn hình cho chỉ huy, hệ thống dẫn đường quán tính, CR2 còn được tích hợp hàng loạt hệ thống điện tử hỗ trợ tác chiến, cho phép kíp xe hoạt động hiệu quả hơn.

CR2 dài 8,3m không tính nòng pháo, rộng 3,5m, cao 2,49m, có trọng lượng khoảng 69 tấn (75 tấn với module giáp tăng cường), sử dụng động cơ diesel Perkins CV12 TCA Condor công suất 1.216 mã lực cùng hộp số 8 cấp và hệ thống treo khí nén cho phép đạt tốc độ 60km/h trên đường bằng phẳng, nhiên liệu dự trữ 1.592l cho hành trình 550 km, kíp lái 4 người.

Động cơ của CR2 kém mạnh hơn so với các đối thủ phương Tây, tuy nhiên chiếc xe tăng này nổi tiếng với độ tin cậy cơ học, được mệnh danh là một trong những loại xe tăng chủ lực hiện đại nhất thế giới hiện nay và giữ danh hiệu xe tăng có giáp bảo vệ tốt nhất hành tinh.

Với triết lý hi sinh tính cơ động để tăng cường khả năng bảo vệ kíp lái, Vickers đã phát triển cho CR2 hệ thống giáp phức hợp Chobham thế hệ hai cực kỳ đặc biệt có tên Dorchester, cấu thành từ nhiều lớp vật liệu khác nhau, với công nghệ tuyệt mật mà đến nay vẫn rất khó xác định được thành phần, 

Theo đó mẫu giáp này có khả năng triệt tiêu năng lượng xuyên của đạn chống tăng, vô hiệu hóa hoàn toàn đạn chống tăng nổ lõm (HEAT) - loại vũ khí ác mộng với nhiều xe tăng thiết giáp khác. Thông tin không chính thức tiết lộ, giáp Chobham là vật liệu bền gấp đôi thép, được pha trộn giữa chất liệu sứ và kim loại nên mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều so với giáp đồng chất.

Chưa từng chiến bại, Anh vẫn sốt sắng nâng cấp xe tăng Challenger 2  đối phó T-14 Armata - Ảnh 4.

Chiếc Challenger 2 tiêu chuẩn được phủ tấm ngụy trang cơ động. Nguồn: uklandpower.com


Trong chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003, không một chiếc CR2 nào bị phá hủy hoàn toàn, trong khi xe tăng M1 Abram của Mỹ đã bị hỏa lực Iraq bắn cháy. Một chiếc CR2 đã hứng chịu 14 phát RPG-7 ở cự ly gần cùng một quả tên lửa chống tăng MILAN gây hư hỏng hệ thống trinh sát.

Sau vụ tấn công kíp lái an toàn sau vụ tấn công, còn chiếc tăng chỉ mất 6 giờ để sửa chữa hệ thống ngắm trước khi trở lại phục vụ. Một CR2 khác cũng bị bắn đến 70 phát RPG-7 gần Basra nhưng vô sự.

Tuy nhiên, tháng 8/2006, phiến quân bằng một phát RPG-29 đã xuyên thủng giáp gầm trước của CR2, khiến cả tổ lái 4 người đều bị thương, trong đó lái xe bị mất cả bàn chân nhưng các quả đạn pháo trong xe không bị kích nổ.

Điều khó tin là chiếc CR2 đó vẫn đi lùi được tới 2,5 km để về vị trí an toàn, bàn giao cho nhân viên kỹ thuật sửa chữa. 

Đáng ngạc nhiên nữa là quả đạn lại bắn trúng phần trước của xe tăng, vượt xa khả năng xuyên thủng của đạn PG-29V, được thiết kế để xuyên thủng các loại giáp phức hợp và ERA với độ dày lên tới 750 mm. Chiếc CR2 duy nhất từng bị tiêu diệt trong chiến đấu do bị bắn nhầm bởi... một chiếc CR2 khác.

Nhưng vẫn cần được nâng cấp

Nhằm đối phó việc Nga sản xuất hàng loạt xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M Proryv-3, T-14 Armata và đòi hỏi của chiến trường ngày càng cao, Bộ Quốc phòng Anh đã triển khai dự án kéo dài vòng đời CR2 mang tên Challenger-2 Life Extension Project (CR2 LEP) với BAE Systems và Rheinmetall Landsysteme (Đức). 

Đây cũng là liên doanh đã đánh bại dự thầu của các tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ), CMI Defence (Bỉ) và RUAG (Thụy Sĩ), để cho ra đời phiên bản CR2 nâng cấp có biệt danh Black Night.

Trong quá khứ, Anh từng vài lần đưa ra kế hoạch nâng cấp xe tăng CR2 nhưng vì lý do tài chính, việc nâng cấp liên tục bị trì hoãn. Với tổng trị giá gói thầu khoảng 700 triệu Bảng, Quân đội Anh đã quyết định sẽ chỉ đại tu và nâng cấp 148/227 xe tăng CR2 do hạn chế về chi phí. 

Những chiếc xe tăng còn lại sẽ được sử dụng để lấy linh kiện thay thế mặc dù một vài chiếc vẫn có thể sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp.

Với lợi thế kinh nghiệm trong lĩnh vực tăng-thiết giáp và đang thực hiện ít nhất 2 hợp đồng nâng cấp xe tăng Leopard-2, Rheinmetall khẳng định gói nâng cấp xe tăng CR2 cho Quân đội Anh không chỉ có mục đích kéo dài niên hạn sử dụng của chúng, mà còn nâng cấp khả năng chiến đấu mẫu xe tăng nặng gần 70 tấn này tương đương các dòng MBT hiện đại nhất trên thế giới.

Chưa từng chiến bại, Anh vẫn sốt sắng nâng cấp xe tăng Challenger 2  đối phó T-14 Armata - Ảnh 5.

Diện mạo của CR2 LEP (sau nâng cấp). Nguồn: janes.com


Pháo chính rãnh xoắn cỡ 120 mm bắn đạn liều rời, không có khả năng sử dụng các loại đạn hiện đại của CR2 được Rheinmetall thay bằng pháo nòng trơn Rh-120 L55A1 có cùng cỡ nòng 120 mm, sử dụng liều phóng liền, được dùng trên biến thể Leopard 2A7+ mới nhất, có thể sử dụng đạn chống tăng dưới cỡ tiêu chuẩn NATO hay đạn nổ phá mảnh mang kíp nổ có điều khiển. 

Ưu điểm của khẩu pháo này đó là có sơ tốc đầu nòng cực cao, đạn bay rất căng và độ chính xác vượt trội nhiều so với pháo rãnh xoắn. Nhờ tích hợp pháo mới, CR2 có thể sử dụng các loại đạn đặc chủng công nghệ cao với đầu nổ đa dạng, được lắp ngòi điện tử định tầm, sức mạnh hỏa lực cao gấp nhiều lần.

Đạn dược được lưu trữ trong khoang riêng biệt phía sau với các tấm ngăn cách giữa khoang điều khiển giống như thiết kế khoang chứa đạn trên chiếc Abrams (Mỹ), cơ số đạn trong xe lên tới 50 viên. Với thiết kế nòng trơn hiện đại và tinh vi hơn rất nhiều.

Rh-120 có thể đạt tầm bắn xa hơn, tối đa lên tới 4.000m khi bắn đạn thông thường, có khả năng triển khai tên lửa chống tăng với tầm bắn tối đa 8.000m (với tên lửa LAHAT), cho phép CR2 tăng sức chiến đấu và khả năng diệt tăng trên chiến trường. 

Với pháo Rh-120, tháp pháo của CR2 cũng được làm lại với kích thước lớn hơn, hai thành bên được làm dựng đứng gần như hoàn toàn, có thể cài đặt các hệ thống bổ sung như tổ hợp bảo vệ chủ động (APS), mà không làm tăng khối lượng tổng thể hoặc giảm mức độ bảo vệ bên trong.

Với biệt danh “Black Night”, CR2 được tích hợp hai hệ thống nhìn đêm độc lập, cho phép xạ thủ tập trung vào một mục tiêu trong khi chỉ huy xác định các mục tiêu khác cùng một lúc. Các nâng cấp khác bao gồm các hệ thống bảo vệ bằng laser và tên lửa, công nghệ hình ảnh nhiệt và tìm nguồn điện tái tạo và phá vỡ... 

Ngoài ra, CR2 còn được tái trang bị hệ thống hỗ trợ quan sát quang-ảnh nhiệt hoàn toàn mới giúp cung cấp góc nhìn toàn cảnh phía ngoài xe và quan trọng nhất là tăng khả năng phát hiện sớm và khóa mục tiêu.

Phiên bản CR2 nâng cấp vừa được ra mắt tại Triển lãm Thiết bị Quốc phòng và An toàn Quốc tế London 9/2019 còn có thay đổi trong thiết kế phần vỏ giáp mặt trước với một lớp nhám phủ lên phía trên nhằm mục đích làm sai lệch các thiết bị điện tử của đối phương. 

Tuy vậy, hệ thống tháp pháo với thiết kế kiểu mới vẫn bị đánh giá là "kém" khi nó gần như chắn hoàn toàn lối ra vào của lái xe - rất nguy hiểm trong trường hợp cần thoát khỏi xe khẩn cấp.

CR2 LEP có thể coi là sự kết hợp giữa tư duy thiết kế xe tăng truyền thống của Anh và trang bị hỏa lực, điện tử hiện đại đương thời. Theo các chuyên gia, dù là quốc gia khai sinh và sử dụng xe tăng đầu tiên trên thế giới nhưng công nghệ chế tạo xe tăng hiện tại của Anh đang dần trở nên lạc hậu so với một số quốc gia Châu Âu khác, chưa nói tới Nga hay Mỹ. 

Quân đội Anh cần có một chính sách phát triển dài hơi hơn cho lực lượng tăng thiết giáp của mình chứ không nên chỉ dừng lại ở kế hoạch nâng cấp CR2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại