Chưa hết lo nhiễm cúm A/H1N1!

Kim Đồng |

Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM đã phát hiện hàng chục trường hợp người dân bị nhiễm cúm A/H1N1. Đã có 3 trường hợp bệnh nhân tử vong. Mặc dù các bác sĩ đã khuyến cáo, các bệnh viện triển khai xử lý kịp thời, không để tình trạng dịch bệnh lây lan, tuy nhiên, nhiều người dân tại TPHCM vẫn cảm thấy lo lắng.

3 người tử vong do cúm A/H1N1

Đầu tháng 6, các bác sĩ Khoa Nội soi - BV Từ Dũ phát hiện nhiều trường hợp là bệnh nhân, thân nhân người bệnh, nhân viên y tế có các triệu chứng sốt, đau mỏi cơ, xét nghiệm đã xác định 16 người dương tính với cúm A/H1N1.

Đến ngày 2.6, tại BV này đã có 28 người có biểu hiện nhiễm cúm, trong đó có 8 nhân viên y tế,… BV Từ Dũ tiến hành cách ly, điều trị và cho uống thuốc dự phòng đối với 83 người có lui tới Khoa Nội soi trong mấy ngày trước đó.

Sau khi dịch cúm tại BV này được khống chế thì tại một BV khác trên địa bàn lại xuất hiện dịch cúm…

Cụ thể, thông tin từ BV Chợ Rẫy cho biết, trước đó ngày 11.6, tại khoa Nội Thận BV này phát hiện 4 bệnh nhân đang điều trị có biểu hiện lâm sàng tương tự nhiễm cúm.

Những trường hợp này được cách ly tại khoa Bệnh nhiệt đới, điều trị với thuốc kháng virus và tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và kết quả xét nghiệm xác nhận 4 bệnh nhân này nhiễm cúm A/H1N1.

Ngoài ra, BV này cho biết, trong số 17 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm tại khoa Nội Thận được cách ly và tầm soát thì có 10 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1.

Tính từ ngày 20.6 đến ngày 28.6, tại khoa Nội Thận không phát hiện thêm trường hợp mới nào bị nhiễm cúm. Bên cạnh đó, BV Chợ Rẫy còn tiếp nhận và điều trị cho 13 bệnh nhân khác…

Các bệnh nhân này nhập viện từ khoa Cấp cứu, khoa Khám bệnh do nghi ngờ nhiễm cúm và cũng được cách ly tại khoa Bệnh nhiệt đới và có 5 bệnh nhân xác định nhiễm cúm A/H1N1.

Hiện nay, tại khoa Bệnh nhiệt đới chỉ còn điều trị cho một bệnh nhân bị cúm A/H1N1 đang thở máy và 3 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm đang được theo dõi.

Tại TPHCM, tính đến nay đã có ít nhất 3 người tử vong do cúm A/H1N1, trong đó BV Chợ Rẫy có bệnh nhân N.T.V (46 tuổi, ngụ quận Bình Tân) nhiễm cúm A/H1N1 nặng xin về gia đình ngày 24.6 và đã tử vong.

Một bệnh nhân khác tử vong do viêm phổi nặng suy hô hấp, suy thận mạn giai đoạn cuối, đồng thời dấu hiệu nhiễm cúm A/H1N1.

Trước đó, vì dịch cúm, một bệnh nhân nữ (26 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) tử vong vào ngày 30.5 tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Chưa hết lo nhiễm cúm A/H1N1! - Ảnh 1.

Rất ít bệnh nhân, người thân có mặt tại phòng chờ khám bệnh đeo khẩu trang. Ảnh: K.Đ

Chưa hết lo nhiễm cúm A/H1N1! - Ảnh 2.

Bệnh nhân tiêm phòng cúm A/H1N1 tại các trung tâm tiêm chủng.

Người bệnh và thân nhân vẫn thờ ơ với dịch cúm

Trước tình hình dịch cúm có nguy cơ lây lan, BV Chợ Rẫy đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch như: Xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch bệnh tại BV; thực hiện các quy trình phối hợp các chuyên khoa/phòng khi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm cúm….

Tổ chức thực hiện cách ly, khoanh vùng quản lý những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm; tăng cường công tác truyền thông về biện pháp phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế, cách phòng ngừa nhiễm bệnh cho thân nhân bệnh nhân…

Để tuyên truyền cho bệnh nhân và thân nhân về dịch cúm, bệnh viện đã chủ động chiếu thông tin về bệnh cúm A/H1N1, cách phòng bệnh trên 12 màn hình LCD thông báo của BV tại khu vực sảnh bệnh viện, các khoa phòng.

Song, mặc dù công tác tuyên truyền cho bệnh nhân cũng như thân nhân đã được tăng cường nhưng một vài người bệnh và thân nhân họ vẫn chủ quan.

Tại khu vực sảnh của một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM, chỉ có một vài bệnh nhân đeo khẩu trang y tế trong thời gian chờ đợi gọi tên làm thủ tục… thậm chí, khi hỏi về dịch cúm A/H1N1 khiến 3 người tử vong, một vài người cho biết, họ không biết thông tin đó.

Một bệnh nhân có mặt tại phòng chờ khám bệnh tại một bệnh viện cho rằng, anh có nghe thông tin cúm A/H1N1 xuất hiện ở một vài BV TPHCM, tuy nhiên khi đến khám bệnh, thấy nhiều người không đeo khẩu trang… đứng chờ ở sảnh nên anh cũng không đeo.

TS-BS Lê Quốc Hùng (Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy) cho biết, cúm A/H1N1 tại BV là chùm ca bệnh đầu tiên tại BV Chợ Rẫy với số lượng bệnh không ít, đồng loạt xảy ra trong khoảng thời gian ngắn.

Tuy nhiên, thời điểm này bắt đầu mùa mưa, là đỉnh điểm của dịch cúm, xuất hiện chùm ca bệnh là dễ hiểu... Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày có khoảng 20.000 người bao gồm bệnh nhân nội - ngoại trú, nhân viên y tế và thân nhân đi lại, việc lây lan rất dễ dàng.

“Chùm ca bệnh này có thể xảy ra bất cứ cơ sở y tế nào, vấn đề là phải phát hiện sớm, ngăn chặn ngay, không để từ chùm ca bệnh trở thành dịch thì khó ngăn ngừa.

Hiện nay, về cơ bản bệnh viện đã tạm thời khống chế được dịch cúm này, không xuất hiện thêm một ca nhiễm cúm mới nào trong 2 tuần qua…” - bác sĩ Hùng nói.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I), cần chủ động phát hiện sớm các ca bệnh có dấu hiệu bị cúm để điều trị kịp thời.

Đặc biệt, các ca bệnh xuất hiện ở những khoa đang điều trị bệnh nhân suy giảm miễn dịch như khoa chạy thận nhân tạo, khoa tim mạch… nếu bị lây nhiễm sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy bệnh viện có nhiều biện pháp để phát hiện sớm sẽ giúp cách ly, ngăn chặn lây lan.

Theo các chuyên gia y tế, TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam hiện đang ở thời điểm mùa mưa nên người dân thường bị cúm mùa, cúm A/H1N1 này cũng là một dạng cúm mùa nên không cần quá lo lắng, nhưng vẫn phải tự phòng tránh để khỏi bị lây lan ra cộng đồng.

Đặc biệt, cúm A/H1N1 lại có nguy cơ tử vong đối với những cơ địa đặc biệt, vì miễn dịch họ kém, phổi yếu, sức đề kháng không cao nên dễ nhiễm trùng thông thường. Nếu nhiễm cúm này, người bệnh sẽ bị bội nhiễm vi rút thông thường, khiến cho bệnh nặng thêm và có khả năng biến chứng, nguy cơ tử vong rất cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại