Theo y học cổ truyền, hoắc hương có vị cay, mùi thơm hắc, tính hơi ấm, có tác dụng làm mạnh dạ dày - ruột, giúp sự tiêu hóa, hành khí, giảm đau.
Lá có tác dụng hạ nhiệt thường dùng chữa cảm mạo trúng nắng, nhức đầu, sổ mũi, đau mình, ợ khan, hôi miệng…
Hoắc hương còn có tên là hợp hương, tô hợp hương, linh lung hoắc khử bệnh thuộc cây thảo sống lâu năm, thân vuông, màu nâu, có lông dày mịn.
Lá mọc đối, phiến lá hình trứng, mép có răng cưa to, có lông ở cả hai mặt. Hoa màu hồng tím nhạt, mọc thành bông ở nách lá hay ở ngọn cành.
Quả bế, có hạt cứng. Cây có hoa, quả vào tháng 5 - 6. Bộ phận dùng làm thuốc của hoắc hương là cả cây, nhất là lá, thu hái khi trời khô ráo, loại bỏ lá sâu hay lá già úa, đem phơi nắng nhẹ hay sấy ở nhiệt độ 40 - 45oC đến khô. Có thể cất tinh dầu từ lá tươi để dùng.
Hoắc hương, gừng tươi... có tác dụng chữa cảm nắng.
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian
Bài 1: Chữa ăn không tiêu, sôi bụng: Hoắc hương, thạch xương bồ, hoa đại 1 mỗi vị 12g, vỏ bưởi đào (sao cháy) 6g. Tất cả tán thành bột trộn đều.
Mỗi lần uống 2g với nước chè nóng trước bữa ăn nửa giờ. Ngày uống 3 lần, dùng liền 3 ngày.
Bài 2: Chữa tiêu chảy do ăn đồ sống lạnh: Hoắc hương 12g, cát căn 12g; nụ sim, đậu ván trắng; sa nhân, mộc hương mỗi vị 8g; cam thảo 4g; gừng nướng 3 lát. Tất cả sắc với 500ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng liền 3 ngày.
Bài 3: Chữa cảm nắng, ho, người đau nhức: Hoắc hương, tía tô, hương nhu mỗi thứ 1 nắm nhỏ, lá chanh, cam thảo đất mỗi vị 8g, chua me đất 10g, gừng 3 lát.
Tất cả sắc với 700ml nước còn 200ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng liền 5 ngày.
Bài 4: Chữa cảm cúm, nhức đầu, mệt mỏi: Hoắc hương 6 - 12g sắc với 500ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng liền 3 ngày.
Có thể phối hợp với các vị thuốc khác như lá chanh, gừng, chua me đất, cam thảo đất sắc uống như trên.
Bài 5: Chữa hôi miệng: Hoắc hương và bạc hà - mỗi thứ 5g, hãm nước sôi, súc miệng nhiều lần trong ngày hoặc có thể ngậm ít một rồi nuốt.
Kiêng kỵ: Người cơ thể gầy yếu, thiếu máu, tăng huyết áp, ngủ kém, đại tiện khó, tiểu tiện ít và vàng đỏ, không nên dùng.