Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết ông không kêu gọi các bên hành động quân sự, nhưng nhấn mạnh cần phải tăng cường thực thi luật pháp quốc tế.
"Vào cuối năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống [Barack] Obama rằng họ (Trung Quốc) sẽ không quân sự hóa trên các đảo [ở biển Đông]. Vậy mà giờ đây chúng ta nhìn thấy những đường băng dài 10.000 foot (hơn 3km), các cơ sở tích trữ đạn dược, và các trang thiết bị phòng thủ tên lửa, phòng không được triển khai đều đặn," ông Dunford nói trong bài phát biểu về an ninh và quốc phòng Mỹ tại Viện Brooking.
"Rõ ràng là họ đã từ bỏ cam kết đó (không quân sự hóa biển Đông)."
"Theo đánh giá của tôi, biển Đông không chỉ là những đống đá," tướng Mỹ nói, đề cập các thực thể bị Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý, xâm chiếm và mở rộng trái phép để cho phép lưu trú các lực lượng quân sự cùng máy bay cỡ lớn.
"Những điều đang bị đe dọa ở biển Đông và những nơi có yêu sách chủ quyền như thế là các chuẩn mực, quy tắc quốc tế, luật pháp quốc tế và việc thực thi luật pháp," ông nói. "Khi chúng ta bỏ qua những hành vi không tuân thủ quy định, quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế, thì chúng ta đã tạo ra một tiêu chuẩn mới."
"Điều cần thực hiện... là hành động tập thể rõ ràng nhằm vào những bên vi phạm quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Họ cần phải chịu trách nhiệm bằng cách nào đó, nhằm ngăn chặn những vi phạm trong tương lai."
Cho đến nay, Washington dường như thất vọng bởi những nỗ lực đã đưa ra chưa thể ngăn chặn sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh trên biển Đông. Hải quân Mỹ tiến hành thường xuyên và định kỳ các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) qua biển Đông, và tướng Dunford xác nhận hoạt động xây cất phi pháp của Trung Quốc trên các thực thể chiếm đóng đã bị chậm lại.
Tuy nhiên, ông nói, "Tôi cho rằng điều đó là bởi vì các đảo [nhân tạo] hiện đã được phát triển tới mức đủ khả năng quân sự theo yêu cầu mà Trung Quốc đặt ra".
Trong tháng này, hai tàu khu trục USS Preble và USS Chung Hoon của Mỹ đã di chuyển vào vùng nước 12 hải lý của Đá Gạc Ma và Đá Ga Ven, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm thách thức yêu sách chủ quyền và hoạt động cải tạo, quân sự hóa trái phép của Bắc Kinh trên những thực thể này.