Học giả Euan Graham, người có mặt trên chiến hạm HMAS Canberra của hải quân hoàng gia Australia trên hải trình từ Việt Nam tới Singapore, cho biết tia laser được bắn ra từ những tàu cá di chuyển qua ngang qua, trong khi tàu Canberra bị đeo bám bởi một tàu chiến của Trung Quốc.
Trước đó, chuẩn tướng Australia Richard Owen hôm 27/5 xác nhận tàu Canberra thuộc hải quân hoàng gia nước này đã bị tàu chiến Trung Quốc đeo bám hai lần khi di chuyển qua vùng nước phía bắc và phía nam biển Đông hồi đầu tháng.
"Có phải là những ngư dân đã giật mình và phản ứng trước tình huống bất ngờ? Hay đó là một vụ phối hợp quấy rối làm liên tưởng đến lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc? Khó có thể nói chắc chắn, nhưng các sự cố tương tự đã xảy ra ở Tây Thái Bình Dương," ông Graham viết trên website The Strategist do Viện chính sách chiến lược Australia điều hành.
Thông tin của Euan Graham về vụ việc được đưa ra hôm thứ Ba, 28/5.
Cho đến nay, phương Tây đã cáo buộc Trung Quốc duy trì lực lượng dân quân trên biển hùng hậu tại biển Đông, bao gồm các tàu cá được trang bị đủ để thực thi nhiệm vụ tác chiến. Bắc Kinh áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý đối với hơn 80% diện tích vùng biển quốc tế trên biển Đông, và thường tỏ ra nhạy cảm khi các tàu chiến nước ngoài thực thi quyền tự do hàng hải trong khu vực - đặc biệt là tàu của Mỹ và các nước đồng minh như Australia.
Những sự cố tương tự mà ông Graham đề cập, có liên quan đến quân đội Trung Quốc và việc sử dụng tia laser, đã được ghi nhận ở Djibouti - nơi cả Mỹ và Trung Quốc có cơ sở quân sự. Hồi năm ngoài, Mỹ đã khiếu nại đến Trung Quốc sau khi xảy ra vụ việc tia laser nhắm vào máy bay ở khu vực này, khiến hai phi công Mỹ bị thương nhẹ.
Trung Quốc phủ nhận thông tin lực lượng của nước này nhắm vào máy bay Mỹ.
Ông Graham cho biết các trao đổi thông tin giữa Australia với Trung Quốc trên biển Đông là lịch sự. Phía Trung Quốc yêu cầu các tàu chiến Australia thông báo trước cho họ về bất kỳ điều chỉnh nào trong hành trình.
Học giả này đánh giá, sự hiện diện thường trực của các tàu thuyền Trung Quốc xung quanh tàu nước ngoài dường như là dấu hiệu cho thấy hạm đội của Trung Quốc đã phát triển đến quy mô đủ để cho phép họ duy trì lượng tàu bè sẵn sàng đợi lệnh hành động.
Ông cũng nhận định, việc tàu Trung Quốc đeo bám tàu Mỹ còn thể hiện khả năng giám sát của Trung Quốc đã trở nên thành thục, và được hỗ trợ bằng các công nghệ đặt tại những địa điểm quan trọng như Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp).