Ngày 5/6, bác sĩ chuyên khoa mắt Bùi Tiến Hùng, chồng của Diva Thanh Lam đã đánh dấu “Hành trình vững vàng - Cán mốc 5.000 ca Phakic ICL”. Đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hành nghề y hơn 35 năm qua của bác sĩ Hùng. Ngoài ra ông còn thực hiện thành công phẫu thuật cho 30.000 ca đục thuỷ tinh thể; 25.000 ca cận thị bằng Laser.
Bác sĩ Bùi Tiến Hùng là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhãn khoa tại Việt Nam. Với hơn 5.000 ca phẫu thuật Phakic ICL thành công, bác sĩ Hùng đã được vinh danh với giải thưởng Award 5.000 - giải thưởng danh giá của Staar Surgical nhằm tôn vinh những bác sĩ và trung tâm phẫu thuật xuất sắc nhất trong việc sử dụng và phát triển công nghệ ICL trên toàn thế giới. Đây là một thành tựu quan trọng, đánh dấu sự cống hiến và nỗ lực không ngừng của bác sĩ Hùng trong việc cải thiện tầm nhìn cho nhiều bệnh nhân.
Phương pháp này đã có mặt ở Việt Nam từ cách đây hơn 10 năm. Một trong những bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam áp dụng phẫu thuật Phakic ICL cho bệnh nhân cận thị là bác sĩ Bùi Tiến Hùng.
Từ năm 2002 tới nay ông là Phó Chủ tịch APBA (tổ chức phi chính phủ về phòng chống mù loà châu Á) tại Việt Nam.
Chia sẻ thêm về cách chăm sóc mắt trong cộng đồng, bác sĩ Bùi Tiến Hùng cho biết, để bảo vệ mắt, tránh bị các tật khúc xạ, đặc biệt là giảm nguy cơ bị cận thị, ngay từ nhỏ, mắt nên được “hoạt động” tại những nơi có ánh sáng tự nhiên. Trẻ nhỏ nên vận động ngoài trời 2 tiếng/ngày, giúp tỷ lệ cận thị rất ít.
Phẫu thuật Phakic ICL là một phương pháp điều trị tật khúc xạ mắt như cận thị, viễn thị và loạn thị bao gồm việc cấy ghép một loại thấu kính nhân tạo vào bên trong mắt, cụ thể là giữa mống mắt và thủy tinh thể tự nhiên, mà không cần phải loại bỏ hoặc thay thế thủy tinh thể tự nhiên của mắt.
Phakic ICL sử dụng thấu kính Collamer, một loại vật liệu sinh học đặc biệt kết hợp collagen, giúp thấu kính tương thích hoàn toàn với mắt và tạo cảm giác tự nhiên nhất cho người sử dụng. Thấu kính Collamer có khả năng chống lại tia UV, giúp bảo vệ mắt khỏi tác hại của ánh sáng mặt trời. Quy trình cấy ghép thấu kính được thực hiện bằng cách tạo một vết mổ nhỏ trên giác mạc, qua đó thấu kính được đưa vào vị trí.