“Khi đến phòng khám, bệnh nhi đã qua thời gian vàng trong cấp cứu. Lúc đó vì thương con quá mà người mẹ đã mất bình tĩnh và rối trí, chỉ biết nằm khóc mà không xử lý ngay lúc đầu cho cháu bé” - BS Cao Văn Tuân, phòng khám GB (huyện Bình Chánh, TP.HCM), nhớ lại thời khắc chạy đua giành lại sự sống cho bé gái 20 ngày tuổi đã ngưng thở.
Trước đó, vào ngày 10-10, bé gái 20 ngày tuổi, ngụ ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh được mẹ cho bú bình no rồi đưa đi tắm liền khiến bé có biểu hiện sặc sữa và ngừng thở. Thấy bé ngưng thở, mẹ và người nhà vội đưa bé đến một nhà thuốc cấp cứu nhưng không được nên chuyển đến phòng khám của BS Tuân.
Xác định tình trạng ngàn cân treo sợi tóc của bệnh nhi, BS Tuân đã lập tức khơi thông đường thở cho cháu bé. May mắn sau khi cấp cứu, bé gái đã qua cơn nguy kịch, mặt hồng hào trở lại. Bé gái được chuyển tiếp đến BV Nhi đồng TP để theo dõi sau sặc sữa có tình trạng viêm phổi.
Theo BS Tuân, biểu hiện trẻ bị sặc sữa, cháo là bất ngờ ngừng ăn, ho sặc sụa, cơ thể tím tái biểu hiện rõ ràng trên mặt, khó thở, thở dốc, thở gấp, hai mắt trợn ngược. Nếu nặng, trẻ có thể bị ngừng thở và dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Tuân lưu ý việc tắm cho trẻ ngay sau khi ăn no là một thói quen sai lầm mà phụ huynh mắc phải.
“Tắm liền sau khi ăn sẽ làm các mạch máu giãn nở, lưu lượng máu dồn vào da nhiều hơn, đồng thời máu cung cấp cho hệ tiêu hóa giảm, ảnh hưởng đến việc hấp thụ dinh dưỡng của bé.
Bên cạnh đó sau khi ăn, dạ dày của bé đã được mở rộng, đi tắm liền có thể gây nôn mửa cho bé. Vì vậy, cách tốt nhất là nên tắm rửa cho bé trong vòng 1-2 giờ sau khi cho ăn" - BS Tuân lý giải.
Ngoài ra, BS Tuân cho biết có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sặc cháo, sặc sữa, trong đó nguyên nhân chính là do các mẹ cho trẻ bú sữa, ăn không đúng tư thế, chẳng hạn trong tư thế nằm. Lúc đó lượng sữa ra quá nhiều do núm vú cao su quá rộng, dẫn đến bé không thể bú kịp lượng sữa chảy ra.
Ngoài ra khi bé đang buồn ngủ, chơi đùa, khóc thì cũng không nên cho bú vì bé đang không tập trung. “Nếu sữa mẹ xuống nhiều quá mà bé không kịp ăn thì mẹ hãy dùng hai ngón tay kẹp thật chặt núm vú lại để giảm lượng sữa xuống, tránh cho bé bị sặc và giúp bé bú tiếp” - BS Tuân hướng dẫn.