Chó dại cắn 13 học sinh và 1 thầy giáo ở Quảng Ninh

Minh Cương |

Một con chó dại thả rông đã cắn 13 học sinh và 1 thầy giáo ở Trường TH&THCS Dực Yên, Xã Dực Yên, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh).

Chó dại vào trường cắn học sinh, giáo viên

Ngày 4/3, ông Nguyễn Văn Cường, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Dực Yên cho biết, 13 học sinh và 1 thầy giáo bị chó cắn đã được tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại.

Hiện thầy giáo cùng các em học sinh bị chó cắn, sức khỏe vẫn ổn định, không có dấu hiệu bất thường và vẫn đến trường đầy đủ.

Thầy Cường cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng 10h30 ngày 28/2. Đây là lúc tan tầm, nhà trường có mở cổng để phụ huynh vào trường đón con về.

Vào thời điểm trên, do có mưa nên nhiều học sinh đứng đợi phụ huynh tại khu nhà đa năng. Lúc này, một con chó thuộc loại nhỏ đã vào được trường, một số học sinh thấy vậy nên tới trêu. Phát hiện sự việc, một nữ giáo viên nhìn thấy đã nhắc nhở học sinh không được trêu và đã đuổi con chó ra khỏi trường.

Lúc sau, trời vẫn mưa, xe máy của phụ huynh ra vào trường rất đông. Lúc này, con chó này tiếp tục quay vào trường và cắn vào chân một em học sinh. Một thầy giáo thấy vậy chạy tới đuổi cũng bị chó cắn vào chân. Khi bỏ chạy, con chó cắn liên tiếp 12 học sinh khác.

“Những học sinh bị chó cắn ở cả hai cấp Tiểu học và THCS. Sau sự việc, tất cả những người bị cắn đã được đi tiêm phòng bệnh dại, sức khỏe đã ổn định. Ngay hôm sau, các học sinh đi học lại bình thường. Nhà trường cũng đã lập tổ theo dõi, phối hợp với trung tâm y tế theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với các học sinh và thầy giáo”, thầy Cường nói.

Chó dại cắn 13 học sinh và 1 thầy giáo ở Quảng Ninh- Ảnh 1.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết, con chó tấn công 14 người đã bị bắt chiều cùng ngày, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy. Đến 29/2, kết quả mẫu dương tính với virus dại.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, trước đó, từ 11/1/2024 đến 5/2/2024, trên địa bàn huyện Đầm Hà cũng đã phát sinh 2 ổ dịch bệnh dại tại 2 hộ dân ở xã Tân Bình và thị trấn Đầm Hà và đã tiến hành tiêu hủy 6 con chó tại 2 địa phương trên.

Huyện Đầm Hà hiện có tổng đàn chó, mèo trên 8.500 con. Kết quả tiêm phòng vaccine các loại cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2024 trên địa bàn toàn huyện đạt 35.200 liều, trong đó vaccine dại đạt 1.750 liều.

Xử lý nghiêm những trường hợp thả chó, mèo không rọ mõm ra đường

Trước tình hình dịch bệnh dại động vật đã xuất hiện trên địa bàn xã Dực Yên, để nhanh chóng dập tắt dịch, huyện Đầm Hà đã ban hành các văn bản hỏa tốc, tổ chức họp, thành lập các tổ công tác trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch.

Ngày 3/3, ông Hoàng Vĩnh Khuyến, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cùng các cơ quan chuyên môn đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh dại trên động vật tại các xã trên địa bàn.

Qua kiểm tra cho thấy hiện nay các xã, thị trấn đã tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống loa FM của xã, thôn; tuyên truyền lưu động tới hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại; các biện pháp phòng, chống bệnh dại; đã thành lập các tổ công tác trực tiếp tới các thôn, các hộ dân tổ chức tuyên truyền, ký cam kết đến từng hộ nuôi chó, mèo, yêu cầu thực hiện nghiêm việc tiêm vaccine, phòng bệnh, nuôi nhốt, không thả chó, mèo ra đường; tập trung huy động lực lượng đồng loạt ra quân tuyên truyền, xử lý đối các trường hợp hộ dân thả chó, mèo thả rông không rọ mõm ra đường; các xã đang tổ chức đợt cao điểm tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn toàn huyện; tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng…

Qua kiểm tra thực tế và nghe các địa phương báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh dại trên động vật, ông Khuyến yêu cầu các xã, thị trấn tập lực lượng ra quân xử lý nghiêm đối với các trường hợp thả chó, mèo nuôi không rọ mõm ra đường. Xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không chấp hành, tiêu hủy chó, mèo thả rông ra đường. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho 100% chó, mèo nuôi trên địa bàn toàn huyện, xong trước ngày 10/3/2024.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 2 ca mắc dại tại Hải Hà, Uông Bí; đồng thời ghi nhận 11 ổ dại trên động vật.

Tuy nhiên, bước qua năm 2024, chỉ mới chưa đầy 2 tháng đã ghi nhận 3 ổ chó dại tại Đầm Hà.

Trong khi một vài tháng tới bước vào mùa nắng nóng, là điều kiện thuận lợi thúc đẩy nguy cơ bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là bệnh dại, khiến tình hình dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn. Do đó, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cũng như tính mạng của mình.

Bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để chích vaccine, huyết thanh kháng dại kịp thời. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ nên giúp trẻ hiểu và khai báo sớm nếu có động vật cắn, cào làm bị thương để người lớn xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự ý bôi thuốc, đắp lá lên vết thương, không tự chữa hay nhờ thầy lang chữa bệnh dại…

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại (Rhabdovirus) gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật, thường thấy ở chó, mèo. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 8 tuần, ngắn thì khoảng 10 ngày và dài có khi 1 - 2 năm, tùy lượng virus và độ nặng vết thương. Người bệnh sẽ nhiễm virus cấp tính tại hệ thần kinh trung ương.

Triệu chứng khởi đầu của bệnh này gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi… Bước vào giai đoạn viêm não thường có biểu hiện như mất ngủ, tăng cảm giác kích thích (sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió). Mức độ nguy hiểm nhất là rối loạn thần kinh thực vật với đồng tử giãn, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, rối loạn huyết động… Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại