Theo thống kê của trang mạng Global Firepower, tổng quân số của Quân đội Iran khoảng 934.000 binh lính, cả thường trực và dự bị, trong khi con số này của Israel là 615.000. Nếu tính cả số người trong độ tuổi chiến đấu, Iran còn chiếm ưu thế hơn, với trên một nửa trong tổng số 84 triệu dân đủ độ tuổi tham chiến, so với chỉ 3,6 triệu người của Israel.
Trong một cuộc chiến bộ binh thông thường, các lực lượng Israel sẽ áp đảo Iran bằng kho vũ khí với hơn 2.700 xe tăng và pháo hạng nặng còn Tehran chỉ có khoảng hơn 1.600 vũ khí dạng này.
Xét về không quân, Israel cũng giữ ưu thế tương tự với gần 600 máy bay chiến đấu phản lực và trực thăng tấn công so với con số 500 của Iran mà phần lớn là các phi cơ huấn luyện, trực thăng tiếp viện và máy bay vận tải.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích quân sự, lợi thế của Iran lại mang tính gián tiếp hơn. Để đáp trả các ưu thế của Israel, quân đội Iran sẽ dựa vào khả năng trưng dụng lực lượng ủy nhiệm và tấn công các chốt điểm chiến lược.
Lực lượng ủy nhiệm - sức mạnh đáng gờm của Iran
Việc Iran có thể gây dựng, huấn luyện và trang bị cho các lực lượng ủy nhiệm của họ ở khắp Trung Đông đã trở thành lợi thế lớn nhất của nước này.
Thực vậy, có thể nhận thấy rõ ràng, tổ chức vũ trang Houthi do Iran đào tạo, lực lượng Hồi giáo Shiite đang tham gia cuộc chiến chống Chính phủ Yemen và các bên hậu thuận cho họ ở Saudi Arabia vẫn trụ vững trước hỏa lực cả trên không và trên bộ của liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu.
Ở Lebanon, phong trào Hezbollah theo dòng Hồi giáo Shiite từ lâu đã là đồng minh chiến lược của Tehran và đang là đối thủ đáng gờm của Israel, thậm chí còn mạnh hơn cả thời chiến tranh biên giới chớp nhoáng cách đây 12 năm.
Thông qua hoạt động trợ giúp chống các phần tử khủng bố thuộc Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS), binh lính Iran và lực lượng đồng minh của họ đã đứng chân vững chắc ở Iraq và Syria. Những cuộc tập kích gần đây của Israel nhằm vào các vị trí của Iran ở Syria là lý do chính mà nhiều chuyên gia cho rằng hai đối thủ lâu đời đang đứng bên bờ vực chiến tranh.
Tiêm kích F-16 của Không quân Israel
Các quan chức Israel tuyên bố, Tehran đã gây dựng được lực lượng ủy nhiệm gồm 80.000 chiến binh tại Syria, do Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) huấn luyện và đào tạo và đang trang bị vũ khí hạng nặng cho lực lượng này thông qua dòng Hồi Giáo Shiite - "chiếc cầu trên bộ" nối Iran với Lebanon qua ngả Syria và miền Bắc Iraq.
Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang chịu nhiều áp lực từ các nhân vật cứng rắn trong nước yêu cầu phải tấn công Iran trước khi họ có thể hoàn thiện "cây cầu trên bộ" này.
Nếu một cuộc chiến giữa Iran và Israel bùng nổ, các tư lệnh quân sự Iran có thể phát động chiến tranh trên nhiều mặt trận bằng các đội quân ủy nhiệm của họ ở Syria, Lebanon và Iraq, buộc Israel phải phân tán mỏng lực lượng.
Việc Iran vũ trang cho lực lượng bán quân sự Shiite các tên lửa tầm trung và tầm xa do nước này tự chế tạo có thể biến họ trở thành những đối thủ đáng gờm đối với Israel.
"Iran đang đầu tư nâng cấp độ chính xác và khả năng sát thương của các hệ thống tên lửa", một chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở Washington nhận xét.
"Tehran cũng đã trở thành một trung tâm phổ biến tên lửa, cung cấp cho các lực lượng ủy nhiệm như Hezbollah và quân Chính phủ Syria các tên lửa và hỏa tiễn cũng như gia tăng khả năng chế tạo chúng tại bản địa".
Phân tích của CSIS cho thấy, Tehran hiện sở hữu không ít hơn 16 hệ thống pháo/tên lửa từ tầm trung cho tới tầm xa, hoặc đã được triển khai hoặc đang trong quá trình phát triển với tầm bắn hiệu quả lên tới 1.200 km.
Khorramshahr - loại tên lửa tầm xa đang được Iran phát triển dự tính sẽ có tầm bắn lên tới hơn 1.900 km. Khorramshahr được cho là tương tự như tên lửa Jericho-2 của Israel với tầm tấn công ước tính từ 1.400 - 3.300 km. Tên lửa đạn đạo Jericho-3 có tấm bắn tối đa trên 6.400 km.
Binh lính quân đội Israel trên một chốt gác
Cuộc chơi hoàn toàn mới
Mặc dù các lực lượng ủy nhiệm được đánh giá là lợi thế lớn nhất của Iran so với sức mạnh quân sự của Israel nhưng Washington và Tel Aviv vẫn không loại trừ khả năng về một cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào Israel, bằng các vũ khí của Iran và những binh lính cũng như hệ thống mà họ đã triển khai ở Syria.
"Chúng tôi phải tính toán tới cả viễn cảnh này", Thiếu tướng đã nghỉ hưu Yaacov Ayish, nguyên Tham mưu trưởng Lục quân kiêm Cục trưởng Cục tác chiến Israel cho biết trong một cuộc họp báo với các phóng viên hồi tuần trước.
"Đó có thể không phải là một chiến dịch thông thường mà là một vụ tấn công bằng máy bay không người lái hay tên lửa phòng không mà họ đang kiểm soát", tướng Ayish nói. "Đây là một cuộc chơi hoàn toàn mới".
Trong tháng qua, Israel đã huy động hơn 30 máy bay không kích các địa điểm ở Syria, giáng những đòn tấn công mạnh mẽ vào các kho chứa vũ khí, đạn dược, trung tâm tình báo bị cáo buộc đang được vận hành bởi các chiến binh và cố vấn của IRGC và lực lượng đặc nhiệm Quds của họ.
Đây được xem là cuộc tấn công trả đũa lớn nhất của Israel từ cuộc chiến năm 2014 với Phong trào Hamas của Palestine.
Tất nhiên, trước đó Israel tuyên bố các lực lượng ủng hộ Iran đã phát động một đợt tấn công quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu quân sự của họ ở Cao nguyên Golan.
Những đợt phản kích qua lại này giữa Israel và Syria cho thấy một sự leo thang rõ ràng. "Với các nhà hoạch định chính sách trong khu vực, đây chưa phải là điểm kết thúc", Tướng Ayish nói. "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Iran sẽ dễ dàng từ bỏ".
Tên lửa Israel không kích Thủ đô Damascus của Syria đêm 9/5/2018