Chiến tranh Triều Tiên: Phi công Mỹ đã hoảng loạn như thế nào khi đối đầu với MiG-15?

Trung Phạm |

Từ tháng 11/1951, trước nỗi sợ bị MiG-15 tấn công, các máy bay ném bom B-29 của Mỹ phải ở lại dưới mặt đất suốt thời gian ban ngày và chỉ thực hiện nhiệm vụ khi đêm xuống.

Ngày 30/11/1950 khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên mới diễn ra chưa đầy 6 tháng, "pháo đài bay" B-29 của Không quân Mỹ trong lúc đang oanh tạc một căn cứ sân bay của Bình Nhưỡng thì bất ngờ bị tấn công từ trên không và hư hại nhẹ.

Chiếc tiêm kích của phía Triều Tiên bay nhanh tới mức các phi công Mỹ ngồi trong B-29 đã không kịp xác định danh tính kẻ vừa tấn công mình thuộc loại nào, còn những phi cơ tháp tùng F-80 cố bám đuổi theo nhưng cũng không kịp. Sau đó, chiếc tiêm kích tăng tốc lao vút đi, chỉ còn lại như một chấm nhỏ rồi biến mất.

Tin tức về sự vụ nhanh chóng được báo lên các cấp chỉ huy Mỹ và nó thực sự đã tạo ra một sự hoảng loạn dây chuyền. Những lời mô tả của các phi công B-29 về kẻ xâm nhập lạ mặt kia không giống với bất cứ loại máy bay nào đang hoạt động trên chiến trường mà Mỹ từng biết tới.

Tuy nhiên, sau đó qua quá trình phân tích và phán đoán, tình báo Mỹ cũng xác định được chiếc tiêm kích tấn công máy bay ném bom B-29 chính là một chiếc MiG-15, nhiều khả năng đã cất cánh từ một căn cứ ở Manchuria.

Trước khi sự việc diễn ra, cộng đồng phân tích quân sự và tình báo Mỹ chỉ biết lần duy nhất lãnh đạo Liên Xô Stalin cho phép sử dụng các máy bay MiG hỗ trợ cho Không quân Trung Quốc là khi họ giúp nước này bảo vệ Thượng Hải khỏi sự tấn công bởi các máy bay ném bom của Quốc dân Đảng.

Do đó, khi MiG-15 xuất hiện trên chiến trường Triều Tiên nó đã cho thấy một dấu hiệu rõ ràng: Sự can dự của Trung Quốc vào chiến sự Triều Tiên đang gia tăng và công nghệ Liên Xô đã bắt đầu thể hiện vai trò.

Chiến tranh Triều Tiên: Phi công Mỹ đã hoảng loạn như thế nào khi đối đầu với MiG-15? - Ảnh 1.

Tiêm kích MiG-15

MiG-15 có thể hủy diệt cả phi đội B-29

Đối với những phi công Mỹ lái B-29, sự việc MiG-15 xé toạc đội hình chiến đấu của họ đã trở thành một nỗi sợ hãi thực sự.

"Tôi có thể nó nói bạn, tất cả mọi người đều hoảng loạn", Earl McGill, cựu phi công B-29 kể lại.

"Trong sứ mệnh đầu tiên của mình, chúng tôi đã được cảnh báo về nguy cơ bị đánh chặn bởi các máy bay MiG. Nhưng ngày hôm đó tôi đã trải qua nỗi hoảng sợ khủng khiếp, kể cả sau này khi tôi tham gia các phi vụ chiến đấu với B-52 trên chiến trường Việt Nam".

Ngày thảm họa đối với Không quân Mỹ diễn ra vào tháng 10/1951 và được mệnh danh là "Ngày thứ Ba đen tối" khi MiG-15 liên tiếp tiêu diệt 6 trong tổng số 9 chiếc B-29 trên chiến trường Triều Tiên.

Pha đối đầu đầu tiên của McGill với MiG-15 diễn ra chỉ trong chớp mắt. "Một trong các pháo thủ đã phát hiện ra nó. MiG-15 chỉ là một cái bóng rất nhỏ", McGill miêu tả. "Đó là khi tôi nhìn thấy các pháo thủ tấn công nó".

Porfiriy Ovsyannikov, phi công lái MiG-15 trong lúc bị B-29 tấn công đã kể lại với các nhà sử học Nga Oleg Korytov và Konstantin Chirkin trong một cuộc phỏng vấn sau này rằng, "Pha đáp trả khá tốt đấy".

Tuy nhiên, các phi công MiG-15 có thể khai hỏa từ 2.000 feet, và ở khoảng cách này, McGill cho biết, "họ có thể hủy diệt cả phi đội B-29".

"MiG-15 đã làm tất cả chúng tôi bất ngờ", Robert van der Linden, phụ trách Bảo tàng Không quân – Vũ trụ Quốc gia Mỹ nhấn mạnh. "So với F-86 Sabre, loại đã nhanh chóng được điều động tham chiến sau sự xuất hiện của MiG-15, thì "MiG-15 nhanh hơn, bay cao hơn và có hỏa lực mạnh hơn".

"Tôi dám cá với bạn nó là thực sự rất đáng sợ", Trung tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Charles "Chick" Cleveland nhớ lại pha chạm trán đầu tiên của ông với MiG-15.

"Bạn phải nhớ rằng, những chiếc MiG-15 nhỏ bé ở Triều Tiên đã làm được những điều mà tất cả các chiếc Focke-Wulfs và Messerschmitts trong Chiến tranh Thế giới Thứ Hai chưa bao giờ làm được, đó là đuổi được cả lực lượng ném bom Mỹ ra khỏi vùng trời chiến sự".

Thực tế diễn ra đúng như những gì Charles mô tả, từ tháng 11/1951, các máy bay ném bom B-29 của Mỹ phải ở lại dưới mặt đất suốt thời gian ban ngày và các sứ mệnh ném bom chỉ được thực hiện khi màn đêm buông xuống.

Sau chiến tranh Triều Tiên, những chiếc Mig-15 dần lạc hậu và được thay thế bằng tiêm kích Mig-17. Tổng cộng có tất cả hơn 18.000 tiêm kích MiG-15 đã được chế tạo và phục vụ trong không quân của hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới. Triều Tiên hiện vẫn có sử dụng MiG-15 ở mức độ giới hạn.

Video MiG-21 và MiG-23 Nga tham gia truy quét khủng bố tại Trung Đông

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại