Chiến thắng của ông Joe Biden và những chính sách với khu vực Arab

Ngọc Thạch |

Các vấn đề lớn của Trung Đông trong chính sách của chính quyền Joe Biden 4 năm tới hiện điều mà dư luận khu vực quan tâm.

Thúc đẩy hòa bình, đối thoại, chống khủng bố và an ninh sẽ là trọng tâm trong chiến lược của Mỹ với khu vực này. Nhưng trái với sự kỳ vọng của nhiều người, các nhà phân tích chính trị cho rằng sẽ không có thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông dù quan điểm khác nhau giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có khác chỉ là cách thực hiện vấn đề.

Giới nhà phân tích cho rằng ông Joe Biden chắc chắn sẽ không lặp lại các chính sách như thời cựu tổng thống Barack Obama vì khu vực này đã thay đổi về mặt địa chính trị cũng như các nhà lãnh đạo Arab, vùng Vịnh đoàn kết hơn và đã nhận thức rõ những mối đe dọa tới an ninh, ổn định.

Do đó, chính sách đối ngoại của Mỹ với khu vực này khó có sự thay đổi lớn. Tổng thống mới của Mỹ trước hết sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác với khu vực trong cuộc chiến chống khủng bố, chống chủ nghĩa cực đoan.

Ông Biden chắc chắn sẽ trở thành người đối thoại chính trong khu vực để giải quyết các xung đột khác nhau. Tuy nhiên, chính quyền Biden sẽ không đi theo con đường khác với cách tiếp cận mà ông Donald Trump đã áp dụng.

Không có bất đồng giữa ông Donald Trump và Joe Biden về mối quan hệ với Iran. Do đó, chiến lược của ông Biden đối với Tehran sẽ không khác biệt mà chỉ khác về các công cụ thực hiện.

Nếu như chính quyền Donald Trump theo đuổi chính sách áp đặt các lệnh trừng phạt và bao vây Iran về mặt kinh tế thì ông Joe Biden sẽ cố gắng che giấu sự chia rẽ với châu Âu trong vấn đề hạt nhân Iran, có thể sẽ có nỗ lực mở cửa với Iran nhưng thỏa thuận hạt nhân sẽ không trở lại như ban đầu vì Mỹ còn tiếp tục bảo vệ lợi ích và quan hệ lịch sử với khu vực Arab và vùng Vịnh – các nước luôn coi Iran là thù địch.

Nếu ông Biden làm Tổng thống, chắc chắn sẽ cố gắng gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ bằng nhiều công cụ khác nhau để buộc Tổng thống Erdogan thay đổi hành vi và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu áp lực từ kinh tế khi mua S-400 của Nga hay gây hấn ở đông Địa Trung Hải, can thiệp ở Libya.

Ông Biden sẽ gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh NATO, ủng hộ người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và chống lại sự mở rộng của Erdogan trong khu vực.

Các nhà phân tích cho rằng an ninh và hòa bình của Israel là quan trọng đối với tất cả người Mỹ và khu vực. Do đó, ông Biden sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực hòa bình với Tel Aviv nhưng sẽ không đẩy nhanh giải quyết các vấn đề như thời ông Donald Trump đã làm.

Ông Biden sẽ tiếp tục thúc giục các nước tham gia vào tiến trình hòa bình với Israel nhưng cách tiếp cận của ông sẽ khác như cung cấp thêm động lực để phía Palestine đạt được nguyện vọng.

Mỹ ủng hộ và hợp tác các nước Arab và vùng Vịnh vì mối quan tâm đến an ninh của họ và an ninh của Israel trước các mối đe dọa của Iran và các tổ chức khủng bố. Chính vì vậy, các chính sách đối ngoại của chính quyền Biden ở Trung Đông sẽ không khác nhiều so với người tiền nhiệm Donald Trump và điều này trái ngược với kỳ vọng của nhiều người về thời kỳ Barack Obama./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại