Chiến sự Syria: Mỹ tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh IS, chiến thắng hay chỉ là nước cờ khó “qua mặt” được Nga?

Vũ Thu Hương |

Moscow vẫn chưa nhận được thông tin chính thức về việc tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức khủng bố của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết.

Theo AMN, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố rằng Moscow vẫn chưa nhận được thông tin chính thức về việc tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức khủng bố của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

"Không, chúng tôi vẫn chưa nhận được tuyên bố nào cả", ông Peskov trả lời phỏng vấn báo chí.

Tuy nhiên, ông Peskov trước đó đã tuyên bố Điện Kremlin tin rằng có thể nói về đóng góp to lớn của ông Trump với cuộc chiến chống khủng bố nếu thông tin thủ lĩnh IS al-Baghdadi bị tiêu diệt là chuẩn xác.

Tuyên bố trên diễn ra sau khi Chủ tịch liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley tuyên bố trong một thông cáo báo chí hôm 28/10 rằng Mỹ sẽ không công bố video hay ảnh về việc đặc nhiệm Mỹ tấn công tiêu diệt al-Baghdadi ở Syria.

Hôm 27/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo lực lượng Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh al-Baghdadi ở tỉnh Idlib của Syria.

Ông Trump tuyên bố al-Baghdadi đã tự kích hoạt thuốc nổ khiến nhân vật này và 3 trẻ em đi cùng tử vong khi bị dồn đến cuối đường hầm. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố vẫn chưa có dữ liệu đáng tin cậy về hoạt động trên của Mỹ và đặt nhiều nghi vấn về độ xác thực của thông tin.

Sáng 29/10, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump khẳng định rằng đối tượng số một thay thế al-Baghdadi cũng đã bị các binh sỹ Mỹ kết liễu.

Ông Trump không cung cấp danh tính đối tượng, nhưng các thông tin xuất hiện từ cuối ngày 28/10 cho rằng, phát ngôn viên của IS là Abu Hassan al-Muhajir, kẻ được nhận định nhiều khả năng thay thế al-Baghdadi, đã chết trong một cuộc không kích của Mỹ.

Viết trên Twitter, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết: "Vừa mới được xác nhận rằng kẻ kế nhiệm số 1 của Abu Bakr al-Baghdadi đã bị binh lính Mỹ kết liễu. (Đó là kẻ) có khả năng nhất đảm nhiệm vị trí hàng đầu này. Giờ đây hắn ta đã chết".

Những thông tin về Qardashn là vô cùng ít ỏi. Được biết, Qardash từng là một cựu sĩ quan quân sự Iraq và từng phục vụ dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Saddam Hussein.

Tuy nhiên, cả Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa cung cấp thêm thông tin về cái chết của al-Muhajir.

Tại buổi họp báo ngày 27/10, Tổng thống Trump cho biết đã được thông báo vắn tắt về những đối tượng tiềm tàng kế nhiệm al-Baghdadi đồng thời tuyên bố Mỹ biết điều đó và đã đặt những kẻ này vào tầm ngắm.

Cái chết của al-Baghdadi được nhìn nhận là chiến thắng mang tính biểu tượng lớn trong cuộc chiến chống IS, song giới chức Mỹ nhấn mạnh cần tiếp tục tập trung gây thất bại lâu dài cho tổ chức khủng bố này, bao gồm việc ngăn chặn các nguồn tài chính của IS trong khu vực.

Một số nhà phân tích nói việc mất đi thủ lĩnh có ảnh hưởng đến sức mạnh của IS hay không vẫn là câu hỏi. Ngay cả khi nhóm này gặp khó khăn trong giai đoạn chuyển đổi lãnh đạo, những tư tưởng cực đoan và sự căm ghét các giáo phái khác mà IS cổ súy vẫn có sức hút đối với nhiều người.

Từng nghênh ngang trên các xe bọc thép với tiểu liên, chìm đắm trong các hành động thể hiện sự tàn bạo đặc biệt, các phiến quân Hồi giáo Sunni này hoặc đang là tù binh, hoặc chui lủi trốn chạy khắp nơi, trong khi lãnh đạo của họ bị đặc nhiệm Mỹ đuổi dồn vào một đường hầm và buộc phải nổ mìn tự sát.

"Chiến dịch tiêu diệt Baghdadi không tác động nhiều, bởi họ (IS) đã tan vỡ và lực lượng này đã rút lui ở nhiều nơi trên thế giới", Rashad Ali, chuyên gia của Viện Đối thoại chiến lược, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại London, Anh, nói với Reuters. "Bọn chúng hầu hết đang tụ lại ở biên giới Iraq-Syria".

"Việc này (tiêu diệt Baghdadi) cũng không tạo ra nhiều khác biệt và chỉ có tính biểu tượng", ông nói. "Tiêu diệt một tên khủng bố trong khi không giải quyết các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến hệ tư tưởng cực đoan (của IS) thì khó xóa sổ hoàn toàn nhóm cực đoan này".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại