"Lằn ranh đỏ"
Theo Guardian, một quan chức Mỹ cho biết Mỹ đã đặt ra lằn ranh cho Thổ Nhĩ Kỳ và nếu chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria đi quá giới hạn, Washington sẽ trừng phạt Ankara.
Ngày 10/10, quan chức cao cấp Mỹ giấu tên lên án cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ, nói chiến dịch này "gây nguy hiểm cho các đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến chống khủng bố... và gây bất ổn cho toàn bộ khu vực".
Trong ngày thứ hai cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ, con số thương vong đang tăng lên do hai bên nã pháo dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Quan chức Mỹ giấu tên cho biết các cơ chế an ninh chung tại khu vực do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lập ra, bao gồm khu phi quân sự và tuần tra chung, đã vận hành tốt, nhưng ông Erdogan đã đột ngột từ bỏ trong cuộc điện đàm ngày 6/10 với Tổng thống Trump.
Vị quan chức này cũng nói thêm về những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc Mỹ phải trừng phạt: "Nếu có sự thanh trừng sắc tộc. Nếu có hành động nã pháo, không kích hay sử dụng các hỏa lực khác một cách bừa bãi nhắm vào dân thường". "Chúng tôi đang tính toán như vậy. Chúng tôi chưa thấy các hành động đó".
Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa cho người tị nạn tới châu Âu?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo nước này sẽ mở cửa cho hàng triệu người tị nạn Syria tới châu Âu nếu còn ngăn cản chiến dịch quân sự của Ankara ở Bắc Syria.
"Tại đất nước của chúng tôi có 3,6 triệu người tị nạn Syria. Liên minh châu Âu (EU) hãy đến mà xem. Đừng cố làm chiến dịch trông giống một cuộc xâm lược, điều đó không đúng. Nếu các ngài ngoan cố, tôi sẽ gửi 3,6 triệu người tị nạn tới nước của các ngài", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày 10/10 tuyên bố, theo TRT.
Ông Erdogan một lần nữa khẳng định chiến dịch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ vừa triển khai ở Syria dưới tên gọi "Mùa xuân Hòa bình " được phát động cùng "tình yêu dành cho người dân Syria" và để bảo vệ nước này trước các nhóm vũ trang người Kurd vốn bị Ankara coi là các phần tử khủng bố.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cam kết binh sĩ nước này sẽ không đi sâu hơn 30km tính từ đường biên giới vào khu vực Đông Bắc Syria, đúng theo yêu cầu của nước này với một "vùng đệm an toàn" đã ký với Mỹ, nhưng Washington không thể thiết lập.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/10 khởi động tấn công dân quân người Kurd ở Syria với sự hỗ trợ của nhóm phiến quân Quân đội Syria tự do (FSA). Sau đợt không kích và pháo kích, bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua biên giới và tấn công vào các thị trấn then chốt.
Hôm qua, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các bên giảm leo thang xung đột ở Syria.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Copenhagen, Đan Mạch, ông Guterres đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về sự leo thang căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công quân sự nhằm vào các tay súng người Kurd ở Đông Bắc Syria, đồng thời nhấn mạnh mọi hoạt động quân sự cần phải luôn tôn trọng hiến chương của Liên Hợp Quốc, cũng như luật nhân đạo quốc tế.
Trong khi đó, tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR, có trụ sở tại Anh) cùng ngày cho biết, đã có tới hơn 60.000 người phải sơ tán trong chưa đầy một ngày sau chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (IRC) cảnh báo, con số này có thể lên tới 300.000 người.