Theo Avia.pro, hôm 20/10, một máy bay trinh sát quân sự của Thụy Điển đã bất ngờ xuất hiện gần căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến máy bay trinh sát quân sự của Thụy Điển vượt quãng đường hàng ngàn km để tiến tới khu vực biên giới giữa Syria – Lebanon là nhằm thu thập nhiều thông tin nhất có thể về các hệ thống phòng không mà Nga triển khai tại căn cứ không quân Hmeimim ở Syria.
Tuy nhiên, máy bay trinh sát quân sự của Thụy Điển đã tránh không tiến lại quá gần căn cứ Hmeimim của Nga.
Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho biết Nga sắp cho triển khai các oanh tạc cơ "Thiên nga trắng" Tu-160 tới Syria để không kích lực lượng khủng bố ẩn náu tại tỉnh Idlib.
Bộ Quốc phòng Nga lý giải chuyến bay của hai máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-160 tới Nam Phi qua lãnh thổ Syria là nhằm tăng cường khả năng huấn luyện cho phi hành đoàn. Song theo các chuyên gia, đây không phải là lý do chính đáng.
"Nga không có đối thủ thực và cả đối thủ tiềm tàng ở Nam Phi. Do đó, các nhà phân tích nước ngoài đã không đồng tình với tuyên bố trên của phía Nga nhất là trong hoàn cảnh, không quân Nga gần đây tăng cường triển khai các đợt tấn công nhằm vào lực lượng khủng bố ở Idlib của Syria", một chuyên gia nhận định.
Hôm 21/10, AP đưa tin, quân đội Nga cho hay 2 máy bay ném bom chiến lược Tu-160 có khả năng mang vũ khí hạt nhân của nước này sẽ tới thăm Nam Phi. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Nga triển khai oanh tạc cơ tới khu vực châu Phi.
Sứ mệnh này được triển khai trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Nga và châu Phi với sự tham gia của 43/54 nguyên thủ hoặc người đứng đầu chính phủ của Lục địa Đen, trong khi 11 nước còn lại cử ngoại trưởng hoặc các quan chức khác tham dự.
Như một phần của các nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, Nga đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự với ít nhất 28 nước châu Phi, chủ yếu trong 5 năm qua.
Thương mại của Nga với châu Phi tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua, đạt mức 20 tỷ USD trong năm ngoái. Nga có nhiều lợi ích ở lục địa đen: thỏa thuận năng lượng hạt nhân với Nigeria và Ai Cập, khai thác mỏ bạch kim ở Zimbabwe, khai thác kim cương ở Angola, khai thác dầu ở Ghana và Algeria, các dự án khí đốt ở Cameroon và Nigeria, thủy điện ở Tanzania, xuất khẩu vũ khí sang Uganda và Ai Cập. Nga đang đàm phán với Sudan về việc mở căn cứ hải quân trên bờ Biển Đỏ.
Mỹ và các cường quốc châu Âu từng khai thác những lợi ích như vậy ở châu Phi trong nhiều thập kỷ, nhưng ảnh hưởng suy giảm của Mỹ dưới thời chính quyền Trump đang tạo thuận lợi cho các đối thủ địa chính trị tạo nên phiên bản ở thế kỷ 21 của chiến dịch tranh giành ở châu Phi hồi thế kỷ 19.