Chiến sự Nga- Ukraine: Con đường tới chiến thắng của Ukraine

Nhi Nguyễn |

Dù Ukraine đã và đang có một số lợi thế trên chiến trường, nhưng việc tiến tới đánh bại Nga hoàn toàn không dễ dàng chút nào.

Ukraine đã và đang phản công, giành lại một số vùng đã bị Nga chiếm giữ.

Ukraine đã và đang phản công, giành lại một số vùng đã bị Nga chiếm giữ.

Từ khi chiến sự Nga- Ukraine bắt đầu, Mỹ và phương Tây đã hỗ trợ Kiev đối phó với Nga, không để chiến tranh leo thang đến mức Nga tấn công NATO hay sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến sự tại Ukraine. Tuy nhiên, chiến sự Nga- Ukraine đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp.

Các nhà phân tích lo ngại rằng, trước khi dừng cuộc chiến, Tổng thống Nga Putin sẽ cố gắng gây ra tổn thất lớn cho Ukraine, buộc chính phủ Ukraine nhượng bộ hoặc đầu hàng. Tuy nhiên, ông Putin thiếu các nguồn lực để thực sự san bằng Ukraine. Kho tên lửa và bom còn lại của Nga đủ lớn để gây thiệt hại cho Ukraine, nhưng không đủ để phá hủy hoàn toàn quốc gia này.

Trên thực tế, Ukraine đã chứng minh rằng họ sẽ chiến đấu ngay cả khi Nga tàn phá các thành phố của họ. Người Ukraine cũng đã chứng minh rằng họ có thể chiến thắng qua nhiều thắng lợi tại Kharkov vào cuối tháng 9 hay Lyman hồi đầu tháng 10.

Hiện nay, Ukraine đang giải phóng các ngôi làng ở lân cận Lugansk, tỉnh duy nhất mà Nga hoàn toàn chiếm giữ sau khi phát động chiến sự vào ngày 24/2. Các binh sĩ Ukraine thậm chí đang tiến gần hơn đến Kherson, thành phố lớn đầu tiên mà Nga chiếm giữ trong cuộc tấn công đầu năm 2022.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk cho biết những thành công của Ukraine không phải là ngẫu nhiên. Ukraine thích ứng nhanh chóng, với hệ thống "chỉ huy sứ mệnh" kiểu NATO khuyến khích các sĩ quan và trung sĩ cấp thấp hơn đưa ra quyết định. Ukraine cũng đã thực hiện nhiều cuộc tấn công đa hướng thành công.

Dù chiến sự Nga- Ukraine đã kéo dài 7 tháng, nhưng Nga vẫn sở hữu kho dự trữ tên lửa, súng và đạn dược khá lớn, đủ để tấn công các lực lượng Ukraine. Tuy nhiên, đây không phải là lợi thế mang tính quyết định của Nga.

Khi nói đến việc sử dụng vũ khí, Nga và Ukraine tuân theo các triết lý khác nhau: Ukraine tập trung vào các thiết bị công nghệ cao và điều khiển chính xác, trong khi Nga dựa vào số lượng lớn, nhưng có độ chính xác thấp. Bởi vậy, Ukraine đã có một số lợi thế trên chiến trường.

Chiến sự Nga- Ukraine: Con đường tới chiến thắng của Ukraine - Ảnh 2.

Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine.

"Hỏa lực tầm xa là một trong những vũ khí quan trọng mà Ukraine sẽ cần hỗ trợ. Nước này phải có đủ vũ khí và đạn dược để trang bị cho các lữ đoàn của mình tiếp cận phía sau phòng tuyến của Nga, khiến Nga khó khăn trong việc gửi quân tiếp viện.

Các lực lượng Ukraine đã sử dụng thành công các hệ thống như vậy của Mỹ và phương Tây, đặc biệt là Hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS).

Tuy nhiên, nếu Mỹ và phương Tây viện trợ cho Ukraine vũ khí có tầm xa hơn, có thể sẽ vi phạm "lằn ranh đỏ" của Nga, khiến chiến sự diễn biến phức tạp hơn", ông Andriy Zagorodnyuk nhấn mạnh.

Về phía Nga, những lời đe dọa của giới quan chức Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chủ yếu nhằm ngăn chặn việc tiếp tục hỗ trợ của Mỹ và phương Tây đối với Ukraine. Bởi vì, nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, sẽ phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt, thậm chí trả đũa nghiêm khắc từ phía Mỹ và phương Tây.

Đến nay, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tránh hậu thuẫn Ukraine hay trừng phạt Nga, nhưng nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, không loại trừ khả năng Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ phản đối Nga, thậm chí thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Ukraine sẽ khó chiến thắng hoàn toàn trước Nga chừng nào ông Putin còn nắm quyền. Bởi ông Putin sẽ nỗ lực đối phó, tìm cách hóa giải những thách thức hiện nay, để đảm bảo uy tín, vị thế chính trị của mình, dù rằng nước này đang gặp khó khăn trong việc mua các linh kiện phục vụ cho việc sản xuất vũ khí trong nước.

"Cho đến khi Ukraine được phép gia nhập NATO, nước này sẽ phải xây dựng một quân đội hùng mạnh. Điều này sẽ rất tốn kém và Ukraine khó đủ nguồn lực, vì chiến sự đã làm kinh tế nước này kiệt quệ.

Tuy nhiên, đây sẽ là cách duy nhất giúp Ukraine đảm bảo một nền hòa bình lâu dài. Điều này chắc chắn sẽ tiếp tục cần sự trợ giúp của Mỹ và phương Tây", ông Andriy Zagorodnyuk nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại