Nga ồ ạt sử dụng tên lửa oanh kích Ukraine trên diện rộng
Cuộc chiến Nga - Ukraine đang chứng kiến sự leo thang vũ lực chưa từng thấy trong 8 tháng qua. Các chiến lược gia quân sự Kremlin chủ trương sử dụng tên lửa tầm xa, UAV "cảm tử" với tần suất dày đặc, oanh tạc tất cả các thành phố lớn, nhằm vào hạ tầng thiết yếu và cơ sở năng lượng.
Ông Chris Tuck, chuyên gia an ninh và xung đột ở London nêu quan điểm: Các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga không báo hiệu một giai đoạn mới trong chiến sự Nga- Ukraine, hay sự thay đổi cách tiếp cận của Moscow. Chúng chỉ là phản ứng với sự kiện nhất định và áp lực chính trị từ trong nước".
Nhưng, việc sử dụng vũ khí tầm xa, oanh kích nhiều nơi cho thấy sự bối rối của Nga trong cách thức triển khai lực lượng trên chiến trường Ukraine. Rất khó điều động binh lính khi mùa đông mang theo băng tuyết ở miền Đông và bùn lầy ở miền Nam; quân đội Ukraine ngày càng thiện chiến.
Mức độ thiệt hại từ phía Nga không được công bố đầy đủ, các con số chênh lệch nhau khá lớn tùy theo cơ quan thống kê, nhưng có thể khẳng định mất mát nhân mạng và khí tài không hề nhỏ. Đây là áp lực rất lớn với ông Putin , buộc phải dè sẻn lực lượng với hy vọng kéo dài chiến sự.
Người Ukraine bây giờ dường như không còn quan tâm đến thiệt hại hạ tầng, kinh tế; bất cứ trận thắng nào - dù lớn hay nhỏ đều có giá trị tinh thần to lớn tiếp tục thắp lên ngọn lửa phản kháng, đánh đuổi quân Nga, bảo vệ lãnh thổ.
Tổng thống Ukraine Zelensky được tạo điều kiện tối đa để xuất hiện cả trực tiếp lẫn gián tiếp tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, không gì khác ngoài lên án cuộc chiến của Nga, kêu gọi quốc tế tăng cường trừng phạt Nga. Trong khi Tổng thống Putin không được như vậy.
Nga leo thang hỏa lực, càng khiến Mỹ và EU có lý do cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine. Trên thực tế, vũ khí phương Tây là quân bài chủ chốt giúp Kiev gặt hái thành công trên mặt trận.
Nga không xoay chuyển được cục diện, trái lại Ukraine đang chủ động phản công từng mục tiêu cụ thể, nhiều đến mức câu hỏi đặt ra lúc này là Kiev sẽ có thể tái kiểm soát thêm bao nhiêu km2 lãnh thổ? Dù sao Kremlin vẫn nắm quyền quyết định toàn bộ cục diện chiến sự, với 3 phương án rất rõ ràng:
Thế giới yêu hòa bình chờ mong Nga - Ukraine ngồi vào bàn đàm phán
Thứ nhất, như quan điểm tiến bộ ngay từ đầu cuộc chiến, đàm phán hòa bình là biện pháp được ủng hộ tối đa. Bối cảnh này khó xây dựng khung khổ mới để định vị lại quan hệ ba bên Nga - Ukraine - phương Tây. Vì vậy có thể hồi sinh Hiệp định Minsk.
Kiev có xu hướng ưa áp dụng Minks, chí ít cũng giúp họ giữ nguyên hiện trạng lãnh thổ vùng phía Đông cho dù Lugansk và Donestk được tăng quyền tự trị. Nhưng người Nga lại muốn lấy Donbass để dựng lên hành lang bảo vệ bán đảo Crimea.
Thứ hai, Nga tiếp tục leo thang vũ lực đến khi đạt được mục tiêu cuối cùng, khiến Ukraine kiệt quệ, mất sức phản kháng, chính thể Zelensky bị lật đổ. Moscow kiểm soát một cách vững chắc và hợp pháp đối với toàn bộ lãnh thổ hơn 600.000km2. Đây là điều mà ông Putin mong muốn, nhưng châu Âu và Mỹ không muốn, ngay cả bản thân Ukraine cũng sẽ chiến đấu tới cùng để "thoát Nga"
Thứ ba, chiến sự Nga- Ukraine kéo dài dai dẳng, Moscow sẵn sàng cho cuộc chơi tiêu hao, thử thách ý chí của 500 triệu dân châu Âu vốn rất nhạy cảm chính trị và 300 triệu người Mỹ rất dễ trở cờ phản đối Tổng thống Biden một khi các chỉ số kinh tế, việc làm đến mức tồi tệ. Khi đó, giới lãnh đạo phương Tây phải tính lại cách viện trợ cho Ukraine.
Nước Nga dưới thời ông Putin rất giàu kinh nghiệm vượt khó, minh chứng là đã chống chịu khá tốt cho dù lệnh cấm vận bủa vây. Quyền lực Tổng thống Nga không dễ lung lay như những người tiền nhiệm ở Mỹ và châu Âu.