Ngày 24-5-1900 (ngày 11-5 theo lịch cũ Julius của Nga), chiến hạm Rạng Đông được hạ thủy lần đầu tiên dưới sự chứng kiến của Sa hoàng Nicholas II. Năm 1903, Rạng Đông được đưa vào sử dụng với lượng choán nước khi đó là 6.731 tấn; chiều dài 126,8m, chiều rộng 16,8m; vận tốc đạt 20 hải lý/giờ. Thủy thủy đoàn gồm 570 người.
Chiến hạm Rạng Đông được trang bị hệ thống pháo ấn tượng: 8 khẩu 152mm, 24 khẩu 75mm, 8 khẩu 37mm, 2 ống phóng ngư lôi. Hệ thống pháo Canet cỡ nòng 152mm trang bị trên tàu có tầm bắn tối đa 9.800m.
Mùa thu năm 1903, chiến hạm Rạng Đông được điều động đến vùng Viễn Đông để củng cố lực lượng cho Hải đội 2 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga và đã tham gia cuộc chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905). Chiến hạm trở về Nga vào năm 1906 và được sử dụng để đào tạo sĩ quan hải quân trên biển Baltic.
Từ năm 1906 đến 1912, Rạng Đông từng ghé thăm một số nước. Chiếc tàu tuần dương cũng tham gia các nỗ lực quốc tế cứu nạn những người còn sống sót sau trận động đất Messina năm 1908. Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, chiến hạm Rạng Đông thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển Baltic.
Năm 1915, vũ khí trang bị của tàu được tăng cường thành 14 khẩu pháo cỡ 152mm. Cuối năm 1916, tuần dương hạm đến Petrograd (ngày nay là Saint Petersburg) để sửa chữa. Trong năm 1917, sau Cách mạng Tháng Hai, phần lớn thủy thủ của chiến hạm Rạng Đông đã gia nhập một ủy ban cách mạng được thành lập trên tàu.
Lúc 21 giờ 45 phút ngày 25-10-1917 (theo lịch cũ Julius của Nga), tức ngày 7-11 (theo lịch hiện đại), phát súng lệnh được bắn ra từ khẩu pháo trước mũi của tuần dương hạm Rạng Đông là hiệu lệnh cho cuộc tấn công vào Cung điện Mùa Đông.
Tới 2 giờ 10 phút, ngày 26-10-1917 (8-11), lực lượng công nhân vũ trang, chiến sĩ đồn trú tại Petrograd, các thủy thủ của Hạm đội Baltic đã chiếm được Cung điện Mùa Đông. Cũng ngay trong đêm 25-10-1917, Ðại hội các Xô viết toàn Nga lần thứ II khai mạc. Ðại hội thông qua lời kêu gọi "Gửi công nhân, binh lính và nông dân" do V.I.Lênin dự thảo.
Kể từ đó, ngày 25-10 (7-11) đã trở thành thời khắc lịch sử khiến cho chiến hạm Rạng Đông trở thành một biểu tượng của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Sau một thời gian nằm yên, vào năm 1922, Rạng Đông được cho hoạt động trở lại như một tàu huấn luyện của Hạm đội Baltic và thực hiện nhiều chuyến viếng thăm các cảng nước ngoài. Ngày 2-11-1927, tàu được tặng thưởng Huân chương Cờ Đỏ.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, vào năm 1941, chiến hạm Rạng Đông và thủy thủ đoàn tích cực tham gia bảo vệ Leningrad. Tàu được cho neo đậu tại cảng Oranienbaum thuộc thị trấn Lomonosov, liên tục bị bắn pháo và ném bom. Ngày 30-9-1941, tàu bị thủng, ngập nước và mắc cạn tại nơi neo đậu.
Tháng 7-1944, Rạng Đông được trục vớt. Sau khi sửa chữa, từ ngày 17-11-1948, tàu được neo ở "bến đỗ vĩnh cửu" bên sông Neva ở Leningrad (ngày nay là Saint Petersburg) như một đài kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười và từ năm 1957 trở thành một tàu bảo tàng. Ngày 22-2-1968, chiến hạm Rạng Đông được trao tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười.