Vận tải cơ IL-76 hạ cánh xuống sân bay trong điều kiện thời tiết không thực sự lý tưởng. Ngày hôm nay Đà Nẵng tiếp tục mưa kéo dài, dù chưa đến 18h nhưng bầu trời đã khá tối
Để phục vụ Tổng thống Nga Putin tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC ở Việt Nam, các máy bay vận tải IL-76 được giao nhiệm vụ tiền trạm, chở các phương tiện đặc chủng như xe bọc thép, xe chỉ huy, xe tác chiến điện tử, cũng như nhân sự của lực lượng bảo đảm.
Ra đời từ năm 1970, nhưng đến nay máy bay vận tải IL-76 vẫn đang là máy bay vận tải chủ lực của Không quân Nga để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau như chở và ném quân đổ bộ đường không (thả dù) gồm cả người và khí tài hạng nặng như xe tăng hoặc thiết giáp.
Ngoài ra, IL-76 cũng được sử dụng rộng rãi trong việc chở hàng hoá tiếp tế, cứu trợ hoặc chở cả đội hình các nhân viên cùng trực thăng cấp cứu đến ngay các vùng bị tai nạn hoặc thiên tai. Máy bay được thiết kế thêm phiên bản để làm công tác cứu hoả, chữa cháy rừng. Trong bụng máy bay có thể lắp thêm hai bình chứa nước hai bên sườn, mỗi bình chứa tới 21 tấn.
Không quân Nga sở hữu cùng lúc hai dòng máy bay vận tải quân sự hạng nặng gồm An-124 và IL-76, nhưng IL-76 có số lượng vượt trội hơn hẳn, với chừng 200 chiếc đang hoạt động trong các đơn vị vận tải hạng nặng, tầm xa. Ước tính, tổng số máy bay IL-76 đã xuất xưởng lên tới 960 chiếc, phục vụ trong cả mục đích quân sự và dân sự.
Máy bay có chiều dài 46,59 m; sải cánh 50,5 m; cao 14,76 m; trọng lượng rỗng 92.500 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 195.000 kg; kíp lái gồm 5 người. Động cơ phản lực trang bị cho phiên bản Il-76TD-90 là loại Aviadvigatel PS-90-76 công suất 171 kN mỗi chiếc, cho tốc độ tối đa 900 km/h; tầm bay 4.300 km với tối đa tải trọng 50 tấn; trần bay 13.000 m.
Máy bay vận tải quân sự IL-76 của Nga hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng
Il-76 có thể sử dụng làm khung thân cho máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không A-50 và A-100 cũng như làm máy bay tiếp dầu với định danh Il-78 Midas.
Tải trọng hữu ích của chúng từ 42-48 tấn với khoang chở hàng của IL-76 có kích thước (dài x rộng x cao): 20m x 3,4 x 3,4m, đủ sức chứa vừa 1 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực như T-72.
Tuy nhiên, phiên bản cải tiến mới nhất mang tên IL-76MD-90A có thể chở được tới 60 tấn, và đang được Không quân Nga dự kiến đặt mua tới 100 chiếc nhằm nâng cao khả năng không vận tầm xa. Số lượng đặt mua chính thức tới thời điểm này là 30 chiếc.
Dòng máy bay vận tải IL-76 đã đạt được nhiều kỷ lục thế giới, cụ thể:
- Ngày 4/4/1975, các lính dù Liên Xô nhảy từ máy bay đang ở độ cao 15.386m. Cơ trưởng của của phi hành đoàn là Thiếu tướng Dedukh.
- Tháng 7/1975, trên chiếc máy bay IL-76 sản xuất hàng loạt đầu tiên, phi hành đoàn dưới sự chỉ huy của phi công thử nghiệm, Anh hùng Liên Xô Bernikov với trọng lượng hàng hóa trên boong là 70.121kg, đã đạt được độ cao 11.875m.
Cùng ngày, phi hành đoàn dưới sự chỉ huy của phi công thử nghiệm Tyuryumin theo lộ trình khép kín đã đạt được tốc độ trung bình kỷ lục 857,657km/h với trọng tải hàng trên boong là 70 tấn và quãng đường bay là 1000km.
Và với trọng tải hàng trên boong là 70 tấn với quãng đường vay là 2.000km thì vận tốc trung bình kỷ lục đạt được là 857,697km/h.
- Ngày 26/10/1977, các vận động viên nhảy dù Liên Xô đã xác lập được 2 kỷ lục thế giới – nhảy dù đơn từ độ cao 15.760m và rơi tự do tới độ cao 960m và nhảy nhóm từ độ cao 14.846m và rơi tự do tới độ cao 631m.
- Ngày 27/10/1977, xác lập thêm một kỷ lục thế giới của nữ - nữ vận động viên nhảy dù đã rời khỏi máy bay IL-76 ở độ cao 14.974m và bay tự do tới độ cao 574m. Cơ trưởng của chuyến bay này là phi công thử nghiệm Tyuryumin.