Mỹ nói về "cú đấm hạt nhân" của Nga: Cũ kỹ, hỗn tạp!

QS |

Theo Jamestown Foundation, có thể dự đoán rằng, sắp tới, sẽ có một khoảng thời gian Moscow phải đối mặt với rủi ro do bị giảm số lượng ICBM trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược.

Theo Viện nghiên cứu và phân tích Jamestown Foundation (trụ sở tại Washington, D.C), kho ICBM của Nga hiện nay pha trộn nhiều loại tên lửa nhưng chúng đã "già nua" và cần được thay thế. Một số loại tên lửa gặp khó khăn trong công tác bảo dưỡng do cơ sở có đủ khả năng làm việc đó lại nằm trên lãnh thổ Ukraine:

Không thể phủ nhận, hiện nay Nga đã triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ít hơn so với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh năm 1985, Liên Xô có tới 1.398 ICBM sẵn sàng triển khai.

Tuy nhiên, thông tin về số lượng và tình trạng của các ICBM mà Moscow hiện có lại thay đổi theo nhiều nguồn tin khác nhau.

Cuối năm 2016, Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga – Thượng tướng Sergey Karakayev nhắc đến kho vũ khí với 400 ICBM. Con số này cũng được hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lại.

Một số nguồn tin khác cho biết Nga hiện có 286, 299 hoặc 316 ICBM.

Trong khi đó, theo thống kê của Jamestown Foundation, hiện kho ICBM của Moscow bao gồm các mẫu tên lửa sau:

- 46 tên lửa SS-18 Satan (các định danh khác: R-36M, RS-20, 15A14/15A18).

Đây là tên lửa 2 tầng nhiên liệu lỏng, đặt trong silo do công ty Yuzhmash ở Dnipro, Ukraine phát triển và sản xuất cho tới năm 1991.

Dự kiến, tới năm 2020, mẫu tên lửa này sẽ được thay thế hoàn toàn bằng các ICBM RS-28 Sarmat hiện đại hơn (đang trong quá trình phát triển).

Mỹ nói về cú đấm hạt nhân của Nga: Cũ kỹ, hỗn tạp! - Ảnh 1.

Tên lửa R-36M (SS-18 Satan). Ảnh: Military-Today

Tuy nhiên, có vẻ như SS-18 sẽ không thể duy trì hoạt động đến thời điểm đó, bởi nhà máy của Yuzhmash, chịu tác động tiêu cực từ tình hình xung đột giữa Nga-Ukraine từ năm 2014, đã không còn tham gia bảo dưỡng các ICBM này.

Thay vào đó, công tác bảo dưỡng được chuyển sang cho Trung tâm tên lửa vũ trụ Academician V.P. Makeyev (tại vùng Chelyabinsk, Nga). Song theo phía Yuzhmash, cơ sở của Nga không đủ khả năng thực hiện việc này do họ chưa được tiếp cận với tài liệu thiết kế của SS-18.

- 40 tên lửa SS-19 Stiletto (Định danh khác: RS-18 Mod 1/2/3, UR-100N, UR-100NUTTH, 15A30, 15A35)

Giống như Satan, SS-19 là tên lửa 2 tầng nhiên liệu lỏng đặt trong silo, do công ty cổ phần MIC NPO Mashinostroyenia (Nga) sản xuất tới năm 1985. Tuy nhiên, hệ thống dẫn đường của tên lửa lại do các nhà máy ở Ukraine chế tạo.

Ban đầu, tuổi thọ phục vụ của tên lửa SS-19 là từ 10-15 năm nhưng sau đó đã được kéo dài tới 35 năm (cho tới năm 2021-2022).

- 70 tên lửa SS-25 Sickle (Định danh khác: RS-12M, RT-2PM, Topol): Tên lửa 3 tầng nhiên liệu rắn do Viện công nghệ nhiệt áp Moscow phát triển và là ICBM duy nhất thời Chiến tranh Lạnh được sản xuất trên lãnh thổ Nga sau khi Liên Xô tan rã.

Đây cũng là ICBM đầu tiên có khả năng di động hoàn toàn của Liên Xô. SS-25 được triển khai trong năm 1985, thời hạn phục vụ dự kiến ban đầu là 10-15 năm nhưng theo thông tin mới, nó sẽ tiếp tục được triển khai, ít nhất là cho tới năm 2022.

- 80 tên lửa SS-27 Stalin (Định danh khác: Topol-M, RS-12M1, RS-12M2, RT-2PM2). Là "hậu duệ" của Topol, SS-27 do Viện công nghệ nhiệt áp Moscow phát triển và do 2 nhà máy Votkinsky Zavod và Titan-Barrikady lần lượt sản xuất.

Giống như người tiền nhiệm, đây là tên lửa 3 tầng nhiên liệu rắn có tuổi thọ phục vụ 20 năm. Phiên bản ban đầu, đặt trong silo, được triển khia năm 1998 và phiên bản di động được đưa vào phục vụ trong năm 2006.

Kể từ cuối năm 2012, Nga không trang bị thêm tên lửa SS-27 nào do đã phát triển tên lửa Yars.

- 101 tên lửa SS-29 (Định danh khác: SS-27 Mod 2, RS-24 Yars): Tên lửa 3 tầng nhiên liệu rắn, được phát triển từ mẫu SS-27 và do nhà máy Votkinsky Zavod sản xuất.

Tên lửa Yars được giới thiệu trước công chúng vào ngày 9/5/2015 trong cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Tên lửa đạt khả năng sẵn sàng hoạt động vào năm 2009, có cả phiên bản phóng từ silo và phiên bản di động.

Yars hiện là loại ICBM duy nhất mà Moscow đặt mua sau năm 2012.

Mỹ nói về cú đấm hạt nhân của Nga: Cũ kỹ, hỗn tạp! - Ảnh 2.

Tên lửa RS-24 Yars. Ảnh: Army Recognition

Nga đối mặt với rủi ro

Theo Jamestown Foundation, mỗi năm, lực lượng tên lửa chiến lược Nga đều tiến hành các vụ phóng thử nghiệm để đánh giá đầu đạn mới, cũng như kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các tên lửa.

Khoảng 10-16 vụ phóng thử nghiệm được Nga lên kế hoạch hàng năm, tuy nhiên, con số được tiến hành thực tế thường nhỏ hơn. Từ năm 2008-2015, các vụ phóng thử nghiệm chưa bao giờ vượt quá con số 10 vụ phóng/năm.

Năm 2013, Thượng tướng Karakayev thông báo, các mẫu tên lửa SS-18, SS-25 và SS-19 sẽ hết tuổi thọ phục vụ trong năm 2019, 2021 và 2022. Sau đó, chúng sẽ được thay thế bằng các ICBM hiện đại hơn, có vẻ là SS-X-30 Sarmat.

Mẫu SS-X-31 Rubezh không được tướng Karakayev đề cập tới. Trong các tuyên bố chính thức gần đây của các quan chức Nga, nó cũng "biến mất".

Quá trình phát triển tên lửa Sarmat phiên bản silo được bắt đầu từ năm 2011. Một số nguồn tin cho biết, các cuộc thử nghiệm đầu tiên được hoàn tất vào năm 2015 nhưng các cuộc thử nghiệm tiếp theo bị trì hoãn cho tới quý 4 năm 2017.

Điều đó có nghĩa, các tên lửa Sarmat sẽ không thể được chuyển giao trong năm 2018-2019 mà sẽ muộn hơn. Thời gian cụ thể chưa được xác định.

Mỹ nói về cú đấm hạt nhân của Nga: Cũ kỹ, hỗn tạp! - Ảnh 3.

"Đoàn tàu tử thần" chở tên lửa RT-23

Một loại ICBM khác đang được Nga phát triển là Barguzin – hệ thống tên lửa đặt trên tàu hỏa. Hệ thống này sẽ được trang bị tên lửa mới dựa trên mẫu RT-23 (SS-24 Scalpel). Các cuộc thử nghiệm ban đầu được tiến hành vào năm 2006 và dự kiến sẽ tiến hành phóng thử vào năm 2019.

Theo kế hoạch, hệ thống đoàn tàu tên lửa Barguzin sẽ được đưa vào biên chế lực lượng tên lửa Nga sau năm 2020.

Jamestown Foundation nhận định, nếu chương trình tên lửa Sarmat và Barguzin của Nga không bị trì hoãn thêm nữa và nếu tình hình tài chính cho phép thì lực lượng tên lửa chiến lược Nga sẽ được tái trang bị hoàn toàn bằng các tên lửa mới vào năm 2027.

Theo một số nguồn tin, hiện lực lượng tên lửa chiến lược đảm trách 70% năng lực răn đe của Nga. Mức này có thể giảm xuống 35% vào năm 2020 nếu các ICBM cũ trong kho vũ khí không được duy trì hoạt động.

Trong tình huống đó, Nga cần xem xét công tác phát triển các thành phần khác của bộ ba hạt nhân, trong đó có việc hiện đại hóa lực lượng máy bay ném bom chiến lược, triển khai mẫu máy bay ném bom tàng hình mới PAK DA, cũng như tăng tốc chuyển giao các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân lớp Borei.

Vì vậy, theo Jamestown Foundation, có thể dự đoán rằng, sắp tới, sẽ có một khoảng thời gian Moscow phải đối mặt với rủi ro do bị giảm số lượng ICBM trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại