Chi tiêu quốc phòng của một số cường quốc trên thế giới

Tuấn Sơn |

Viện nghiên cứu hòa bình thế giới Stockholm (SIPRI) vừa công bố báo cáo về chi tiêu quốc phòng của các quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo này, Nga vươn lên vị trí thứ 3 về chi tiêu quốc phòng trên thế giới, điều này đã tạo sự hoài nghi trong giới học giả quân sự Nga về sự xác thực của thông tin trên.

Thực tế, trong vài năm qua, tiềm lực quân sự của Nga đã bắt kịp một phần với các đối thủ tiềm năng và từ năm 2016 đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu quốc phòng và rất khó có thể bị lôi vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Thế nhưng, theo tính toán của SIPRI, chi tiêu quốc phòng của Nga năm 2016 đã vượt Saudi Arabia để đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể, chi tiêu quốc phòng của Nga năm 2016 tăng 5,9% lên mức 69,2 tỷ USD.

Con số này chiếm 5,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga năm 2016, mức chi tiêu quốc phòng cao nhất trong lịch sử nước Nga và đứng thứ 7 trên thế giới. Đây liệu có là con số chính xác khi nền kinh tế Nga đang gặp nhiều vấn đề do giá dầu hạ và các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

"Cần lưu ý là báo cáo do SIPRI khác rất nhiều so với thực tế. Chi tiêu quốc phòng của Nga năm 2016 chỉ chiếm 4,6% GDP", Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố.

Chi tiêu quốc phòng của một số cường quốc trên thế giới - Ảnh 1.

Binh sĩ thuộc Quân đội Nga.

Con số đã bị cường điệu

Đánh giá về báo cáo của SIPRI về chi tiêu quốc phòng Nga năm 2016, Giám đốc Trung tâm An ninh quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và an ninh quốc tế Nga, Alexey Arbatov coi đây là con số không thực tế.

"Chi tiêu quốc phòng của Nga năm 2016 đạt 3.200 tỷ rúp. Với tỷ hối đoái giữa rúp và USD, chúng ta có thể chia con số này cho 60 và đạt được con số tương đương 55 tỷ USD. Đánh giá của SIPRI dựa trên cơ sở nhiều hướng tiếp cận, trong đó có cả các nguồn chi gián tiếp vào công nghiệp quốc phòng.

Nếu tính cả con số đó, chúng ta có thể thêm khoảng 5 tỷ USD, thì chi tiêu quốc phòng Nga năm 2016 cũng không thể vượt quá 60 tỷ USD. So với con số do SIPRI công bố thực sự là khác biệt lớn", ông A. Arbatov nói.

Theo đánh giá của ông A. Arbatov, chi tiêu quốc phòng của Nga sẽ giảm trong vài năm tới và Nga chắc chắn sẽ rời khỏi Top các quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu, nhưng điều này không làm ảnh hưởng tới tiềm lực quân sự của Nga.

Chi tiêu quốc phòng của một số cường quốc trên thế giới - Ảnh 2.

Nga luôn tự chủ được vũ khí, trang bị sản xuất nội địa.

Theo kế hoạch của Moscow, chi tiêu quốc phòng của Nga năm 2017 sẽ giảm 3,3%, còn năm 2019 sẽ là 2,8%. Mức chi tiêu quốc phòng sẽ chạm đáy ở mức 2,7% sau đó.

"Chi tiêu quốc phòng của Nga tăng mạnh thời gian qua chủ yếu liên quan tới chương trình hiện đại hóa quân đội quy mô lớn với mục tiêu tới năm 2021, mức độ hiện đại hóa quân đội đạt 70%. Hiện tại, mức độ hiện đại hóa của Quân đội Nga đã đạt 50% và lực lượng hạt nhân chiến lược đã đạt 90%", ông A. Arbatov đánh giá.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và công nghệ Nga, Ruslan Pukhov nhận định, phương pháp xây dựng báo cáo của SIPRI chưa hoàn thiện và có nhiều điểm thiên lệch.

Ông R. Pukhov, cách tính toán của SIPRI không phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Nga. Không giống như nhiều quốc gia khác, Nga hoàn toàn tự chủ được việc chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị.

Cùng mức tỷ giá 60 rúp / 1 USD, người Nga có thể tạo ra nhiều sản phẩm nhiều hơn so với thông thường. Cụ thể, so sánh chi tiêu quốc phòng dựa trên giá trị đồng tiền thì Nga thua Mỹ 10 lần, nhưng tính trên số lượng và mức độ sản phẩm quốc phòng mới thì chỉ kém khoảng 4 lần.

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, Chính phủ Nga đang khuyến khích việc phát triển các chương trình công nghệ lưỡng dụng vừa có thể áp dụng cho các lĩnh vực dân sự và quân sự.

Những con số "biết nói"

Theo truyền thống, giữ vị trí đầu tiên và thứ 2 trong báo cáo của SIPRI là Mỹ và Trung Quốc. Trong năm 2016, chi tiêu quốc phòng của Mỹ tăng 1,7%, đạt 611 tỷ USD, còn Trung Quốc tăng 5,4%, đạt 215 tỷ USD.

Trong năm 2016, các quốc gia Tây Âu cũng đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng với lý do chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố. Cá biệt, ngân sách quốc phòng của Italia tăng mạnh tới 11%.

Một trong những lý do chi tiêu quốc phòng của Nga vượt Saudi Arabia trong năm 2016 là do những năm trước đây, quốc gia Cận Đông này có nhiều hợp đồng quân sự lớn với Mỹ.

Cụ thể, chỉ riêng hợp đồng mua 84 máy bay chiến đấu F-15 của Saudi Arabia đã trị giá 29,4 tỷ USD. Ngoài ra, quốc gia Cận Đông này còn chi tới hơn 60 tỷ USD mua hàng loạt trang bị, vũ khí khác từ Mỹ.

Chi tiêu quốc phòng của một số cường quốc trên thế giới - Ảnh 3.

Máy bay chiến đấu F-15 của Saudi Arabia.

Trong năm 2016, chi tiêu quốc phòng của Saudi Arabia bất ngờ giảm 30%, xuống mức 63,7 tỷ USD (giảm 25,8 tỷ USD so với năm 2015). Giới chuyên gia nhận định, việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của Al Riyash phần nhiều liên quan tới việc Saudi Arabia đang dính dáng tới hai cuộc chiến tại Yemen và Syria.

Một điểm đáng ngạc nhiên nữa trong báo cáo của SIPRI năm nay là việc chi tiêu quốc phòng của Đức tăng mạnh lên mức 41,1 tỷ USD, xếp thứ 9 trong danh sách 10 quốc gia chi tiêu quốc phòng hàng đầu thế giới.

"Ngân sách quốc phòng của Đức năm 2016 đạt mức kỷ lục so với thời Chiến tranh Lạnh. Hầu hết các đơn hàng quốc phòng của Đức đều được giao cho công ty Rheinmetall AG RHM và Krauss-Maffei Wegmann (KMW) GmbH & Co. KG" tờ báo Wall Street Journal đăng tải.

Chi tiêu quốc phòng của một số cường quốc trên thế giới - Ảnh 4.

Xe tăng Leopard-2 trong biên chế Quân đội Đức.

Đáng chú ý là việc Bộ Quốc phòng Đức chi 800 triệu USD nâng cấp 100 xe tăng Leopard-2. Động thái này khác hoàn toàn với xu hướng cắt giảm lực lượng quân sự của Đức trong nhiều năm qua.

Giới chuyên gia nhận định, Đức tăng chi tiêu quốc phòng phần nhiều là do những quan ngại liên quan tới "mối đe dọa từ Nga" và nguy cơ khủng bố. Đặc biệt là sau khi Moscow giới thiệu hàng loạt trang bị quân sự mới hồi năm 2015.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại