Chí Tài: "Chuyện ăn uống ở Việt Nam giống như mua vé số. Hên xui!"

Cao Thanh Hương |

Chí Tài bảo, bây giờ anh đã phải bỏ thú vui ngồi quán vỉa hè vì một lý do có phần tế nhị. Nhưng vào nhà hàng cao cấp ở Việt Nam thì anh cũng vẫn nơm nớp lo...

Chí Tài: Chuyện ăn uống ở Việt Nam giống như mua vé số. Hên xui! - Ảnh 1.

Chí Tài nổi tiếng trong giới nghệ sĩ là người ăn uống cầu kỳ và kỹ tính. Dù vậy, chính anh và người thân cũng vài lần bị ngộ độc vì thực phẩm bẩn.

Nhiều ông dân nhậu ở mình không hiểu vấn đề vệ sinh

Ở Việt Nam một mình 18 năm, chuyện ăn uống hàng ngày của anh thế nào?

Do công việc, thời gian thất thường nên đa số các nghệ sĩ đều tiện đâu ăn đó. Tôi ở một mình nên ăn hàng quán nhiều hơn những người khác. Nhưng tôi rất khó và kỹ trong chuyện ăn uống nên thường chọn những nơi đàng hoàng và nhìn có vẻ sạch sẽ để yên tâm về mặt vệ sinh.

Mắt mình thấy sạch nhưng thật sự nó có sạch hay không thì cũng không biết. Khuất mắt trông coi thôi, không lẽ lại nhịn không ăn. Được một thời gian, vợ tôi gửi bà chị họ thỉnh thoảng chạy qua nhà nấu ăn nhân tiện canh chừng dùm bà ấy luôn.

Bà chị nấu gì, tôi ăn đó. Biết tôi khó nên bà ấy cũng thường mua thực phẩm trong siêu thị hoặc nếu đi chợ thì phải lựa đồ tươi. Nhưng sau này, tôi không cho nấu nữa vì bà ấy có tật nấu món gì cũng cho hành lá. Đúng món thì không sao, không đúng món thì hư hết cả thức ăn, mất vị.

Nói thiệt với bạn là 20 năm nay tôi mang trong người nhiều bệnh, từ tiểu đường đến mỡ trong máu, cholesterol cao… Ngày xưa tôi uống thuốc tây, ăn uống thì không kiêng cữ nên bệnh càng ngày càng nặng. 

Chí Tài: Chuyện ăn uống ở Việt Nam giống như mua vé số. Hên xui! - Ảnh 2.

Danh hài Chí Tài - ảnh: Trọng Tín.

Gần 1 tháng nay tôi không uống thuốc tây mà chuyển qua liệu pháp điều trị mới kết hợp chế độ ăn uống nghiêm ngặt: Không ăn tinh bột, cơm, phở, hủ tíu, mì... kiêng hết. Cả rượu bia cũng vậy, tôi không đụng một giọt. Chỉ ăn rau và thịt. 

Tôi chỉ uống nước dinh dưỡng làm từ lúa mạch, ăn hột gà mà cũng chỉ được ăn lòng trắng, không ăn lòng đỏ. Thịt cũng chỉ được ăn bò, gà, cá, tôm. Món nào cũng phải ăn nhạt như hấp hoặc luộc và không được ướp gia vị.

Đi đâu cũng phải kè kè hộp thuốc, uống đúng giờ. Mỗi lần gần hai chục viên.

Hiện tại có một cặp vợ chồng là fan ruột nấu cho tôi ăn. Tôi ngại nhưng họ tự nguyện nên đành chịu. Tôi cũng dặn họ khi đi chợ thì mua thực phẩm tốt, đắt chút không sao nhưng mình yên tâm. Họ đi chợ nhiều may chăng biết phân biệt được đâu là thực phẩm sạch chứ tôi là chịu hẳn. Dù vậy, tôi xác định là hên xui thôi.

Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng được coi là mảnh đất của các món ăn vặt. Quán vỉa hè, bình dân nhiều không đếm hết. Và khó có thể phủ nhận rằng, rất nhiều những quán như vậy nổi tiếng bởi đồ ăn ngon. Dù khó tính trong ăn uống nhưng anh có bao giờ lui tới những nơi như vậy?

Tôi thích ăn vặt. Hồi xưa tôi rất thích ngồi vỉa hè vì cảm giác thoải mái, nhìn xe cộ qua lại. Hơn nữa, những quán ăn vặt bình dân như vậy thường rất ngon.

Nhưng lâu rồi tôi không còn khoảnh khắc đó nữa. Vì ngồi một chút là khán giả tới bắt chuyện. Tôi hiểu là vì họ yêu mến nên mới đến nói chuyện với mình. Nhưng 1 người được là 10 người tới.

Chí Tài: Chuyện ăn uống ở Việt Nam giống như mua vé số. Hên xui! - Ảnh 3.

Mặc dù ăn hàng quán nhiều nhưng Chí Tài bảo anh rất để ý chuyện vệ sinh, an toàn thực phẩm - ảnh: Trọng Tín.

Họ mời mà mình không uống thì họ bảo khi dễ. Mà uống thì mỗi người một cốc là mình chết. Chỉ cần 10 người là mình nằm tại chỗ rồi. Người này mời được, người kia cũng tới mời. Uống với người này không uống với người kia thì họ giận, có khi chửi bới đòi đánh mình.

Nhưng tôi ngại nhất chuyện họ đưa luôn cho mình cái ly đang uống. Họ ăn mấy tiếng đồng hồ, dầu mỡ dính tùm lum trên miệng cốc nhưng bắt mình uống chung. Ai biết được trong cái ly đó có cái gì. Ai biết được họ có mắc bệnh gì không. Không uống thì bảo chảnh, khi dễ mà uống thì sợ.

Người ta không hiểu vấn đề vệ sinh và lịch sự. Hầu như mấy ông nhậu ở Việt Nam đều bị cái bệnh đó. Họ cho rằng huynh đệ, anh em thì phải uống như thế mới thiệt tình.

Có lẽ họ ảnh hưởng bởi những phim bộ ngày xưa. Huynh đệ phải cắt máu ăn thề. Nhưng ngày đó làm gì có mấy bệnh như bây giờ, ăn uống chung đũa muỗng cũng lây, hít phải hơi thở cũng lây… Sợ thì sợ mà nhiều khi vẫn phải uống. Dòm cái miệng ly bóng dầu mỡ tôi phải xoay chiều khác để uống. Nghệ sĩ rất khổ chuyện đó.

Sau này, tôi rút kinh nghiệm, hạn chế tới mấy quán nhậu bình dân, mấy quán vỉa hè.

Chí Tài: Chuyện ăn uống ở Việt Nam giống như mua vé số. Hên xui! - Ảnh 4.

Chuyện ăn uống ở Việt Nam giống như mua vé số, hên xui! (ảnh: Trọng Tín)

Anh đã bị ngộ độc thực phẩm bao giờ chưa?

Có, nhiều lần rồi. Lần đó tôi đi Mũi Né. Uống nước đá thôi cũng chạy ra chạy vô ôm cái toilet tới sáng vì họ dùng nước bẩn làm đá. Mình thả đá vô bia, uống về đêm đó thức trắng luôn.

Nhưng nặng nhất là vụ ăn mực cũng ở Mũi Né. Cả gia đình tôi lần đó bị Tào Tháo rượt nguyên đêm. Sáng ra tôi chạy bộ ở bờ biển nên kiệt sức, nằm 3 ngày sau.

Kỳ nghỉ hỏng luôn, mất vui. Sau đó tôi ngại lắm. Đi du lịch, đi đâu cũng ngại chuyện ăn uống vì hên xui. Thậm chí bây giờ đi du lịch tôi đều đem theo thuốc, phòng lúc xui thì có cái cầm ngay tại trận. Bụng dạ tôi thuộc dạng tốt mà còn bị mấy lần.

Tất cả là ý thức

Thường xuyên đi lại giữa hai nước, anh thấy thực phẩm ở Mỹ và Việt Nam như thế nào?

Nói thiệt là chuyện ăn uống ở Mỹ an tâm hơn. Ăn uống ở Việt Nam giống như mình đi mua vé số, hên xui. Vô nhà hàng cao cấp nhưng không biết nguồn hàng, nguồn thực phẩm họ cho mình ăn có cao cấp hay không. Nguy hiểm lắm.

Ra chợ, gặp người bán không tốt cũng làm sao biết được. Mình có hỏi thì người bán cũng không rảnh để trả lời là rau đó, thịt đó do ai cung cấp. Nhiều khi chính họ cũng không biết. Xuống chợ đầu mối lấy đại về bán. Cứ lấy hàng về bán có lời là được rồi, quan tâm chi nhiều cho mệt.

Chỉ những sự kiện lớn truyền thông đưa lên mạng, lên ti vi thì người dân mới biết là họ làm bậy. Nếu báo chí không đưa thì người dân cũng không biết, vẫn ăn uống bình thường.

Chí Tài: Chuyện ăn uống ở Việt Nam giống như mua vé số. Hên xui! - Ảnh 5.

Danh hài cho rằng, rất nhiều người Việt bị nhầm lẫn giữa chuyện giữ vệ sinh, lịch sự và thân tình. Đó là "căn bệnh" phổ biến hiện nay... (ảnh: Trọng Tín)

Còn ở Mỹ, họ có một cơ quan kiểm duyệt gắt gao. Ngay cả hàng bày bán ngoài chợ từ mớ rau, miếng thịt cũng đều ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng.

Tôi không vơ đũa cả nắm, không nói bên nào tốt hơn nhưng nói thiệt là ăn thực phẩm ở Mỹ vẫn yên tâm hơn. Người dân nhiều khi không cần vào siêu thị, mua thực phẩm ở chợ cũng yên tâm rồi.

Chợ ở Mỹ mà bán hàng bậy là bị dẹp ngay. Còn ở mình, có thể vì nhiều chợ quá nên mình đã cố gắng nhưng cũng không kiểm soát hết được.

Chưa kể đến những người bán hàng di dộng trên xe máy xe đạp chạy vào từng con hẻm, từng ngõ ngách ngồi bán, kiểm soát rất phức tạp.

Chuyện thực phẩm bẩn ngoài vấn đề về đạo đức còn là chuyện ý thức của từng người. Anh có nghĩ vậy không?

Chính xác. Ung thư nhiều như thế là do ăn uống và vệ sinh. Do ý thức của mình hết. Mình chỉ có thể bảo vệ bản thân bằng cách tự có ý thức.

Chí Tài: Chuyện ăn uống ở Việt Nam giống như mua vé số. Hên xui! - Ảnh 6.

Bản thân tôi cũng đã trải qua rồi tôi biết. Ngày xưa cha mẹ tôi mải làm ăn đâu có nhắc nhở dạy dỗ con chuyện đó, tới khi mắc bệnh tôi mới biết phải tự cứu lấy mình bằng việc ý thức trong chuyện ăn uống, vệ sinh, thể dục thể thao.

Ngày xưa tôi rất thích ăn thịt kho hột vịt. Tôi khoái ăn thịt mỡ và da. Nó ngon quá, cắn một miếng chao ôi là sướng. Mỗi lần ăn mấy cái trứng. Mình nghĩ là sức mình ăn được thế thì sẽ tiêu thụ hết chỗ thịt trứng đó, kỳ thực không phải. Mỡ dư tích tụ trong người.

Ăn riết, tôi từ đứa ốm thành mập, bị bệnh này bệnh kia. Lúc mình phát hiện ra thì muộn rồi nhưng phải tìm cách điều trị. Tám anh em nhà tôi ai cũng bị, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ.

Ai chăm tập thể dục thể thao thì xác suất bị bệnh thấp hơn hoặc thời gian phát bệnh lâu hơn. Còn người ít vận động thì khả năng mắc bệnh rất cao.

Hiện nay ở các thành phố lớn, nhiều người tự làm mô hình vườn ao chuồng tại nhà để đảm bảo nguồn thực phẩm cho gia đình mình an toàn. Người giàu thì ra ngoại ô thuê đất làm trang trại. Anh đã từng nghĩ sẽ làm như vậy để bảo vệ mình?

Ở Việt Nam, tôi thuê chung cư nên không có diện tích làm vậy. Hơn nữa công việc của tôi hầu như đi suốt, ở nhà rất ít làm gì có thời gian để chăm sóc cây trồng vật nuôi. Chó mèo tôi cũng không nuôi.

Còn ở Mỹ gia đình tôi rất yên tâm về thực phẩm. Xui lắm mới để lọt kẻ làm việc gian ác chích thuốc tầm bậy. Mà những kẻ đó bị phát hiện, hoặc bị tù hoặc bị phạt rất nặng nên họ cũng sợ mà không dám làm. Do đó nhà tôi bên Mỹ không cần phải tự canh tác chăn nuôi để cung cấp thực phẩm cho mình. Nhà tôi cũng có khoảnh vườn nhỏ để má vợ tôi trồng trái cây ăn chơi như ổi, chanh...

Chí Tài: Chuyện ăn uống ở Việt Nam giống như mua vé số. Hên xui! - Ảnh 7.

Theo danh hài, ý thức của từng người dân sẽ giúp người Việt chống được thực phẩm bẩn đang lan tràn hiện nay - ảnh: Trọng Tín.

Bếp là nơi không thể thiếu với bất cứ gia đình nào, xin anh chia sẻ về bếp nhà mình? 

Bếp và chỗ rửa chén phải sạch sẽ. Thùng rác chỉ chứa mấy thứ không gây mùi. Có rác gây mùi hôi như tôm, đầu cá là quăng liền không để trong nhà lâu vì mùi đó cũng ảnh hưởng sức khoẻ.

Ở Mỹ, nhà nào cũng có thùng rác công cộng trước nhà. Người dân tự phân loại rác trước khi đem đổ. Làm sai là bị phạt, mà phạt nặng.

Còn ở Việt Nam mình, hô hào bao nhiêu lâu chuyện phân loại rác thải nhưng cũng không đi tới đâu. Quan trọng là ý thức của từng người. Việc trên cổ động, ban lệnh là chuyện ở trên đưa xuống còn người dân phải tự có ý thức. Không có ý thức thì không bao giờ cải tiến được. Xã hội cũng không văn minh được.

Ngay chuyện quăng rác thôi. Họ quăng xuống cống, bảo sao cống không nghẹt. Tôi chứng kiến rất nhiều lần, người ta ăn cơm hộp xong, thùng rác cách đó chừng 20 bước chân cũng làm biếng đi, vứt xuống cống cho nhanh.

Cống nghẹt, mưa lớn không thoát nước, cũng chính họ lại kêu hôi thối. Đó là chưa kể nước cống dâng lên thì chính mình hứng chịu, nhiễm trùng nhiễm độc.

Chí Tài: Chuyện ăn uống ở Việt Nam giống như mua vé số. Hên xui! - Ảnh 8.

Chừng nào chúng ta hiểu được rằng chuyện mình làm biếng, thiếu ý thức vệ sinh nơi công cộng, quăng rác bừa bãi là chúng ta đang tự hại mình thì mới mong thay đổi được. 

Tất cả là ý thức. Chuyện tự bảo vệ mình còn không làm được thì không tránh được người ta hại nhau bằng thực phẩm bẩn vì lợi ích đồng tiền.

Cám ơn anh đã chia sẻ!

Sáng 28.12.2016, tại khách sạn Equatorial, TP.HCM, sẽ diễn ra Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng: THỰC PHẨM SẠCH DÀNH CHO AI? Diễn đàn có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia có uy tín: - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám; - GS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp hàng đầu) - Ông Nguyễn Như Tiệp (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản – Bộ NN&PTNT); - TS Trần Quang Trung (Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thực phẩm, Nguyên Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế); - Bà Vũ Kim Hạnh (Người sáng lập Hàng Việt Nam chất lượng cao); - Đại diện tập đoàn Nestle - tập đoàn theo đuổi triết lý phát triển bền vững, sản xuất thực phẩm an toàn và hỗ trợ nông dân Việt Nam; - Ông Nguyễn Lâm Viên, TGĐ Vinamit; - MC Phan Anh (đại diện người tiêu dùng); - Ông Vũ Thế Thành (Chuyên gia quản trị chất lượng); - TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An

Tất cả những thông tin hữu ích, lý thú tại diễn đàn sẽ được 80 - 100 cơ quan thông tấn báo chí đưa tin, phân tích, bình luận.

Các cá nhân, doanh nghiệp muốn tham dự Diễn đàn có thể đăng ký TẠI ĐÂY

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại