Thảo luận: Người sản xuất thực phẩm sạch phải đối mặt những thách thức nào từ chính sách và thực tiễn?

Nhóm PV |

Tại phiên thảo luận rất nhiều ý kiến của những nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các doanh nhân, người sản xuất, người tiêu dùng được đưa ra bàn luận sôi nổi.

Vào 9h40, ngày 23/8, tại Chương trình Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp - người tiêu dùng: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH đã diễn ra Phiên thảo luận mở - bàn tròn "Người sản xuất thực phẩm sạch phải đối mặt những thách thức nào từ chính sách và thực tiễn?" do TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng, Viện Chính sách và chiến lược PTNNNT điều phối.

Cần nhận thức lại quan điểm về phát triển nông nghiệp

Mở đầu phiên thảo luận, ông Trương Đình Tuyển, Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cho biết: Nhu cầu thực phẩm sạch tăng mạnh mẽ từ người tiêu dùng Việt Nam, những cảnh báo từ chuyên gia y tế, người dân lo lắng và tìm đến thực phẩm sạch.

"Tôi hoan nghênh việc xử lý mạnh những người sử dụng chất cấm, chúng ta có hàng chục triệu hộ kinh doanh nên không thể kiểm tra hết, và đây chỉ là phần ngọn, quan trọng nhất là tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp", ông Tuyển nhấn mạnh.

Sau khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) kết thúc đàm phán, người ta nói nhiều đến thách thức đối với một số sản phẩm nông nghiệp hoặc được sản xuất ra từ sản phẩm nông nghiệp, như mặt hàng thịt lợn, thịt gà...

Thách thức lớn nhất là Việt Nam không đảm bảo được tiêu chuẩn biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) để có thể tận dụng cơ hội khi các đối tác đưa thuế nhập khẩu của rất nhiều sản phẩm nông thuỷ sản của Việt Nam xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Một số ít sản phẩm còn lại có lộ trình xoá bỏ thuế quan chỉ từ 3-5 năm, một số ít trường hợp bị áp đặt hạn ngạch thuế quan.

"Trong trường hợp không đảm bảo tiêu chuẩn biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật thì cơ hội không tận dụng được và thách thức sẽ ập đến. Do đó, vấn đề cấp bách đặt ra là phải đảm bảo sản xuất nông sản, thực phẩm và tiêu dùng thực phẩm sạch.

Bảo đảm nông sản – thực phẩm sạch không chỉ là yêu cầu của xuất khẩu mà quan trọng hơn là bảo đảm sức khoẻ của người dân", ông Trương Đình Tuyển nói.

Vị cựu Bộ trưởng cũng đề xuất việc cần nhận thức lại quan điểm về phát triển nông nghiệp, phải chuyển từ chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện như vẫn được ghi trong Nghị quyết của Đảng từ trước đến nay sang phát triển một nền nông nghiệp đa chức năng dựa trên lợi thế so sánh.

Thảo luận: Người sản xuất thực phẩm sạch phải đối mặt những thách thức nào từ chính sách và thực tiễn? - Ảnh 1.

Cũng theo ông Tuyển, tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên 2 mũi đồng thời là tập trung đất và áp dụng khoa học công nghệ.

Cần hình thành mạng sản xuất, chuỗi giá trị từ khâu gieo trồng, canh tác, chế biến. Chúng ta chỉ kiểm soát chất lượng ở 1 số khâu. Điều quan trọng cần phân phối lợi ích giữa các khâu vì hiện giờ có tình trạng giá lên người chế biến, buôn bán được hưởng lợi.

Nhà nước cần xây dựng mô hình mẫu, tuyên truyền vận động nông dân, có vai trò và trách nhiệm đào tạo lực lượng nông dân, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, phải có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đi vào nông nghiệp, hiện có 1 làn sóng nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Tiếp đó, TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn khẳng định: Câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm là quan trọng với ngành nông nghiệp. Nhưng đây cũng chính là lối thoát, con đường để chúng ta khôi phục và phát triển ngành.

Thảo luận: Người sản xuất thực phẩm sạch phải đối mặt những thách thức nào từ chính sách và thực tiễn? - Ảnh 2.

Bà Từ Thị Tuyết Nhung - Trưởng điều phối tổ chức chứng nhận hữu cơ PGS tại Việt Nam

Hình như chúng ta quên mất vai trò của nông dân...

Đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển đặt câu hỏi: Tiêu chuẩn hữu cơ là nền tảng cơ bản phát triển ngành hữu cơ của Việt Nam nhưng hiện chưa có.

Xin hỏi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn bao giờ sẽ đưa ra được tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ và thành lập cơ quan chuyên trách cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ?

Bao giờ thống nhất được một cơ quan thống nhất kiểm tra giám sát cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch?

Riêng với chính sách thuế, cơ quan thuế có đưa ra những ưu đãi về thuế đối với những doanh nghiệp Star-up kinh doanh, sản xuất thực phẩm sạch?

Bà Từ Thị Tuyết Nhung - Trưởng điều phối tổ chức chứng nhận hữu cơ PGS tại Việt Nam: "Hiện nay chúng tôi đang gặp rất nhiều vấn đề về việc làm thế nào để đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường.

Đây là vấn đề đang đau đáu, và chúng tôi cũng mong Bộ Nông nghiệp mở lối cho chúng tôi. Hiện đã có nhiều cuộc thảo luận và chủ yếu là doanh nghiệp nhưng hình như chúng ta quên mất vai trò của nông dân.

Phải kết nối họ, chiếm gần 70% nhưng họ đang phải bươn chải, phải có chính sách nào kết nối họ lại, có tổ chức định hướng, đào tạo họ. chúng tôi xây dựng bộ tiêu chuẩn trong khi Việt Nam chúng ta hiện chưa có bộ tiêu chuẩn này, chưa có tiêu chuẩn mà lại có hướng dẫn - rất khập khiễng.

Song song với đó, ai là người đánh giá, ai công nhận. Việt Nam chúng ta lại chưa có bộ phận này. Trong hệ thống giám sát, đánh giá phải có cả người tiêu dùng đi cùng để đánh giá.

PGS là hệ thống có chuyên gia và gần như là hệ thống người cấp chứng nhận của bên thứ 3. Trong hệ thống phải có sự tham gia của ng sản xuất, người tiêu dùng giám sát, quản lý.

Tôi mê mẩn hệ thống này nhưng nhiều người hỏi sao nó không phát triển được, bởi vì thiếu chính sách. PGS chưa được chính nhận nhưng tôi tin rằng chúng ta cứ làm đi, nó đi ra được thị trường và mang lại niềm tin cho người tiêu dùng là hạnh phúc rồi".

TS. Đặng Kim Sơn nêu ý kiến: "Đây là giải pháp hiện đại, các nước trên thế giới việc kiểm tra không nhất thiết là cơ quan quản lý nhà nước.

Tương lai theo tôi nếu PGS tại Việt Nam được thị trường công nhận, bước tiếp là cơ quan quản lý nhà nước công nhận chất lượng kiểm soát và làm đúng được phép thay mặt nhà nước".

Thảo luận: Người sản xuất thực phẩm sạch phải đối mặt những thách thức nào từ chính sách và thực tiễn? - Ảnh 3.

Việt Nam nhập về khoảng 4.100 loại thuốc trừ sâu một năm

Theo GS Nguyễn Lân Dũng: "Không nên nói rau hữu cơ vì không có rau vô cơ. Chúng ta không nên nói rau an toàn, rau không an toàn mà phải là rau bảo đảm, trên bao bì ghi "chúng tôi không dùng thuốc hoá học, phân đạm hoá học".

Hiện nay chúng ta nhập về 4.100 loại thuốc trừ sâu, trong đó có 1.643 hoạt chất khác nhau. Trong khi Trung Quốc là nước rộng hơn hẳn chúng ta mà chỉ dùng có chừng 600 hoạt chất.

Bình quân mỗi năm mình nhập về 70.000 -100.000 tấn thuốc trừ sâu, trừ bệnh cây trồng - con số khủng khiếp luôn.

Hàng nghìn loại thuốc sâu như vậy không thể phân biệt hết được. Vậy cho nên phải đảm bảo không dùng thuốc sâu, phân hoá học nữa. Và muốn làm như vậy thì rau trồng phải đặt trong lưới và dùng phân hữu cơ. tất cả hệ thống chính trị vào cuộc theo.

Tại sao chúng ta không làm thuốc trừ sâu vi sinh học trong khi các nhà khoa học có hàng ngàn loại vi sinh vật… Các lãnh đạo toàn đề tài nghiên cứu khoa học xuất sắc nhưng nghiên cứu xong đút vào ngăn kéo.

Rõ ràng là chưa có ai lo cả, chúng ta cứ kêu gọi nhưng chẳng có một cái gì cụ thể...

Theo tôi cần phải có những cơ chế, chính sách và sự quyết liệt của Nhà nước. Chúng ta nên phát triển thuốc trừ sâu sinh học, thay thế hoá học và thay thế hệ thống thực phẩm hiện tại bằng việc trồng rau trong nhà lưới và chỉ dùng phân hữu cơ".

Nhiều tiêu chuẩn trong trồng trọt chưa sát với thực tế

Ông Nguyễn Như Cường, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: "Hiện tại năm 2015, Bộ Khoa học công nghệ đã ban hành TCVN11041-2015 về sản xuất hữu cơ, trước đó Cục Trồng trọt cũng đã xây dựng tiêu chuẩn trong trồng trọt, nhưng sau khi Bộ Khoa học Công nghệ ban hành TCVN chung trong sản xuất hữu cơ thì Cục Trồng trọt không ban hành riêng tiêu chuẩn nữa.

Tuy nhiên, do những tiêu chuẩn này chưa sát thực tế, nên trong trung tuần tháng 8 này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã có cuộc họp bàn với các cơ quan trong Bộ và Bộ Khoa học Công nghệ liên quan.... để tìm hướng, đưa ra giải pháp xây dựng chính sách phát triển hữu cơ cho phù hợp thực tế".

Về cơ quan chuyên trách ban hành Giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ, ông Cường cho hay, theo quy định thì Bộ Khoa học công nghệ và các cơ quan của Bộ Khoa học công nghệ sẽ tiếp nhận các công bố theo tiêu chuẩn, nhưng việc chỉ định các chứng nhận phù hợp lại do Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học công nghệ) xem xét cấp giấy chứng nhận.

Nếu tổ chức nào đảm bảo điều kiện về: con người, trang thiết bị, ISO hoạt động thì được chứng nhận...

Ông Cường cũng bày tỏ sự chia sẻ với đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển khi "than" có quá nhiều cơ quan kiểm tra, giám sát cùng lúc đối với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh hiện nay.

"Việc quản lý được phân theo chuỗi, nhưng đúng là thuộc nhiều bộ, ngành. Tuy nhiên, việc kiểm tra giám sát, thuế tạo điều kiện cho doanh nghiệp phụ thuộc ngoài phạm vi của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mà thuộc phạm vi của Chính phủ", ông Cường nói.

Do đó, Cục trưởng Cục Trồng trọt xin ghi nhận ý kiến đóng góp của đại diện doanh nghiệp và sẽ báo cáo với lãnh đạo bộ để có đề xuất với Chính phủ nghiên cứu, đưa ra chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch phát triển.

Sẽ báo cáo ngay với Bộ trưởng trong chiều mai

TS. Nguyễn Kim Sơn tiếp lời: Ngay trong cuộc họp chiều mai (24/8) tôi sẽ trực tiếp báo cáo vấn đề này với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nguyễn Xuân Cường để có giải pháp giải quyết kịp thời.

Tiếp đó là câu hỏi từ một người chăn nuôi đặt ra với ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT: "Người nuôi lợn gần đây cho nhiều chất cấm vào thức ăn chăn nuôi, rất mừng vì Cục Chăn nuôi lập đoàn kiểm tra mạnh nhưng có lẽ đã bị chìm xuống, sắp tới có kiểm tra thường xuyên hay không?".

Ông Hoàng Thanh Vân: "Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi từ năm 2013-2014 và đầu 2015 rất phổ biến, từ việc người dân, cơ quan báo chí phản ánh và kiểm tra của cơ quan quản lý, Bộ Nông nghiệp đã mở chiến dịch kiểm tra chất cấm từ tháng 10/2014.

Kiểm tra đối với các đối tượng chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại nhỏ, trang trại lớn và chăn nuôi liên doanh, hiện có tỉnh, thành báo cáo không còn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Việc đánh giá chất cấm được kiểm tra bởi phòng chuyên môn, chỉ định, cán bộ từ trung ương xuống cơ sở. Trong đó có sự phối hợp quyết liệt của Công an và cơ quan thanh tra, kiểm tra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu nếu có sự khả nghi.

Bộ cũng đã kiến nghị Quốc hội liên quan đến việc kiểm soát chất cấm, Bộ Luật hình sự đang được nghiên cứu chỉnh sửa một số điều, người có hành vi sử dụng buôn bán chất cấm phải được xử lý hình sự, hiện mức xử phạt từ cấp độ cao cho đến thấp.

Kiểm soát chất cấm không có điểm dừng, cơ quan chức năng có quyền kiểm tra xử lý theo quy định".

Ông Đặng Kim Sơn: "Tóm lại câu trả lời chúng ta sẽ tiếp tục kiểm tra, cần sự phối hợp với các tổ chức, hiệp hội, không ai kiểm tra tốt hơn chính người tiêu dùng, chính người kinh doanh".

Ông Trương Đình Tuyển băn khoăn, chúng ta tiếp tục nhưng chiến dịch chỉ là sự hô hào, hết chiến dịch nhịp độ của có thể sẽ chậm hơn.

Ông Nguyễn Lân Dũng: "Chúng tôi chịu trách nhiệm trước phát luật, cam kết không sử dụng chất cấm nhưng người chăn nuôi nói không thể có 3 tháng xuất chuồng nếu sử dụng thức ăn sạch".

TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế: "Xu hướng thế giới là phải quản lý truy xuất nguồn gốc. Muốn kiểm soát chất cấm thì phải kiểm soát từ thức ăn chăn nuôi.

Ông Đặng Kim Sơn: "Việc áp dụng các tiêu chuẩn thì phải có sự phối hợp với nhà nước - người dân chủ động tham gia và doanh nghiệp".

Thảo luận: Người sản xuất thực phẩm sạch phải đối mặt những thách thức nào từ chính sách và thực tiễn? - Ảnh 4.

"Muốn rẻ thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch"

Ca sỹ Mỹ Linh: "Ủng hộ ý kiến của doanh nhân Thái Hương về sự minh bạch. Chúng tôi là những tiêu dùng, nhưng chính bản thân không tìm thấy sự minh bạch và phải tự sản xuất thực phẩm sạch cho gia đình."

Ca sỹ Mỹ Linh cũng tỏ ra không đồng tình với quan điểm của một đại biểu đưa ra - Thực phẩm sạch là rẻ. "Thực phẩm muốn sạch, lại muốn rẻ thì không ổn. Trong khi các vị có thể bỏ tiền vào những thứ đắt tiền. Muốn rẻ thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch.

Bản thân tôi tự trồng thực phẩm cho gia đình, tôi thấy đắt chứ không hề rẻ", ca sỹ Mỹ Linh nói.

Đơn cử mô hình kinh doanh của taxi Uber, Grab... ca sỹ Mỹ Linh cho rằng, ở đâu có người nhiều phản hồi tốt, nghĩa là địa chỉ tốt thì người dân sẽ tự mình tìm đến.

Đồng tình với ý kiến trên của ca sỹ Mỹ Linh, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng, tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được bình chọn từ chính ý kiến của người tiêu dùng.

Điều này cho thấy sức mạnh của người tiêu dùng, chỉ có sản phẩm thực sự tốt, có chất lượng mới có thể tồn tại được trên thị trường. Việc chuyển đổi từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước kiến tạo là đúng, chuẩn xác.

Bà Thái Hương tiếp lời: Vai trò của Nhà nước là đưa ra tiêu chuẩn của sản phẩm thực phẩm. Muốn giảm hàng kém chất lượng thì chỉ có người tiêu dùng giám sát và đưa ra đánh giá.

Thảo luận: Người sản xuất thực phẩm sạch phải đối mặt những thách thức nào từ chính sách và thực tiễn? - Ảnh 5.

Một khách mời tham gia phiên thảo luận mở đầu tiên

Cũng trong phiên thảo luận đầu tiên, thay vì đặt câu hỏi, một khách cho biết anh sẽ đi tìm giải pháp. Theo vị này, chúng ta chưa hiểu thế nào là nông nghiệp, bản chất của nông nghiệp là đất, đất canh tác cải tạo tốt cây trồng và vật nuôi sẽ tốt như TS. Chân trong bài phát biểu đầu diễn đàn nói.

"Tôi không đồng ý với GS Nguyễn Lân Dũng khi nói làm trong nhà kính, tôi đến doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGap tại Đà Lạt và họ nói trả lời có dùng thuốc bảo vệ thực phẩm.

Nhật Bản mang rau sang Việt Nam nhưng chỉ là rau xà lách mà người Việt cũng có thể trồng được và không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật, mấu chốt là cần cải tạo từ đất, đất của chúng ta ô nhiễm quá nhiều và thiếu nhiều chất đó là vi lượng", anh này cho biết.

Thảo luận: Người sản xuất thực phẩm sạch phải đối mặt những thách thức nào từ chính sách và thực tiễn? - Ảnh 6.

Ông Lê Tư, Công ty Hồng Thanh Việt (Vũng Tàu)

Không có niềm tin thì không thể phát triển được

Ông Lê Tư, Công ty Hồng Thanh Việt (Vũng Tàu) cho biết: Doanh nghiệp của ông chuyên cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng, khách sạn ở Vũng Tàu. Khách hàng đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, nên ông phải lên Đà Lạt tìm nguồn thực phẩm.

Thực tế thì chỉ có số ít là thực phẩm đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap, còn lại khi ngỏ lời nhập hàng thì nhận được câu trả lời từ phía người cung cấp: Anh cần chứng nhận VietGap thì tôi lo cho.

Vì thế, ông Tư đề xuất: Sự minh bạch về phía Nhà nước, cơ quan quản lý tới người sản xuất mới không có chuyện "lo chứng nhận VietGap".

Đồng thời, đề nghị người tiêu dùng cần có niềm tin với những nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch.

"Doanh nghiệp bán thực phẩm sạch thì người tiêu dùng không mua. Xã hội đang mất niềm tin trầm trọng, nhưng cũng cần tìm hiểu, chứ không phải nói không tin rồi ra chợ mua thực phẩm không rõ nguồn gốc", ông Tư nói

Khép lại phiên thảo luận đầu tiên, TS. Đặng Kim Sơn phát biểu: Đón sóng thực phẩm sạch cũng là xây dựng niềm tin mới. Phải xây dựng và giữ niềm tin. Không có niềm tin thì không thể phát triển được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại