Bạn đọc Hoàng Văn B. (nam, 45 tuổi, huyện Hóc Môn, TP HCM), hỏi: Chào bác sĩ, trong 2 đợt xét nghiệm máu gần nhất (cách nhau khoảng 8-9 tháng), tôi có 1 chỉ số vượt giới hạn bình thường là triglyceride . Tôi thấy chỉ số này lạ quá nên rất lo lắng. Xin bác sĩ cho biết chỉ số này là gì, tăng có nguy hiểm không? Tôi nên làm gì để chỉ số này về mức bình thường?
PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP HCM), trả lời:
Trigyceride là dạng chất béo tự do trong máu, là kết quả sau cùng của sự ly giải và hấp thu chất béo từ thức ăn. Một phần của triglyceride được chuyển hóa thành năng lượng cho hoạt động của cơ thể. Giá trị của Triglycerid trong máu được đánh giá (lúc đói) như sau:
- Bình thường: < 150 mg/dl
- Giới hạn cao: 150-199 mg/dl
- Cao: 200-499 mg/dl
- Rất cao: > 500mg/dl
Tình trạng tăng triglycerid có liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ và bệnh lý của tuyến tụy, phổ biến là bệnh tiểu đường type 2. Sự gia tăng triglyceride còn gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch, có thể gây ra hẹp mạch vành, thiếu máu cơ tim…
Vì vậy, khi xét nghiệm cho thấy mức triglyceride không nằm trong giới hạn bình thường, bệnh nhân cần được áp dụng các biện pháp nhằm làm giảm triglyceride trong máu.
Biện pháp đầu tiên là thay đổi chế độ ăn và tăng cường vận động cơ thể. Cụ thể, giảm ăn chất béo từ mỡ động vật và vận động thể lực hàng ngày có thể giảm được mức độ triglyceride đáng kể.
Tuy nhiên nếu tình trạng gia tăng triglyceride tiếp tục kéo dài và không đáp ứng với chế độ ăn kiêng, vận động, anh phải đi khám bệnh. Thông thường bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc giảm cholesterol máu (các loại thuốc nhóm statin, fibrat và dầu cá) để giảm triglycerid về giới hạn cho phép, cũng như điều trị các bệnh liên quan mà tôi đã kể trên, nếu có.
Sau đó, bệnh nhân cần tiếp tục được theo dõi, tái khám theo hẹn và kết hợp với chế độ ăn uống, vận động hợp lý như đã nêu trên. Tùy vào tình trạng tăng triglycerid và đáp ứng với điều trị của mỗi bệnh nhân, tình trạng bệnh nền nếu có (bệnh lý về gan, tụy...) mà bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể.