Thi thoảng trên trang cá nhân của tôi lại hiện lên vài tấm ảnh của một ông bố nào đó hãnh diện đăng lên, khoảnh khắc mình đang một tay ôm con, còn tay kia cầm điếu thuốc, miệng phì phèo nhả khói, các em bé trong ảnh tôi nghĩ hầu hết chỉ khoảng từ 1-3 tuổi, hầu hết mọi người vào bình luận đều khen hai bố con trông thật "ngầu", thật "chất"… còn cá nhân tôi, thấy hình ảnh đó cứ sao sao.
Vừa hôm trước, một bà mẹ trẻ đưa con đi chơi, gặp một ông bố trẻ khác đang phì phèo thản nhiên hút thuốc, mặc dù xung quanh là rất nhiều trẻ nhỏ. Bà mẹ lên tiếng góp ý thì ông bố cằn nhằn: "Đàn bà rách việc, kiểu gì sau này lớn lên chúng nó chả hút!".
Khói thuốc lá là một trong những mối nguy hiểm hàng đầu đối với sức khỏe trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)
Còn nhiều cảnh tượng như thế mà chúng ta có thể gặp ở bất cứ đâu, những ông bố vừa rít xong hơi thuốc là thơm chụt lên miệng con, những ông bố tay cầm điếu thuốc (và cả điện thoại nữa) tay kia tranh thủ đút cho con miếng cơm hay vỗ vỗ ru con ngủ; những ông bố hồn nhiên vô tư phả khói thuốc ở các sân chơi đầy trẻ nhỏ đang cùng chơi với con mình hay khi mang con đi café hoặc những ông bố chịu khó "trốn" đi chỗ khác hút thuốc cho đã, về nhà đánh răng, xúc miệng kĩ càng, thậm chí thay quần áo rồi mới dám ôm con…
Tất cả những ông bố chắc chắn đều yêu con, nhưng nếu hỏi họ "có bỏ thuốc lá vì con không?" thì tôi tin rằng, hơn 90% sẽ ậm ừ "chắc là khó"!
Có thể họ chưa rơi vào tình cảnh của ông bố bà mẹ của bé trai 1 tháng tuổi người Indonesia qua đời do viêm phổi nặng vì hít phải khói thuốc lá trong một buổi tiệc của gia đình. Phim chụp X-quang của cậu bé gần như trắng xóa, chỉ còn một phần nhỏ vẫn còn màu đen.
Dù được điều trị bằng những phương pháp hiện đại nhất nhưng không có phép màu nào xuất hiện để giữ lại mạng sống cho cậu bé – người chỉ mới một vài ngày trước còn là một bé trai hoàn toàn khỏe mạnh và đáng yêu.
Có thể họ chưa từng phải đối diện với những chẩn đoán "xét đánh ngang tai" như một người mẹ trẻ từng chia sẻ về việc cậu con trai 2 tuổi của chị vì hít khói thuốc lá thụ động của ông và bố mà gây nguy hiểm đến tính mạng.
Có thể họ chưa trải qua những đêm dài ở phòng cấp cứu, nơi có những em bé bị viêm phổi cấp, đe dọa tính mạng, điều trị ròng rã hàng tuần, hàng tháng trong viện vẫn không khỏi chỉ vì hít hơi thuốc thụ động từ ông, từ chú, từ hàng xóm, từ những người lớn vô trách nhiệm xung quanh và từ chính bố của mình.
Có thể họ nghĩ, tỉ lệ những trường hợp đó chỉ là rất nhỏ, kiểu gì cũng "chừa" con mình ra!
Hãy suy nghĩ kĩ trước khi bạn đốt một điếu thuốc, bởi khói thuốc không chỉ đầu độc chính bản thân bạn mà còn có thể đe dọa tính mạnh của cả con bạn nữa. (Ảnh minh họa)
Nhưng bạn sẽ không nghĩ vậy khi biết rằng, trong khoảng 5-6 năm đầu đời, khi trẻ dành hầu hết thời gian ở bên bố mẹ, ông bà thì tác hại của khói thuốc thụ động đối với sức khỏe của trẻ thực sự tồi tệ và kinh khủng.
Trẻ em đặc biệt dễ bị phơi nhiễm khói thuốc lá vì chúng không thể kiểm soát lượng khói chúng hít vào và thể chất trẻ đặc biệt nhạy cảm với những ảnh hưởng của khói thuốc lá.
Ảnh hưởng của việc hút thuốc thụ động lên trẻ rất khó để bố mẹ nhận ra khi chúng còn nhỏ, "những hậu quả tiêu cực con nhận được khi là người hút thuốc thụ động không xuất hiện ngay lập tức nên phụ huynh không hề đề cao nhận thức về vấn đề này", Tiến sĩ Annie Lintzenich Andrews – một chuyên gia nhi khoa của trường Đại học Y khoa South Carolina (Mỹ) cho biết.
Việc tránh đi chỗ khác hút thuốc hay không hút thuốc trong nhà khi có trẻ em gần như không có tác dụng, bởi vì, theo một nghiên cứu mới đây tại Đại học bang San Diego (Mỹ), khói thuốc lá còn lưu lại trong phổi, trong hơi thở của bạn, thậm chí còn lưu lại trong nhà bạn đến tận 6 tháng.
Ngay cả khi bạn bỏ thuốc lá, chất gây ung thư từ khói thuốc vẫn còn tồn tại trên ghế sofa, tường, thảm, rất lâu sau đó.
"Người hút thuốc thụ động phải hít những chất độc hại đó trong môi trường gia đình và dù cho một người trong gia đình đã bỏ thuốc, những người còn lại vẫn phải chịu tác hại của chúng.
Nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm của người hít khói thuốc thụ động còn lớn hơn gấp nhiều lần so với người hút thuốc chủ động. Trẻ em sống chung nhà với người hút thuốc sẽ có tỉ lệ nhiễm các loại bệnh hô hấp cao hơn các trẻ khác.
Càng có nhiều người trong nhà hút thuốc hoặc người đó hút thuốc càng nhiều, triệu chứng bệnh của trẻ sẽ càng trầm trọng hơn. Khói thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm đối với những trẻ bị bệnh hen suyễn.
Trẻ tiếp xúc nhiều với khói thuốc sẽ tăng nguy cơ lên cơn hen suyễn, phải thường xuyên đến phòng cấp cứu cũng như gia tăng số lần phải nhập viện.
Hậu quả của việc hít khói thuốc thụ động có thể gây ra với trẻ là bệnh nhiễm trùng tai, chảy dịch và tắc nghẽn tai trong, ho hoặc viêm phế quản, viêm bạch hầu thanh quản hoặc viêm thanh quản, thở khò khè hoặc viêm tiểu phế quản, lên cơn hen suyễn, viêm phổi, cúm, cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên, nhiễm trùng xoang, viêm họng, kích ứng mắt, nguy cơ mắc phải đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS)….
Đọc một loạt danh sách các bệnh thường gặp đó, có ông bố nào giật mình xem lại "lịch sử" các trận ốm của con mình?
Và hãy nhớ rằng, những hậu quá đó thường không xuất hiện ngay lập tức để bạn giật mình đề cao cảnh giác, nó cứ thế âm thầm ngấm vào trẻ và làm yếu dần hệ miễn dịch cũng như sức đề kháng của trẻ mà bạn có thể không hề hay biết.
Các bác sĩ nhi khoa và chuyên gia sức khỏe đều khuyên rằng, muốn bảo vệ trẻ tuyệt đối khỏi khói thuốc thụ động, chỉ có cách duy nhất là cách ly trẻ hoàn toàn khỏi môi trường khói thuốc và những người đang hút thuốc.
Thông điệp đơn giản và ngắn gọn nhất dành cho các ông bố: Đã sinh con thì KHÔNG thuốc lá. (Ảnh minh họa)
Tôi không chắc là những thông tin trong bài viết này, hay vô số những thông tin khác về tác hại của khói thuốc với chính bản thân người hút và những người hít khói thuốc thụ động xung quanh như chính con cái và những người thân của họ sẽ khiến những người ông, người chú, người bác (và một số ít những người mẹ hút thuốc) giật mình và thay đổi.
Chỉ cần một vài người trong số họ ý thức được sự nguy hiểm từ hành động mà họ coi là "giải khuây", "sở thích", "thói quen" này đối với trẻ nhỏ để điều chỉnh mình đã là tốt lắm rồi, sẽ có thêm một vài em bé được xây dựng một nền tảng sức khỏe hoàn thiện nhất từ sự nỗ lực và đồng lòng của cả bố và mẹ.
Hoặc nghĩ một cách đơn giản là, nếu nuôi con bằng sữa mẹ là thiên chức thiêng liêng của mẹ, thì bảo vệ con khỏi khói thuốc lá chính là trách nhiệm và tình yêu thương mà các ông bố (cần phải) dành cho con. Việc nhỏ nhoi đó, liệu các ông bố có thể làm?