Quyết tâm sinh mổ vì sợ hỏng "vùng kín"
Sau khi đã dọn về chung một nhà nhưng anh L.P.K và chị X.L.H (Cầu Giấy – Hà Nội) chưa vội có con mà đều lên kế hoạch lo công việc ổn định rồi sau đó sinh em bé.
Khi nhà cửa xây sửa xong xuôi, hai vợ chồng quyết định "thả cửa" để đón tin vui. Ngày có bầu, chị H. vừa phải lo nghĩ cho kỳ sinh nở, chăm sóc con sao cho khỏe mạnh vừa lo lắng sinh nghi chuyện chồng bồ bịch trong thời kỳ bầu bí, sau này là thời kỳ kiêng cữ.
Cũng từ suy nghĩ đó, H. nhiều lần nghĩ sẽ phải lựa chọn sinh mổ vì sợ "cửa mình" rộng, sau này chồng chán và sẽ đi quan hệ ngoài luồng.
Thời kỳ bụng mang dạ chửa, chị H. nghỉ làm ở nhà lại càng có nhiều thời gian rảnh rỗi. Sinh ra việc lên các diễn đàn chia sẻ tâm sự, chị nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ các mẹ bỉm sữa cùng cảnh ngộ. Chị H. thấy các chị em thủ thỉ với nhau về chuyện sau sinh phải sửa soạn nhan sắc để giữ chân chồng.
Cũng tại các diễn đàn mạng xã hội, có chị còn khuyên nên đẻ mổ để tránh việc "cửa mình" lỏng lẻo, khiến chồng chê. Thấy thế, chị vội lên mạng tìm hiểu, thì được biết rất nhiều chị em phải đi tân trang lại "cô bé" vì bị tổn thương quá nặng sau ca sinh thường. Đọc xong nàng thấy hãi quá, thế là nàng quyết định sinh mổ.
Sinh mổ âm đạo vẫn rộng vì nó có nhiều lý do
Gần đến ngày sinh, chị mới thông báo với chồng là sẽ chọn đẻ mổ. Khi anh chồng hỏi lý do vì sao thì chị không nói. Là người khá chu toàn, anh chồng thường xuyên tìm hiểu sách báo, được biết phương pháp an toàn nhất với mẹ bầu vẫn là sinh thường nếu sức khỏe thai kỳ của người mẹ hoàn toàn bình thường. Tìm lời lẽ khuyên nhủ thế nào cũng không được, anh đành chiều theo ý vợ cho đẻ mổ.
Đây chỉ là một trong số ít trường hợp các bà bầu lựa chọn hình thức đẻ mổ để bảo tồn "cô bé". Vậy thực hư chuyện sinh mổ để tránh "cửa mình" hay còn lại là tầng sinh môn không bị giãn rộng có thực sự đúng? Hãy nghe những phân tích của chuyên gia để hiểu rõ hơn về cơ chế sinh thường và sinh mổ tác động như thế nào đến sức khỏe.
Sinh mổ có ảnh hưởng đến âm đạo
Theo Thạc sỹ, bác sỹ Hà Ngọc Mạnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ (Hà Nội), thực tế cho thấy nhiều trường hợp sinh mổ âm đạo vẫn rộng vì nó có nhiều lý do.
Thứ nhất: Tất cả những hoạt động để chuẩn bị cho việc chuyển dạ như thay đổi nội tiết làm cho âm đạo, cổ tử cung trở nên mềm, lỏng lẻo tạo điều kiện cho em bé lọt qua tầng sinh môn.
Thứ hai: Khi xuất hiện cơn chuyển dạ, cổ tử cung mở. Trong trường hợp chuyển dạ không thành công dẫn đến việc phải chuyển phẫu thuật. Quá trình chuyển dạ này cũng làm giãn một phần âm đạo cổ tử cung.
Thạc sỹ, bác sỹ Hà Ngọc Mạnh
Chuyên gia nam học và hiếm muộn Hà Ngọc Mạnh cho hay: "Nếu chị em nào cho rằng sinh mổ không liên quan gì đến tầng sinh môn hoặc âm đạo là sai. Trước khi ca sinh mổ diễn ra, kể cả đẻ mổ hay đẻ thường, người phụ nữ đều trải qua cơn chuyển dạ, khi này cửa tử cung co bóp, phần nhiều là dãn ra đến một mức nhất định.
Sau sinh, để cổ tử cung hoàn toàn khép lại như trạng thái ban đầu, chị em sẽ phải kiêng cữ chuyện ấy trong khoảng 6 tuần. Lý do là sau đẻ rất dễ bị nhiễm khuẩn ngược dòng khi tử cung đang co hồi, cổ tử cung được đóng khít lại".
Các chuyên gia khoa sản khuyến cáo, nếu chị em có sức khỏe thai kỳ bình thường thì nên đẻ thường để tốt cho cả mẹ và con. Phương pháp đẻ mổ chỉ nên áp dụng với những mẹ có vấn đề về thai kỳ và được bác sĩ yêu cầu đẻ mổ.
Chị em không nên chọn đẻ mổ chỉ vì tâm lý sợ đau hay sợ ảnh hưởng đến "vùng kín" sau sinh nở… Mẹ bầu cần biết rằng phương pháp nào cũng có hai mặt và nên tìm hiểu kỹ về các biện pháp sinh nở để có kiến thức vững vàng bước vào ca sinh đẻ bạn.