Iran đã "chùn bước" hay ông Trump đang toan tính điều gì?
Liệu có phải Iran đã "chùn bước" sau những ngày leo thang căng thẳng chưa từng thấy với Mỹ?
Tổng thống Donald Trump dường như đã suy nghĩ như vậy khi ông có bài phát biểu trước toàn thể người dân Mỹ sau sự kiện Iran tấn công hai căn cứ của nước này ở Iraq có lính Mỹ đồn trú.
Rạng sáng ngày 8/12, Iran đã phóng 16 quả tên lửa (cũng có thông tin cho là 22 quả) tấn công Căn cứ Không quân Ain al-Assad ở tỉnh Anbar phía Tây Iraq và một căn cứ quân sự khác ở gần thành phố Irbil phía Bắc Iraq.
Mặc dù truyền thông Iran tuyên bố đã có 80 lính Mỹ tử vong nhưng thông tin được chính quyền Washington xác nhận thì không có thương vong nào bởi Quân đội Mỹ đã nhận được các thông tin tình báo chính xác về kế hoạch phóng tên lửa của Tehran vào các căn cứ ở Iraq.
Nhân viên Mỹ ở cả hai căn cứ đã được sơ tán xuống các boong-ke trong quá trình Iran tấn công còn binh lính tại căn cứ Ain al-Assad đã được triển khai sang nơi khác để tránh thương vong.
Trong diễn biến liên quan trước đó, Tổng thống Trump từng cảnh báo Iran rằng Quân đội Mỹ đã lựa chọn 52 địa điểm ở Iran để tấn công nếu Tehran quyết trả đũa bằng việc tập kích vào các lực lượng Mỹ để báo thù cho tướng Qassem Soleimani bị Mỹ sát hại hôm 3/1.
Iran đã phóng 16 quả tên lửa tấn công 2 căn cứ Không quân Mỹ ở Iraq. Ảnh: AP
Việc không có lính Mỹ nào thương vong có thể là lý do để ông Trump, sau khi tham vấn với các quan chức cấp cao, đã quyết định không đáp trả Iran vào thời điểm này.
Tuy nhiên, còn có một lý do khác nữa để người đứng đầu Nhà Trắng không ra lệnh cho quân đội tấn công đáp trả Iran rất có thể là bởi vì Mỹ vẫn đang trong quá trình triển khai thêm binh sĩ và máy bay tới vùng Vịnh cũng như một số địa bàn xung quanh Iran.
Phản ứng của Tổng thống Trump sau vụ ám sát tướng Soleimani và Phó tư lệnh lực lượng Tổng động viên Iraq (PMF) cho thấy có thể còn một lý do thứ ba nữa khiến ông chờ đợi để tấn công vào các mục tiêu đã lựa chọn của Iran.
Ngày 6/1, ông Trump bất ngờ đăng tải trên tài khoản Twitter của mình nội dung cảnh báo Iran sẽ không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân.
Đây là nội dung mà ông chủ Nhà Trắng đã viết: "Iran sẽ không bao giờ có vũ khí hạt nhân!".
Tiếp dó, trong bài phát biểu của mình sau vụ tấn công của Iran ở Iraq hôm 8/1, Tổng thống Trump mở đầu bằng một câu tương tự: "Chừng nào tôi còn làm Tổng thống Mỹ thì Iran sẽ không bao giờ được phép có vũ khí hạt nhân".
"Pháo đài bay" B-52 sẽ "xóa sổ" các cơ sở hạt nhân Iran?
Mỹ thông báo sẽ triển khai 6 máy bay ném bom chiến lược B-52 tới căn cứ không quân trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, địa điểm cách Iran khoảng 3.000 dặm về phía Nam.
Kênh truyền hình CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, việc triển khai này có liên quan đến mối căng thẳng hiện nay với Iran và các "pháo đài bay" có thể được huy động để chống lại Iran nhưng hiện tại vẫn chưa có lệnh sử dụng chúng.
Diego Garcia, căn cứ quân sự Mỹ ở giữa Ấn Độ Dương. Ảnh: Reuters
Tướng nghỉ hưu Hawk Carlisle - cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Tác chiến Không quân Mỹ chia sẻ trên tờ Air Force Times: "Triển khai B-52 tại Diego Garcia sẽ có một số lợi thế".
"Nó sẽ giúp giải phóng không gian tại các căn cứ ở Trung Đông để điều thêm các máy bay khác, chẳng hạn như máy bay chiến đấu hoặc máy bay trinh sát, những loại không đạt được tầm hoạt động trên 14.000 km như của B-52 hoặc có thể phải nhanh chóng ứng phó với tình huống khẩn cấp".
Một lý do khác nữa để Mỹ triển khai các máy bay B-52 tới Diego Garcia chứ không phải Qatar là bởi chúng nằm ngoài tầm với của hầu hết các tên lửa đạn đạo mà Iran có trong kho vũ khí.
Việc Mỹ cân nhắc sử dụng B-52 có thể cho thấy quân đội nước này đang lên kế hoạch đánh bom các địa điểm hạt nhân của Iran nếu ông Trump quyết định thực hiện tuyên bố sẽ "đáp trả không cân xứng" nếu như Iran vượt qua giới hạn đỏ một lần nữa.
B-52 là dòng máy bay duy nhất hiện đang có trong biên chế của Quân đội Mỹ có khả năng mang hai loại siêu bom công phá boong-ke: Bom phá boong-ke thông minh hạng nặng (MOP) và "Mẹ của các loại bom" (MOAB).
Trong một đòn tấn công, các loại bom này có thể phá hủy những cơ sở hạt nhân ngầm kiên cố của Iran, chẳng hạn như nhà máy làm giàu uranium Fordow ở miền Trung Iran.
Các máy bay ném bom B-52 có khả năng tấn công Iran từ Diego Garcia. Ảnh: Reuters
Muốn đánh bom cơ sở hạt nhân Fordow, Mỹ sẽ phải cần tới B-52 bì MOP và MOAB có khối lượng dao động từ 9.500 kg tới 13.600 kg. Chẳng hạn như, máy bay ném bom tàng hình F-35 cũng chỉ có thể mang theo cùng lắm là 8.000 kg đạn dược.
Khối lượng của MOP và MOAB cũng có thể là lý do Israel đã không đề nghị Mỹ cung cấp vũ khí này bởi Không quân Israel (IAF) không có loại máy bay nào để sử dụng chúng.
Các mối đe dọa hạt nhân của Iran đã gia tăng đáng kể từ sau vụ ám sát tướng Qassem Soleimani. Khi viên tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds bị sát hại, Iran tuyên bố sẽ từ bỏ bất cứ giới hạn nào trong chương trình làm giàu uranium của mình.
Olli Heinonen, cựu Phó tổng Giám đốc phụ trách vấn đề an toàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói rằng, thông báo này của Iran có nghĩa rằng Tehran sẽ rất sớm đạt được khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân.
Iran đã bắt đầu sử dụng máy ly tâm IR-4 và IR-2 mới từ cuối năm 2019 và hiện đang nhanh chóng tiếp cận tới số lượng 1.000 kg uranium làm giàu thấp mà họ cần chuyển đổi thành 25 kg uranium cấp độ vũ khí cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Ông Heinonen, người cũng là cựu thanh sát viên của IAEA cho rằng, đến cuối tháng này Iran có thể đạt tới ngưỡng kể trên và sau đó sẽ mất thêm hai tháng nữa để làm công tác chuẩn bị chế tạo vì Tehran đã có tất cả các thiết kế cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, Iran cũng tuyên bố họ sẽ không lùi bước và cuộc tấn công vào các căn cứ của Mỹ chỉ là "khúc dạo đầu" cho một điều gì đó lớn hơn nhiều.
Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy Lực lượng Không gian vũ trụ của IRGC cho biết hôm thứ Năm (9/1) rằng, các cuộc tấn công vừa qua chỉ là bước khởi đầu của cái mà ông gọi là "Chiến dịch Chiến binh Tử vì đạo Soleimani".
Theo ông Hajizadeh, chiến dịch này sẽ "tiếp tục lan rộng ra toàn khu vực" và sẽ liên quan đến việc sử dụng "hàng trăm tên lửa".
Để răn đe Mỹ, Iran đã đe dọa sẽ san phẳng thành phố cảng Haifa của Israel và Dubai của quốc gia vùng Vịnh UAE.
"Mẹ của các loại bom" có sức phá hủy như thế nào?