Chê Patriot vô dụng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thất bại mua S-400?

Toàn Thắng |

Một cựu tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết rằng, S-400 hơn hẳn Patriot nhưng chắc chắn NATO sẽ làm khó Ankara trong thương vụ mua hệ thống phòng không Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ không có hệ thống phòng không mạnh

Ông Sergei Chemezov đứng đầu tập đoàn Nhà nước Rostec thông báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sự chú ý đến hệ thống tên lửa phòng không của Nga (AAMS) S-400, bởi họ cho rằng, đây là hệ thống phòng không/phòng thủ chống tên lửa tốt nhất thế giới hiện nay.

Theo ông Sergei Chemezov, Thổ Nhĩ Kỳ thực sự muốn mua hệ thống tên lửa phòng không (AAMS) S-400. Nước này đang tiến hành các cuộc đàm phán và đã đặt câu hỏi về tài chính" - ông Chemezov cho biết tại Triển lãm quốc tế về vũ khí và thiết bị quân sự IDEX-2017.

Trả lời phỏng vấn của Sputnik, Thiếu tướng về hưu Thổ Nhĩ Kỳ là ông Nejat Eslen đã đưa ra ý kiến bình luận về chuyện quân đội nước này tiềm tàng khả năng mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Theo ý kiến của ông này, việc Thổ Nhĩ Kỳ không có các hệ thống phòng không tốt đã làm nảy sinh vấn đề nghiêm trọng đối với an ninh của đất nước, trong bối cảnh khả năng phát triển và sở hữu tên lửa đạn đạo của những nước láng giềng đang ngày một nâng cao.

Tướng Eslen nhấn mạnh rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không có hệ thống phòng không với tiềm năng phát hiện mục tiêu ở tầm cao và tầm trung. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với việc đảm bảo an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là khi các nước láng giềng trong khu vực đã sở hữu tên lửa đạn đạo.

Ngoài ra, các nước trong khu vực này còn sở hữu các hệ thống phòng không riêng của mình, ngoài ra, một số nước đã triển khai hệ thống phòng không của Israel.

Về phần mình, ở vùng Kürecik của Thổ Nhĩ Kỳ đang bố trí hệ thống radar như là một bộ phận trong hệ thống phòng không của Mỹ. Trước đây cũng có một số tổ hợp phóng của Mỹ và của Đức được triển khai ở trên lãnh thổ đất nước. Tuy nhiên, đó vẫn không phải là của Thổ Nhĩ Kỳ và có thể bị rút đi bất cứ lúc nào.

Thực tế đó cho chúng thấy rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp vấn đề dưới góc độ an ninh khu vực và chắc chắn đất nước cần phải có hệ thống phòng không của riêng mình.

Vị cựu thiếu tưỡng về hưu nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh tình hình khu vực đang có những diễn biến phức tạp hiện nay, sự hiện diện một hệ thống phòng không tầm cao, tầm xa đủ mạnh của riêng mình đang là yêu cầu cấp bách đối với Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

S-400 hơn hẳn Patriot nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không dễ mua

Theo thiếu tướng Nejat Eslen, hệ thống phòng không của Mỹ và NATO không thể so được với S-400, thậm chí là cả S-300 của Nga.

Ví dụ như bán kính hiệu lực của tổ hợp Patriot-3 của Mỹ là quá ngắn, thấp hơn nhiều so với tầm phóng của các tên lửa phóng từ máy bay hiện nay.

Chê Patriot vô dụng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thất bại mua S-400? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá S-400 cao hơn rất nhiều so với PAC-3 của Mỹ

Do đó, khi mục tiêu máy bay chưa vào đến tầm phóng của PAC-3 thì PAC-3 đã bị tiêu diệt trước, không có khả năng tự bảo vệ mình chứ đừng nói là bảo vệ các mục tiêu trọng yếu. Ông Eslen nhận định rằng, hiện nay hệ thống tên lửa phòng không S-400 là ưu việt nhất thế giới.

Vị thiếu tướng về hưu nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ biết phạm vi địa bàn bảo vệ của tổ hợp Patriot bố trí tạm thời trên lãnh thổ nước này là cực kỳ hạn chế và nó là thứ vô dụng như thế nào, trong khi S-400 của Nga là một trong những hệ thống xuất sắc nhất trên thế giới hiện nay.

"Chúng tôi biết rằng tên lửa S-400 là hiện đại hơn và hiệu quả hơn. Mặc dù bất kỳ hệ thống nào cũng không thể đảm bảo an ninh 100%. Ở những nơi có tình hình khủng hoảng, yêu cầu này có thể đạt được thông qua việc thiết lập hệ thống phòng không" - ông Eslen nói.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không dễ mua được S-400, điều này không phải xuất phát từ phía Nga-Thổ mà là do Mỹ và khối NATO, giống như thương vụ nước này định mua hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc đã bị hủy bỏ trước đây.

Năm ngoái, theo yêu cầu ​​của Mỹ và NATO, ngay trước ngưỡng hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G-20, Ankara đã buộc phải hủy bỏ kết quả đấu thầu mua tổ hợp tên lửa tầm xa của Trung Quốc. Khi đó, hợp đồng gói thầu đã sắp được ký kết để trao cho Bắc Kinh.

Tướng Eslen nói, chỉ chút nữa là gói thầu đã được trao cho Bắc Kinh, nhưng sau đó lại bị gạt bỏ, khiến không chỉ an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ bị đe dọa mà còn ảnh hưởng lớn đến quan hệ với Trung Quốc. Và hiện nay, nước này lại một lần nữa đối mặt với áp lực từ phương Tây.

Viên tướng này nhận định, sức ép tương tự có thể tái diễn với hệ thống S-400 mà Ankara dự tính mua của Moscow. NATO sẽ tìm mọi cách, viện mọi lí do và gây sức ép về nghĩa vụ thành viên để ngăn cản quốc gia NATO này mua hệ thống phòng không Nga.

"Họ có thể nói với chúng tôi rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO, hệ thống phòng thủ của các vị cần phải tích hợp vào hệ thống phòng không của khối. Mà S-400 của Nga thì không thể đảm bảo sự tích hợp đó. Và hẳn là NATO sẽ cố gắng ngăn cản, kể cả thông qua con đường gây áp lực chính trị" - ông Nejat Eslen dự đoán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại