Lực lượng hỗ trợ chiến lược: Mục tiêu "đại nhảy vọt" mới của quân đội Trung Quốc

Nhật Huy |

Lực lượng hỗ trợ chiến lược (SSF) của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc được ông Tập Cận Bình giao nhiệm vụ tạo ra những bước phát triển nhảy vọt về công nghệ quân sự.

Theo tạp chí Diplomat, SSF hợp nhất năng lực tác chiến điện tử, không gian và chiến tranh mạng của quân đội Trung Quốc. Nó được xem là mũi đột phá cho việc xây dựng quân đội kiểu mới và là một thành tố quan trọng của tác chiến đa quân chủng.

SSF không chỉ có nhiệm vụ giành ưu thế trong không gian và không gian mạng, những "điểm cao" chiến lược mới trong chiến tranh hiện đại, mà còn chịu trách nhiệm thử nghiệm và triển khai những loại vũ khí hoàn toàn mới.

Trong tương lai, SSF được kỳ vọng sẽ là động lực đổi mới và giúp Trung Quốc vượt qua Mỹ trong một số lĩnh vực công nghệ quốc phòng mới.

Lực lượng hỗ trợ chiến lược: Mục tiêu đại nhảy vọt mới của quân đội Trung Quốc - Ảnh 1.

Lễ thành lập lực lượng tên lửa và lực lượng hỗ trợ chiến lược được tổ chức tại Bắc Kinh ngày 31/12/2015. Ảnh: China Military Online.

SSF được xây dựng để phù hợp với hình thái chiến tranh tương lai. Theo dự đoán của quân đội Trung Quốc thì những mặt trận chiến lược mới, gồm không gian, không gian mạng, và tác chiến điện tử, sẽ đóng vai trò tối quan trọng. Bên cạnh đó, các hệ thống vũ khí tàng hình, không người lái cũng sẽ ngày càng quan trọng hơn.

Ngoài những nhiệm vụ tác chiến điện tử, không gian và chiến tranh mạng thì SSF còn có thể chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và triển khai các loại vũ khí thế hệ mới, như vũ khí năng lượng định hướng, vũ khí động năng và vũ khí trên không gian điều khiển.

Khái niệm vũ khí thế hệ mới cũng có thể bao gồm các hệ thống "gây rối", những loại vũ khí được thiết kế đặc biệt để nhắm vào những điểm yếu của quân đội Mỹ và tạo ra lợi thế bất đối xứng cho Trung Quốc.

Trong tương lai gần, những loại vũ khí năng lượng định hướng, như laser, pháo điện từ…có thể sớm được SSF đưa vào thử nghiệm và triển khai. Một số nguồn tin cho biết, các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ hạt nhân Tây Bắc đã đạt được những bước đột phá đáng kể đối với các loại vũ khí sóng điện từ năng lượng cao.

Lực lượng hỗ trợ chiến lược: Mục tiêu đại nhảy vọt mới của quân đội Trung Quốc - Ảnh 2.

Năm 2015, Trung Quốc tái cơ cấu quân đội và thành lập lực lượng tác chiến mạng dưới sự quản lý của Lực lượng hỗ trợ chiến lược (SSF). Ảnh: AFP

SSF sẽ thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển của riêng mình, thông qua một số viện nghiên cứu, và thúc đẩy tiến trình kết hợp giữa công nghệ dân sự và quân sự. Hiện nay, có nhiều dấu hiện cho thấy các viện nghiên cứu số 54, 56, 57 và 58, vốn trước đây chịu sự chỉ đạo của Bộ tổng tham mưu, đã được chuyển giao cho SSF.

Việc kết hợp công nghệ dân sự và quân sự được xem là cần thiết cho thành công của SSF, do chiến tranh hiện đại ngày càng phụ thuộc vào lĩnh vực công nghệ thông tin dân sự.

Để tận dụng tối đa hiệu quả của các công nghệ kép này, những viện nghiên cứu trên có thể đồng thời hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp quốc phòng cũng như cộng đồng nghiên cứu khoa học nói chung.

SSF cũng nhấn mạnh đến yếu tố tổ chức và con người để đạt được mục tiêu của mình. "Chiến lược phát triển dựa trên sáng kiến" được vạch ra, trong đó bao gồm việc xây dựng một đội ngũ cán bộ sáng tạo, tài năng, và tạo điều kiện thúc đẩy tinh thần sáng tạo, đổi mới.

Theo Chu Hongbin, chính ủy Cục kiểm soát và theo dõi vệ tinh hàng hải, trực thuộc SSF, thì 70% nhân sự của cục có trình độ thạc sĩ hoặc cao hơn.

Theo Diplomat, quân đội Trung Quốc được xem là một tổ chức bảo thủ và ít chịu thay đổi, song SSF, được xây dựng với mục tiêu sáng tạo và đổi mới, có thể giúp thúc đẩy công nghệ quân sự tốt hơn.

Nếu thành công, SSF có thể trở thành chất xúc tác cho những thay đổi lớn hơn trong nội bộ quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, sẽ không dễ để đo lường được những thành quả đạt được của SSF trong những lĩnh vực còn khá mơ hồ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại