Bệnh nhân V.T.B. (trú tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) thường xuyên bị chảy máu mũi bên phải, cảm giác khó chịu bên trong mũi nên đã tới khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.
Tại đây, BSCKI. Ngô Văn Minh tiến hành nội soi, phát hiện và gắp thành công 1 con vắt còn sống có chiều dài khoảng 7cm trong xoang mũi của bệnh nhân.
Bệnh nhân chia sẻ: "Tôi đi làm cà phê, vì trời quá nóng nên lấy khăn thấm nước suối để lau mặt. Con vắt chui vào mũi từ lúc nào. Mấy hôm nay cứ thấy chảy ra máu đông từ mũi. Thấy lo lắng không biết bị bệnh gì, tới bệnh viện mới biết là vắt chui vào mũi".
Trường hợp bị vắt chui vào đường thở khá thường gặp ở phòng khám Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, BSCKI Ngô Văn Minh khuyến cáo: Người bệnh ngay khi có các dấu hiệu như nhột, ngứa, chảy nước mũi, đau đớn, khó thở, chảy máu… cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, phát hiện kịp thời. Phát hiện chậm trễ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu mạn tính do bị vắt hút. Đặc biệt, trong quá trình vắt hút máu tiết ra chất chống đông máu nên sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.
Vắt là loài vật thường xuất hiện ở các vùng núi, có trong nước ở suối, rừng. Thời gian đầu vắt có kích thước rất bé, mắt thường khó phát hiện. Vì vậy cảnh báo người dân khi đi rừng, suối không nên rửa mặt, uống nước suối, cẩn thận tắm suối. Lưu ý, khi thấy mũi, họng có biểu hiện bất thường chúng ta cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám, phát hiện tình trạng của bản thân.