Chạy đua vũ trang giữa xung đột Ukraine: Công ty Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc vượt mặt cả Mỹ và Nga

Hữu Hiển |

Các quốc gia có ngành công nghiệp quốc phòng đang hoạt động hết công suất đã có được rất nhiều hợp đồng mua bán vũ khí sớm.

Theo trang Politico, phương Tây đã cam kết làm bất cứ điều gì cần thiết để hỗ trợ Ukraine đồng thời đưa quân đội trở lại trạng thái sẵn sàng chiến đấu, nhưng chính các nhà thầu quốc phòng ở Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang nhận được nhiều hợp đồng sớm.

Chạy đua vũ trang giữa xung đột Ukraine: Công ty Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc vượt mặt cả Mỹ và Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (phải) đánh giá xe tăng chiến đấu K2 và pháo K9 của Hàn Quốc được chuyển giao cho Ba Lan vào ngày 6/12/2022. Ảnh: AFP

Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel hưởng lợi

Theo phân tích mới nhất về doanh thu bán vũ khí và dịch vụ quân sự từ 100 nhà thầu hàng đầu thế giới do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) thực hiện, các nhà sản xuất vũ khí ở những quốc gia này - nơi chính phủ duy trì các dây chuyền sản xuất và đầu tư quân sự để duy trì an ninh của chính họ - đã sớm thu lợi trong những tháng sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.

Lucie Béraud-Sudreau, người phụ trách biên soạn dữ liệu cập nhật hàng năm cho SIPRI - cho biết: "Hàn Quốc, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia nổi bật về khả năng đáp ứng khi nhu cầu chi tiêu quốc phòng gia tăng."

Bốn công ty quốc phòng lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ chứng kiến ​​doanh thu năm 2022 tăng 22% lên 5,5 tỷ USD so với năm 2021, trong đó nổi bật là nhà sản xuất máy bay không người lái Baykar.

Tổng doanh thu từ vũ khí của ba công ty Israel theo thống kê của SIPRI đạt 12,4 tỷ USD vào năm 2022, tăng 6,5% so với năm 2021.

Doanh thu vũ khí tổng hợp của bốn công ty Hàn Quốc theo thống kê của SIPRI giảm 0,9%, chủ yếu do mức giảm 8,5% được ghi nhận bởi Hanwha Aerospace - nhà sản xuất vũ khí lớn nhất nước này; nhưng các công ty Hàn Quốc có thể sẽ chứng kiến doanh thu tăng đột biến trong năm nay nhờ các đơn đặt hàng lớn từ Ba Lan và UAE.

Theo Politico, Ba Lan - một quốc gia có chung biên giới với Ukraine - đã đặt nhiều đơn hàng lớn với các nhà sản xuất vũ khí Hàn Quốc về xe tăng K2 Black Panther, pháo tự hành K9 và máy bay chiến đấu FA-50. Warsaw có truyền thống tìm đến Mỹ để ký các hợp đồng mua vũ khí lớn, nhưng lại chuyển sang Hàn Quốc vì nước này có thể đáp ứng các đơn đặt hàng nhanh hơn các công ty Mỹ.

Trong lễ ký kết hợp đồng vào năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak giải thích rằng: "Không may do năng lực công nghiệp [quốc phòng] hạn chế nên trang thiết bị sẽ không thể được giao đúng kỳ hạn. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu đàm phán với Hàn Quốc - đối tác đã được kiểm chứng của chúng tôi."

Chạy đua vũ trang giữa xung đột Ukraine: Công ty Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc vượt mặt cả Mỹ và Nga - Ảnh 2.

Ba Lan đặt một đơn hàng lớn mua máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc. Ảnh: Getty

Theo Politico, ba nước Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang sớm vươn lên vì các nhà máy sản xuất vũ khí của họ đã sẵn sàng cho tình trạng chiến tranh.

Béraud-Sudreau cho biết: "Đó là những quốc gia trong bối cảnh cụ thể cần ngành công nghiệp [quốc phòng] của họ có khả năng phản ứng nhanh. Ngoài ra, họ còn sản xuất những thứ đang có nhu cầu như pháo, máy bay không người lái."

Doanh thu của các gã khổng lồ quốc phòng Mỹ sụt giảm

Trong khi những gã khổng lồ có trụ sở tại Mỹ như Lockheed Martin, Raytheon và Boeing vẫn đứng đầu trong bảng xếp hạng của SIPRI, nhưng doanh thu từ vũ khí của cả ba đều giảm vào năm 2022.

Doanh thu từ vũ khí của 42 công ty quốc phòng lớn nhất nước Mỹ đã giảm 7,9% xuống còn 302 tỷ USD vào năm 2022.

Nan Tian - nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI - cho biết: "Chúng tôi bắt đầu nhận thấy một loạt đơn đặt hàng mới liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và kết quả là một số công ty lớn của Mỹ, bao gồm Lockheed Martin và Raytheon Technologies, đã nhận được đơn đặt hàng mới."

"Tuy nhiên, do các đơn hàng tồn đọng hiện tại của các công ty này và những khó khăn trong việc nâng cao năng lực sản xuất, doanh thu từ các đơn hàng này có thể sẽ chỉ được phản ánh trong tài khoản công ty trong thời gian từ hai đến ba năm tới", Tian nói.

Trong khi đó, ở châu Âu, những công ty như MBDA và Leonardo cũng chứng kiến doanh thu từ vũ khí sụt giảm trong năm ngoái.

Béraud-Sudreau cho biết: "Nhiều công ty vũ khí gặp trở ngại trong việc điều chỉnh hoạt động sản xuất cho chiến tranh cường độ cao. Tuy nhiên, các hợp đồng mới đã được ký kết, đặc biệt là về đạn dược, dự kiến sẽ mang lại doanh thu cao hơn vào năm 2023 và hơn thế nữa."

Bà nói thêm rằng, các nhà sản xuất vũ khí ở Mỹ và châu Âu đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng mới, nhưng không thể tăng đáng kể năng lực sản xuất vì thiếu lao động, chi phí tăng cao và khó khăn trong chuỗi cung ứng.

Chạy đua vũ trang giữa xung đột Ukraine: Công ty Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc vượt mặt cả Mỹ và Nga - Ảnh 3.

10 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới tính theo doanh thu năm 2022 (đơn vị: tỷ USD). Nguồn: SIPRI

Các công ty quốc phòng Nga thiệt hại nặng nhất

Theo Politico, Liên minh châu Âu (EU) hiện đang ở giữa một cuộc tranh luận gay gắt về cách tăng cường sản xuất quốc phòng và làm thế nào để đảm bảo rằng cả quỹ của riêng mỗi quốc gia và của EU đều được dành cho các công ty trong nước hoặc nội khối, thay vì các nhà cung cấp nước ngoài.

Riho Terras - chính trị gia người Estonia, thành viên Nghị viện Châu Âu (EP) và từng là Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Estonia cho đến năm 2018 - cho biết: "Ba Lan mua từ Hàn Quốc, Estonia mua từ Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi thực sự không thể có được các sản phẩm châu Âu cho lực lượng vũ trang của mình."

Ông nói với Politico hồi đầu năm nay rằng: "Đó là điều chúng tôi [EU] cần tập trung vào, nếu không chúng tôi sẽ thua trong cuộc cạnh tranh, đặc biệt là với Hàn Quốc."

Theo Politico, trong khi doanh thu của các công ty vũ khí của Mỹ và châu Âu sụt giảm do chuyển sang sản xuất thời chiến nhằm mục đích vừa cung cấp cho Ukraine vừa củng cố kho dự trữ quốc gia, thì bên chịu thiệt hại lớn nhất là Nga - nơi các công ty quốc phòng của họ đã chứng kiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Điện Kremlin không công bố nhiều về dữ liệu của lĩnh vực quốc phòng, vì vậy SIPRI chỉ thu thập được dữ liệu về hai công ty Nga, nhưng doanh thu vũ khí tổng hợp của họ đã giảm 12% xuống còn 20,8 tỷ USD.

Béraud-Sudreau cho biết, dự đoán tốt nhất là các nhà sản xuất vũ khí của Nga vẫn đang ký các hợp đồng lớn để cung cấp cho quân đội Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine, nhưng các khoản thanh toán của chính phủ Nga bị đình trệ nên các nhà thầu thay vào đó phải vay vốn ngân hàng để trang trải chi phí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại